Những cách hiểu sai về loãng xương nhiều người đang mắc phải

Vừa qua, có một bài viết được lưu truyền trên mạng, rằng bác sĩ Harvard nào đó khuyên hãy ngừng ngay việc uống sữa nếu không muốn bị loãng xương.

Thông tin này làm nhiều bệnh nhân rất hoang mang, vì nó ngược lại với những gì truyền thông nói đến. Có một thực tế là ở nước ta, người đi tiên phong trong việc tuyên truyền về bệnh lí loãng xương lại là các hãng sữa. Rất nhiều bệnh nhân kể lại, rằng họ được đo loãng xương tại siêu thị và được xác định bị loãng xương.

Sau khi mua sữa về uống 2 tuần, ra siêu thị đo lại thì đã hết loãng xương Rất nhiều người dân hiểu rằng, để điều trị loãng xương chỉ cần uống sữa là đủ. Và cũng chẳng cần điều trị lâu, sau một đợt uống sữa vài tuần là xong.

Tại sao người ta phải sợ loãng xương đến như vậy? Bản thân loãng xương ít khi gây đau không di căn, cũng không trực tiếp gây chết người gãy xương do loãng xương mới chính là điều người ta sợ. Năm 2001, nước Mỹ bỏ ra 18 tỉ USD để chữa loãng xương.

Trung bình, trong năm đó, mỗi người gãy xương tiêu tốn hết 193 triệu đồng, mỗi người gãy cổ xương đùi tiêu hơn 807 triệu đồng. Kết quả là sau 1 năm, 25% số người bị gãy cổ xương đùi tử vong Số còn lại thì hơn một nửa là tàn phế vĩnh viễn. Theo một báo cáo năm 2015, tại Cộng hòa Séc, kết quả điều trị gãy cổ xương đùi như sau: Sau 1 năm, 38% số bệnh nhân tử vong, sau 2 năm, số này là 45%, và sau 3 năm, chỉ còn 31% sống sót. Sống như thế nào, tàn phế hay không chưa nói đến. Đó là những con số kinh hoàng. Gãy xương do loãng xương thực sự là một thảm họa kinh hoàng.

Việc chẩn đoán và điều trị loãng xương là việc làm giúp chúng ta tránh được thảm họa nói trên. Nhưng nó không đơn giản như các hãng sữa nói. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra nhiều tiêu chuẩn để chẩn đoán và nhiều phác đồ điều trị loãng xương. Phương pháp chẩn đoán dựa trên mật độ xương được đo bởi máy DXA được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán loãng xương. Việc quyết định điều trị phải dựa trên kết quả đo bằng những máy như vậy. Đó là những máy lớn, nặng hàng tấn, phải đặt ở vị trí an toàn phóng xạ, chứ không phải những cái máy đặt ở siêu thị.

Quá trình điều trị loãng xương kéo dài từ 3 đến 5 năm, không thể chỉ sau mấy tuần mà đã có thể nói hết loãng xương. Điều quan trọng mà chúng ta cần biết, sữa, hay nói đúng hơn là canxi chỉ là một phần nhỏ trong điều trị loãng xương mà thôi. Có 2 quá trình song song, sinh xương và hủy xương, diễn ra liên tục trong cơ thể chúng ta. Loãng xương có 3 loại: Loại nguyên phát do giảm sinh xương; Loại thứ phát do có bệnh hoặc nguyên nhân gì đó làm cho thiếu canxi hoặc làm ức chế sinh xương, hoặc tăng hủy xương; Và loại sau mãn kinh, do tăng hủy xương.

Tùy theo loại loãng xương mà người ta phải kích thích tăng sinh xương, hoặc hạn chế hủy xương, hoặc điều trị bệnh gốc cùng với bổ sung các yếu tố phục hồi bộ xương. Đó là điều trị chính yếu.

Ngoài ra, cần bổ sung canxi và Vitamin D3 đầy đủ để tái tạo xương. Canxi giống như xi măng để xây xương còn Vitamin D3 giống như xe chở xi măng đến công trường. Mặc dù được điều trị loãng xương một cách bài bản, tùy theo phương pháp, loại thuốc sử dụng, khả năng theo dõi, khả năng tuân thủ điều trị, tỉ lệ điều trị loãng xương thành công cũng chỉ dao động từ 70% đến 90% mà thôi, chứ không phải sau vài tuần uống sữa là chắc chắn hết loãng xương.

Sữa và các chế phẩm từ sữa được coi là một loại thực phẩm giàu canxi Nếu sữa được làm giàu canxi thì hàm lượng canxi cao hơn sữa thường, nhưng nó cũng chỉ là thực phẩm bổ sung, không phải thần dược. Ngoài sữa, còn nhiều đồ ăn khác có nồng độ canxi rất cao. Ví dụ như cá bống trứng hoặc các loại cá mà chúng ta ăn cả xương của chúng, nồng độ canxi rất cao. Nói uống sữa làm cho loãng xương là không đúng. Tuy nhiên, nếu uống nhiều sữa tách béo thì có khi người ta bị béo phì trước khi đủ canxi.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật