Bệnh COPD: Những nguy hiểm và lợi ích khi điều trị tại nhà

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hiện đang ảnh hưởng đến xấp xỉ 329 triệu người, chiếm 5% dân số thế giới và là nguyên nhân thứ ba gây tử vong với số lượng người chết vì căn bệnh này lên tới hơn 3 triệu người mỗi năm. Với tính chất mạn tính, kéo dài và không hồi phục cộng với số lượng bệnh nhân đông đảo khiến cho bài toán đặt ra là có thể theo dõi, điều trị tại nhà những bệnh nhân COPD trong giai đoạn ổn định được không?

Từ lợi ích...

COPD được đặc trưng bởi một tình trạng viêm mạn tính đường thở, tổn thương chủ yếu tập trung tại các tiểu phế quản nhỏ hơn 2mm và nhu mô phổi gây giảm từ từ, không hồi phục các chức năng thông khí phổi. Bệnh có liên quan trực tiếp đến việc hút thuốc lá và các yếu tố trong môi trường bị ô nhiễm. Bệnh tiến triển từ từ trong nhiều năm và thường khi có biểu hiện bằng những đợt khó thở thì đã ở giai đoạn muộn. Ngoài một tình trạng ổn định, có thể theo dõi và điều trị tại nhà, bệnh thường bùng phát những đợt cấp khiến bệnh nhân phải nhập viện và là nguy cơ chính làm bệnh nhân tử vong

Có rất nhiều lợi ích khi bệnh nhân COPD được theo dõi điều trị tại nhà. Thứ nhất là do tính chất mạn tính nên bệnh nhân chỉ có cách là phải sống chung với bệnh trong suốt phần đời còn lại hay nói khác đi, không thể nằm viện theo dõi trong một thời gian dài như vậy. Thứ hai là theo dõi điều trị tại gia đình sẽ tránh được những vấn đề như nhiễm khuẩn bệnh viện phòng ốc chật chội, nóng bức, đông đúc... khiến cho người bệnh khó có thể thư giãn và yên tâm nằm điều trị. Môi trường gia đình cũng yên tĩnh, sạch sẽ và thông thoáng hơn so với nhiều đơn vị điều trị tập trung. Được sống trong gia đình quen thuộc cũng giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu ăn uống tốt, ngủ ngon hơn khiến cho kết quả điều trị tốt hơn. Bên cạnh đó, người bệnh luôn có sự chăm sóc, động viên của người thân, sự thăm hỏi quan tâm của bà con láng giềng nên thấy thoải mái và thư giãn. Bệnh nhân COPD được theo dõi tại nhà giúp gia đình giảm chi phí điều trị cũng như những phiền toái khi ra vào bệnh viện liên tục và không làm đảo lộn nền nếp làm việc và sinh hoạt hàng ngày.

... đến điều kiện

Tuy nhiên, để có thể theo dõi, điều trị bệnh nhân COPD tại nhà cần một số điều kiện như bệnh phải đang trong giai đoạn ổn định. Bệnh ổn định có nghĩa là người bệnh cảm thấy tương đối thoải mái dễ chịu, không khó thở hoặc chỉ khó thở ở mức độ nhẹ, có thể giải quyết được bằng thở ôxy liều lượng thấp 2 - 4 lít/phút và nếu bệnh nhân có thể nói được những câu dài hoặc nói chuyện được là tình trạng hô hấp tạm chấp nhận được; mạch huyết áp ổn định; ăn uống được; không có các triệu chứng của bội nhiễm phổi như sốt cao ho khạc đờm vàng; phổi không có ran co thắt nhiều; không mệt cơ; tình trạng dinh dưỡng tốt; đêm ngủ được. Người bệnh COPD phải luôn có các thuốc thiết yếu để sẵn sàng dùng ngay khi cần như các thuốc giãn phế quản corticoid dạng uống hoặc dạng xịt, dạng khí dung và đương nhiên là sử dụng theo đơn. Ôxy có lẽ là thứ không thể thiếu vì người bệnh COPD phải thở ôxy liên tục hoặc những khi lên cơn khó thở đột ngột. Gia đình có thể tự trang bị nguồn ôxy bằng bình ôxy y tế hoặc máy tạo ôxy cho người bệnh. Ngoài ra, nếu có điều kiện, gia đình cũng có thể mua thêm máy khí dung phòng khi bệnh nhân khó thở nhiều cần dùng thuốc Phòng ở của bệnh nhân cũng nên đảm bảo độ thông thoáng, mát về mùa hè, ấm về mùa đông và càng rộng rãi càng tốt. Người thân hoặc những người chăm sóc bệnh nhân COPD phải được hướng dẫn những kiến thức tối thiểu về bệnh, cách phát hiện những dấu hiệu bất thường, cách chăm sóc, nuôi dưỡng, một số liệu pháp điều trị thông thường như thở ôxy khí dung xịt thuốc... cho bệnh nhân khi cần.

Và những điều cần chú ý

Để bệnh nhân COPD an toàn khi được điều trị tại nhà, nên chú ý một số điểm như: phải dùng thuốc theo đúng chỉ định, không được tự ý thêm bớt; không lạm dụng thở ôxy khi người bệnh không thực sự khó thở; tránh những thay đổi đột ngột tới người bệnh như thay đổi thời tiết, thay đổi cảm xúc - tâm lý; dự phòng nhiễm khuẩn phổi; nuôi dưỡng đầy bệnh nhân đầy đủ và hợp lý (số calo không thiếu nhưng cũng không quá nhiều, đặc biệt là ít tinh bột đường vì nếu ăn nhiều sẽ làm tăng CO2 máu, không tốt cho bệnh nhân); đảm bảo đủ lượng nước; tránh các bệnh đường tiêu hóa như táo bón tiêu chảy; giúp người bệnh thư giãn hoặc tập luyện nhẹ nhàng nếu có thể; luôn quan tâm, động viên an ủi người bệnh và cuối cùng biết cách phát hiện những dấu hiệu của đợt cấp COPD để khẩn trương đưa người bệnh vào viện. 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật