Ngày Loãng xương Thế giới (20/10): Nguy cơ gãy cổ xương đùi cao hơn nguy cơ ung thư vú

Ít ai biết rằng nguy cơ gãy cổ xương đùi cao hơn nguy cơ ung thư vú. Ở nữ giới, nguy cơ [trọn đời] gãy cổ xương đùi là khoảng 12-15%, còn nguy cơ mắc bệnh ung thư vú là khoảng 10%.

Ngày 20/10 hàng năm được xem là Ngày Loãng xương Thế giới (World Osteoporosis Day, WOD). Quỹ loãng xương Quốc tế phát động WOD như là một dịp để nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh loãng xương và những hệ quả nghiêm trọng của bệnh.

Trong bài này tôi muốn giải toả một số ngộ nhận và chỉ ra rằng tầm quan trọng của loãng xương Ít ai biết rằng nguy cơ bị gãy cổ xương đùi cao hơn nguy cơ ung thư vú Ngoài ra, ở Việt Nam, nhiều người được chẩn đoán là loãng xương nhưng trong thực tế có thể không phải loãng xương. Một vấn nạn khác là đa số các bệnh nhân gãy xương không được điều trị.

Căn bệnh cổ xưa và âm thầm

Hiểu biết về bệnh lí loãng xương là một quá trình "tiến hoá". Nghiên cứu mới cho ra kết quả mới, và giúp giới y khoa hiểu hơn về bệnh lí kinh điển này. Theo cách hiểu hiện hành, loãng xương được định nghĩa là một bệnh lí mà sức chịu đựng của xương bị suy giảm dẫn đến gia tăng nguy cơ gãy xương. Sức chịu đựng của xương phụ thuộc vào khối lượng và cấu trúc xương. Do đó, khi khối lượng xương bị suy giảm và cấu trúc xương bị suy thoái là nguyên nhân chính dẫn đến loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương.

Khối lượng xương của chúng ta biến chuyển theo độ tuổi. Ở tuổi thiếu niên mật độ xương tăng nhanh, và đạt mức độ đỉnh ở tuổi 20-30. Đến độ tuổi 40-45, mật độ xương bắt đầu suy giảm nhẹ. Đến thời kì sau mãn kinh, mật độ xương suy giảm nhanh, và đây là thời gian nguy hiểm vì làm xương bị loãng và dễ bị gãy khi va chạm với một vật thể khác. Do đó, chẩn đoán loãng xương phải dựa vào so sánh mật độ xương sau thời kì mãn kinh với mật độ xương lúc tuổi 20-30.

Quá trình suy giảm xương diễn ra một cách âm thầm, hoàn toàn không có triệu chứng. Chỉ đến khi xương bị gãy, và nhiều trường hợp bệnh nhân bị gãy xương không có triệu chứng hiển nhiên, thì lúc đó mới biết loãng xương. Chính vì đặc tính này mà bệnh loãng xương được ví von là "căn bệnh âm thầm" (silent disease).

Loãng xương không phải là một bệnh lí mới. Các nhà khoa học Ai Cập đã phân tích 74  bộ xương khai quật từ các mummies (thi thể được ướp) ở Ai Cập, và phát hiện hơn 10% có dấu hiệu loãng xương Ngoài ra, các nhà khoa học còn tìm thấy sự khác biệt về loãng xương giữa nam và nữ và giai cấp xã hội. Ở nam giới, những quan chức có nguy cơ loãng xương thấp hơn thường dân, nhưng ở nữ giới thì quan chức cao cấp có tỉ lệ loãng xương cao gấp hai lần thường dân. Do đó, những ý kiến cho rằng loãng xương là bệnh thời đại e rằng không đúng.

Ở Việt Nam, nhiều người bị loãng xương

Loãng xương là một bệnh có qui mô rất lớn. Hiện nay, có khoảng 200 triệu người trên thế giới bị loãng xương. Mỗi năm, có khoảng 8.9 triệu người bị gãy xương do loãng xương. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy ở nữ giới, cứ 1 trong 3 người sau 50 tuổi sẽ bị gãy xương nếu họ sống đến độ tuổi 85. Ở nam giới, nguy cơ gãy xương trọng đời là khoảng 20%. Chi phí chăm sóc và điều trị loãng xương chỉ tính riêng ở Mĩ, là 12-18 tỉ SD.

Cứ 1 trong 3 người sau 50 tuổi sẽ bị gãy xương nếu họ sống đến độ tuổi 85. Ảnh minh họa

Cứ 1 trong 3 người sau 50 tuổi sẽ bị gãy xương nếu họ sống đến độ tuổi 85. Ảnh minh họa

Ở Việt Nam, nghiên cứu của BS Hồ Phạm Thục Lan cho thấy ở nữ trên 60 tuổi, có khoảng 25-30% người bị loãng xương. Ở nam giới trên 50 tuổi, tỉ lệ loãng xương là khoảng 10%. Vì chưa có nghiên cứu theo thời gian, nên chúng ta chưa có những dữ liệu về gãy xương trong cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn theo BS Thục Lan, khi phân tích các phim X quang của hơn 200 người trong cộng đồng, có khoảng 25% phụ nữ bị gãy xương cột sốt thắt lưng. Đa số những người bị gãy xương không biết, vì không có triệu chứng.

Ở Việt Nam, chúng tôi cũng đã có những nghiên cứu về chi phí điều trị gãy cổ xương đùi. Chẳng hạn như nghiên cứu của DS Phạm Nữ Hạnh Vân (ĐH Dược Hà Nội) lần đầu tiên cho thấy một ca gãy cổ xương đùi tốn bệnh nhân khoảng 17-20 triệu đồng, nhưng nếu thay khớp háng thì chi phí lên đến 80 triệu đồng. Nếu mỗi năm có khoảng 10 ngàn ca gãy cổ xương đùi thì chi phí có thể lên đến 40 triệu USD, và đó là chưa tính các dạng gãy xương khác và chi phí chăm sóc sau khi phẫu thuật.

Những dữ liệu thật này cho thấy loãng xương và gãy xương ở Việt Nam thật sự là một gánh nặng xã hội và nền y tế. Hiện nay, khoảng 7% dân số trên 65 tuổi, nhưng tỉ lệ này sẽ tăng lên 23% vào năm 2050. Do đó, gánh nặng loãng xương sẽ gia tăng nhanh trong tương lai vì dân số Việt Nam đang lão hoá nhanh.

Gãy xương đùi và ung thư vú

Hệ quả của loãng xương là gãy xương. Hầu hết xương trong cơ thể đều có thể bị gãy do loãng xương, nhưng những xương thường bị gãy bao gồm xương đùi (và cổ xương đùi), xương cột sống xương tay xương chậu xương sườn. Bệnh nhân bị gãy xương lần đầu có nguy cơ rất cao bị gãy xương lần thứ hai, thứ ba, và tử vong Có thể nói rằng biến cố gãy xương là một "tín hiệu" báo cho chúng ta biết rằng sức khoẻ xương đang trên đà suy giảm đáng ngại.

Gãy xương đùi là một hệ quả nghiêm trọng nhất của loãng xương, vì bệnh nhân có thể tử vong sớm. Tuy gãy cổ xương đùi thường hay thấy ở phụ nữ sau mãn kinh, nhưng khoảng 1/3 trường hợp gãy cổ xương đùi xảy ra ở nam giới.

Ít ai biết rằng nguy cơ gãy cổ xương đùi cao hơn nguy cơ ung thư vú. Ở nữ giới, nguy cơ [trọn đời] gãy cổ xương đùi là khoảng 12-15%, còn nguy cơ mắc bệnh ung thư vú là khoảng 10%. Nhưng quan trọng hơn là nguy cơ tử vong sau khi gãy cổ xương đùi tương đương với nguy cơ tử vong sau khi mắc ung thư vú. Khoảng 15-20% bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi tử vong sau gãy xương trong vòng 12 tháng.

Loãng xương được coi là

Loãng xương được coi là "căn bệnh âm thầm". Ảnh minh họa.

Tiêu biểu về hệ quả của gãy cổ xương đùi và tử vong là những người nổi tiếng như Đức Giáo Hoàng John Paul Đệ Nhị, thân mẫu Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị, Tổng thống Reagan, bà Greta Friedman, người phụ nữ nổi tiếng trong bức ảnh "Nụ Hôn", v.v. đều bị gãy cổ xương đùi và tử vong không lâu sau đó.

Gãy xương làm giảm tuổi thọ

Gãy xương cột sống thắt lưng có lẽ là một trong những dạng gãy xương phổ biến nhất. Có ba dạng gãy xương cột sống: gãy đĩa đốt sống, gãy bờ đốt sống, và gãy nén đốt sống. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân bị gãy xương đốt sống nhưng không hề hay biết, vì không có triệu chứng cụ thể. Gần 2/3 trường hợp gãy xương đốt sống là do phát hiện tình cờ qua X quang.

Khoảng phân nửa các phụ nữ bị gãy xương bị chết trong 7 năm, và con số này trong nam giới là 5 năm.  Nói cách khác, một khi nam giới bị gãy xương họ có nguy cơ chết sớm hơn nữ giới đến 2 năm.  Đối với những bệnh nhân may mắn sống sót sau gãy xương, họ cũng bị mắc nhiều biến chứng và chất lượng cuộc sống bị giảm đáng kể.

GS. Nguyễn Văn Tuấn là giáo sư y khoa của Đại học New South Wales, và chuyên gia cấp cao (fellow) của Viện nghiên cứu y khoa Garvan. Nhiều năm nay, ông đã có những cống hiến quan trọng cho ngành xương trên bình diện quốc tế, với nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị. Ông được biết đến là “Người khắc tên Việt Nam trong thế giới loãng xương."

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật