Nắng nóng, tăng nguy cơ nấm da đầu bạn cần hết sức chú ý

Nấm da đầu là một dạng bệnh da liễu thường gặp ở cả nam và nữ. Bệnh không chỉ gây ra tình trạng ngứa, tróc vảy, rụng tóc ảnh hưởng nặng nề đến thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Điều đặc biệt, bệnh còn dễ nhầm lẫn do tổn thương trên da đầu có nhiều loại như chốc, vẩy nến, á sừng... và có rất nhiều loại nấm gây bệnh. Trên thực tế, nhiều trường hợp bị Nấm da đầu trong đó có cả trẻ em được cha mẹ điều trị theo dân gian nên da đầu bị viêm nặng rụng tócsẹo vĩnh viễn.

Bệnh lây lan thế nào?

Nấm da đầu là tình trạng nhiễm nấm của da đầu và thân sợi tóc Thường phát sinh do điều kiện vệ sinh cá nhân kém, không sạch sẽ, hoặc lười vệ sinh da đầu cũng tạo môi trường cho nấm phát triển, khi mồ hôi tiết ra kết hợp với tế bào da chết sẽ làm cho da đầu trở thành nơi tá túc thuận lợi cho nấm gây bệnh, vì vậy, cần hạn chế để đầu tóc quá bẩn hoặc do người bệnh có thói quen xấu để tóc ướt đi ngủ

Nguồn nước bẩn có chứa vi nấm gây bệnh nếu như gội đầu thường xuyên cũng sẽ gây nên bệnh. Mặt khác, nấm da đầu còn có thể lây nhiễm từ động vật (một số động vật nuôi như chó, mèo, gà, ngựa...) có thể mắc nhiễm vi nấm rồi lây nhiễm sang con người qua những đồ vật mà chúng từng tiếp xúc.

Điều đáng lưu ý, nhiễm nấm da đầu có thể lây từ người này sang người khác do chung đồ vật như: mũ, khăn, mặc chung quần áo, chung chăn màn...Nấm có thể tồn tại dai dẳng ở vật dụng bị nhiễm. Bệnh lây trực tiếp qua da, thường là lây gián tiếp qua việc dùng chung lược, mũ, gối... với người bị bệnh.

Dễ bị bỏ sót và nhầm lẫn

Các triệu chứng thường gặp là người mắc bệnh ngứa da đầu, có vảy và những mảng rụng tóc Nguyên nhân gây bệnh thường do các vi nấm sợi tơ như Microsporum canis và Trichophyton tonsurans gây ra.

Nhiều bệnh nhân ở giai đoạn đầu xuất hiện gàu nhiều nên nhiều người chủ quan. Đến khi xuất hiện triệu chứng ngứa, da đầu nổi mụn đỏ thậm chí rụng tóc mới đến cơ sở y tế để khám thì đã ở giai đoạn muộn. Rụng tóc là một dấu hiệu muộn của bệnh nấm da đầu, ban đầu tóc sẽ rụng ít nhưng thời gian kéo dài tóc sẽ rụng với một số lượng lớn.

Tóc thường rụng nhiều nhất khi gội đầu hoặc khi chải tóc vì vậy thời điểm này ngoài việc điều trị nấm đầu ra thì người bệnh cũng nên chú ý nhẹ nhàng để chăm sóc da đầu, hạn chế tóc gãy rụng. Trong một số trường hợp, bệnh nấm da đầu gây ra Kerion - một tình trạng viêm, gây đau đớn trầm trọng của da đầu. Kerion xuất hiện với biểu hiện: da đầu sưng phồng lên, mủ chảy màu vàng trên da đầu, làm cho tóc rơi ra hoặc có thể dễ dàng kéo ra.

Ở trẻ em từ 3-7 tuổi rất dễ lây lan, trẻ trai dễ mắc bệnh hơn trẻ gái. Trên lâm sàng, nhiều bệnh nhi đến khám trong tình trạng sốt, mệt mỏi; trên da đầu là những mảng da hình tròn, ngứa, có vảy màu trắng xám, tóc gãy, rụng tạo thành hình “chấm đen” trên da đầu. Các mảng da lớn dần tạo thành mảng rụng tóc lớn.

Nghiêm trọng hơn, nhiều trường hợp nặng còn bị đau; đầu có mùi hôi mụn mủ sẩn, đóng mày, viêm đỏ; thậm chí bị hạch cổ và có triệu chứng toàn thân đi kèm như sốt mệt mỏi

Không được chủ quan

Khi mới mắc bệnh nhiều người chủ quan nghĩ nhiều gàu hoặc điều trị bằng các loại lá thảo dược đắp lá nên nhập viện muộn khi tóc đã rụng. Do nhiễm nấm nên bệnh ở mức độ nhẹ có thể trị khỏi bằng thuốc kháng nấm tại chỗ và toàn thân. Bệnh nặng sẽ bị sẹo và mất tóc vĩnh viễn.

Cần phân biệt bệnh nấm da đầu với các bệnh khác

Bệnh viêm da tiết bã ở da đầu: Bệnh viêm da tiết bã chỉ có gàu, ngứa và đôi khi kèm rụng tóc lan tỏa, nhưng không để lại sẹo và mất tóc vĩnh viễn.

Vảy nến da đầu: Triệu chứng là vảy tạo thành phiến màu trắng mica, dễ tróc, trên nền da đầu đỏ và thường tập trung ở vùng rìa chân tóc, ngoài ra còn có thể kèm các sang thương da ở các vị trí tì đè khác.

Điều trị nấm da đầu có khó?

Để điều trị hiệu quả cần nhận diện đúng bệnh nấm da đầu, không nên tự điều trị. Đặc biệt, nếu dùng dầu gội có thuốc tẩy nhiều, người bệnh sẽ rụng tóc.

Dùng thuốc bôi chỉ là hỗ trợ trong điều trị bệnh chứ không thể giết được nấm nằm sâu trong nang lông. Nhiều trường hợp điều trị không đúng, nấm càng lan ra nhiều hơn, gây hoại tử nang lông, tóc không mọc được.

Lời khuyên thầy thuốc

Để hạn chế tình trạng lây lan của bệnh, nhất là thời tiết nắng nóng cần giữ vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt những nơi như nhà trẻ, trường học, ký túc xá... Dùng dầu gội đầu sạch hằng ngày, không cào gãi mạnh làm xây xước da đầu, phải xả nước sạch nhiều lần khi gội đầu và luôn giữ cho tóc khô ráo, sạch sẽ.

Đồng thời làm cho tóc khô ngay sau khi gội đầu và lúc đi ngoài mưa về. Một điều cần chú ý là không nên đội các loại mũ quá chật, đội mũ với thời gian quá lâu làm cho tóc bị ẩm, dễ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển gây bệnh.

Tránh tiếp xúc với những vật nuôi bị nhiễm bệnh có thể đưa các vật nuôi đi bác sĩ thú y khám định kỳ và kiểm tra xem có nấm không. Tránh dùng chung đồ với người khác để phòng tránh nguy cơ lây bệnh từ những người xung quanh.

Không nên dùng chung khăn lau, lược chải tóc, mũ đội đầu của người khác, đặc biệt là người tóc có nhiều gàu hoặc các biểu hiện của bệnh nấm da đầu.

Nấm đầu dễ lây lan, vì vậy ngay khi cảm thấy có dấu hiệu của bệnh, cần nhanh chóng đi khám và điều trị kịp thời. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, đúng phương pháp, có chế độ gội đầu hợp lý, bệnh nấm da đầu có thể chữa khỏi.

Nếu trên đầu có quá nhiều gàu kèm theo các dấu hiệu như ngứa, tóc bết và có mùi, xuất hiện mụn đỏ... nên đi khám da liễu ngay để giúp tìm ra nguyên nhân và cách điều trị phù hợp.

Tuyệt đối không được cào và gãi mạnh da đầu để tránh gây tổn thương và khiến gàu nấm lan rộng hơn. Không tự ý mua thuốc để uống và bôi khi chưa có chỉ định hay tư vấn của bác sĩ. Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và luôn nâng cao sức đề kháng cho cơ thể cũng là một trong những cách phòng bệnh.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật