Cảnh báo: Tiểu ra mủ, bệnh sẽ khó trị nếu bạn để lâu

Tiểu ra mủ là một hiện tượng trong nước tiểu có mủ. Sự việc này người bệnh và thầy thuốc cũng có thể quan  sát  bằng mắt thường nhưng có nhiều trường hợp phải xét nghiệm nước tiểu mới đánh giá được trong nước tiểu có mủ hay không. Song song với hiện tượng nước tiểu có mủ, qua xét nghiệm còn phát hiện nước tiểu có nhiều bạch cầu và cũng rất có thể có cả hồng cầu (trong trường hợp có tiểu ra máu).

Nguyên nhân tiểu ra mủ

 

Có rất nhiều nguyên nhân gây tiểu ra mủ, nguyên nhân đầu tiên gặp trong tiểu ra mủ là viêm nhiễm niệu đạo do vi khuẩn lậu vi khuẩn Chalamydia, Mycoplasma hoặc cũng có thể viêm nhiễm do một số vi khuẩn khác như tụ cầu, trực khuẩn mủ xanh... Một số thao tác kỹ thuật như nong niệu đạo làm tổn thương niêm mạc niệu đạo và bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu hoặc trực khuẩn mủ xanh. Cũng có thể gặp tiểu ra mủ do viêm nhiễm hoặc áp xe tuyến tiền liệt do vi khuẩn lậu hoặc một số vi khuẩn khác. Viêm nhiễm bàng quang bởi vi khuẩn lao (Mycobacterium), vi khuẩn lậu cầu cũng gây tiểu ra mủ. Viêm mủ bàng quang tiên phát hoặc do thứ phát sau thực hiện một số thủ thuật (như thăm dò bàng quang) sỏi bàng quang và do tán sỏi bàng quang

Tiểu ra mủ cũng do thận bị tổn thương và bị nhiễm khuẩn Mủ từ bể thận chảy xuống niệu quản, bàng quang và ra theo nước tiểu Thông thường là do vi khuẩn gây mủ bể thận nhưng cũng có trường hợp khác như sỏi hoặc những nguyên nhân khác gây ứ nước tiểu bởi sự cản trở của một loại  vật cản nào đó hoặc do viêm thận ngược dòng. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng ghi nhận rằng có thể tiểu ra một chất có màu đục như mủ  do lao thận nhưng loại có màu đục hòa lẫn trong nước tiểu là chất bã đậu của lao chứ không phải là mủ. Đối với một số người bệnh thận đa nang có thể đến một lúc nào đó các nang thận này bị nhiễm khuẩn và gây mủ, mủ theo nước tiểu đi ra ngoài gây hiện tượng tiểu ra mủ.

Triệu chứng của tiểu ra mủ

Tùy theo vị trí bị tổn thương, sinh mủ mà có các triệu chứng khác nhau. Thông thường do tổn thương niệu đạo thì có tiểu buốt tiểu rắt, tiểu khó, tiểu ra mủ đầu bãi vào lúc sáng sớm mới ngủ dậy, nhất là trong viêm niệu đạo cấp bởi vi khuẩn lậu, vi khuẩn Chalamydia hoặc vi khuẩn Mycoplasma.

Ngoài các triệu chứng lâm sàng thì người ta cần thiết phải xét nghiệm mủ nếu như là mủ niệu đạo để nhuộm soi kính hiển vi quang học bằng phương pháp nhuộm đơn, nhuộm gram nếu là viêm niệu đạo do vi khuẩn lậu kết quả nhuộm soi kính hiển vi sẽ cho thấy vi khuẩn có hình hạt cà phê, xếp song song, không bắt màu gram và có thể đứng trong hoặc ngoài tế bào bạch cầu; xét nghiệm kỹ thuật sinh học phân tử để xác định Chalamydia hoặc Mycoplasma; hoặc tiến hành soi cặn nước tiểu để xác định bạch cầu hồng cầu. Nếu điều kiện cho phép thì cần siêu âm về hệ thống tiết niệu để xác định sự viêm nhiễm, sỏi (sỏi thận sỏi niệu quản sỏi bàng quang), u (u tuyến tiền liệt).

 Tuy vậy các chuyên gia về niệu học khuyên khi thấy hiện tượng tiểu rắt, tiểu buốt, qua kinh nghiệm lâm sàng cho thấy hầu hết nguyên nhân bệnh xảy ra ở bàng quang hoặc ở niệu đạo, nếu là nam giới hoặc người cao tuổi là nam thì cũng nên nghĩ đến viêm hoặc u tuyến tiền liệt. Nếu gặp tiểu rắt, tiểu buốt ở nữ giới cần nghĩ đến viêm niệu đạo hoặc viêm bàng quang do vi sinh vật.

Tiểu ra mủ có thể nhầm với bệnh gì?

Tiểu ra mủ mà mắt thường nhìn thấy rất dễ nhầm lẫn với một số tiểu đục như tiểu ra dưỡng chấp, tiểu ra cặn oxalat hoặc photphat urat (trong sỏi đường tiết niệu). Người ta cũng có thể gặp có trường hợp tiểu ra tinh trùng nhưng thường thấy nước tiểu có màu đục ở cuối bãi...

 

Vì vậy người ta khuyên rằng khi thấy nước tiểu đục cần đi khám ngay để được xác định nguyên nhân. Ngày nay việc xác định nước tiểu đục có phải do mủ hay không hay do chất bã đậu hay do cặn của sỏi hay do dưỡng chấp không mấy khó khăn. Việc giải quyết nguyên nhân tiểu đục khi đã được xác định cũng có nhiều thuận lợi nhưng còn tùy theo điều kiện và trình độ chuyên môn ở từng cơ sở y tế. Tuy vậy khi nghi ngờ nước tiểu đục hoặc thấy nước tiểu đục thực sự thì cần đi khám bác sĩ ngay để xác định được bệnh và xử trí kịp thời, không nên để lâu sẽ khó khăn cho việc điều trị sau này.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật