Tiêm vắc-xin để phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản
Bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB )cho tới nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Tiêm vắc-xin VNNB là biện pháp dự phòng chủ động hiệu quả và khả thi nhất.
Ngoài ra phối hợp các biện pháp phòng chống khác như: kiểm soát muỗi Culex truyền bệnh; kiểm soát động vật mang vi-rút gây bệnh; thực hiện vệ sinh môi trường thường xuyên, quy hoạch và cải tạo khu vực dân cư, khu chuồng trại chăn nuôi để giảm tác hại của véc-tơ và vật chủ truyền bệnh.
Tại sao tiêm vắc-xin VNNB lại là biện pháp có hiệu quả nhất?
Tiêm vắc-xin là biện pháp gây miễn dịch đặc hiệu và lâu bền cho mọi người.
Các chế phẩm vắc-xin VNNB hiện nay có hiệu quả bảo vệ trên 90% số người được tiêm ngừa. Việt Nam đã sản xuất được vắc-xin VNNB bất hoạt từ não chuột kể từ năm 1993, có hiệu lực bảo vệ rất cao (cho 98% số trẻ được tiêm đủ 3 mũi vắc-xin), tính an toàn cao và giá thành hạ. vắc-xin VNNB được đưa vào chương
trình TCMR nước ta từ năm 1997, hiện đã tiêm ngừa cho khoảng 65% số trẻ dưới 5 tuổi trên cả nước.
Vắc-xin VNNB nên được tiêm phòng vào thời gian nào?
Đối với trẻ em dưới 5 tuổi: nên tiêm cho trẻ khi được 12-15 tháng tuổi, theo lịch tiêm đủ 3 mũi của chương trình TCMR. Có thể tiêm nhắc sau 5 năm kể từ mũi tiêm thứ 3.
Đối với trẻ trên 5 tuổi nếu chưa từng được tiêm vắc-xin VNNB thì tiêm ngay càng sớm càng tốt, theo lịch tiêm đủ 3 mũi cơ bản. Mũi tiêm nhắc sau 5 năm.
Đối với người lớn : nếu chưa từng tiêm vắc-xin VNNB nên tiêm ngay, theo lịch tiêm 3 mũi cơ bản. Nếu đã từng tiêm liều cơ bản thì chỉ cần tiêm nhắc 1 mũi.
Nên tổ chức tiêm trước mùa bệnh khoảng 1 tháng vì kháng thể bảo vệ bước đầu chỉ được tạo thành khoảng 3 tuần sau khi tiêm vắc-xin VNNB liều 2, và kháng thể bảo vệ cơ bản chỉ có sớm nhất 1 tuần sau vắc-xin mũi thứ 3.
Vắc-xin VNNB nên dùng cho những đối tượng nào?
Vắc-xin VNNB được khuyến khích dùng cho những người sống trong vùng có lưu hành bệnh VNNB, nhất là với trẻ em từ 1 đến 15 tuổi. Trẻ em từ 1 đến 5 tuổi được tiêm theo chương trình TCMR.
Khách du lịch/người đi lao động, công tác/ người nhập cư đến từ vùng không có miễn dịch, có thời gian lưu trú hơn 1 tháng ở vùng nông thôn và hơn 12 tháng ở thành phố nơi có bệnh VNNB lưu hành.
Những trường hợp nào không được tiêm hoặc hoãn tiêm vắc-xin VNNB?
Những người có cơ địa quá mẫn với thiomersal hoặc với các chế phẩm của não chuột, có dị ứng với vắc-xin VNNB lần tiêm trước.
Những người đang sốt cao hoặc mắc bệnh nhiễm khuẩn đang tiến triển.
Những người đang mắc bệnh tim gan thận đái tháo đưòng giai đoạn nặng, bệnh ung thư máu và các bệnh ác tính.
Không sử dụng cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi và phụ nữ có thai.
Người nhiễm HIV đã chuyển thành AIDS.
Lịch tiêm chủng vắc-xin VNNB như thế nào?
- Liều gây miễn dịch cơ bản: Tiêm đủ 3 mũi:
- Mũi tiêm thứ 1: ngày 0
- Mũi tiêm thứ 2: ngày thứ 7 đến 14
- Mũi thứ 3 cách mũi thứ 2 là 12 tháng.
- Liều lượng : với trẻ từ 12 đến 36 tháng tuổi tiêm 0,5 ml/mũi; với trẻ từ 3 tuổi trở lên tiêm liều 1 ml/mũi.
- Đường tiêm : dưới da, mặt ngoài trên cánh tay.
- Liều tiêm nhắc lại : Nên nhắc lại bằng 1 mũi vắc-xin VNNB (liều 1 ml, dưới da) khoảng 5 năm sau liều gây miễn dịch cơ bản.
Tiêm vắc-xin VNNB có thể gặp những tác dụng phụ nào?
Một tỷ lệ nhất định người tiêm vắc-xin VNNB có thể bị tác dụng phụ, cụ thể:
- Tại chỗ tiêm: có thể bị đau xưng, đỏ. Thường gặp ở 5-10% người được tiêm.
- Một số rất ít có thể có phản ứng toàn thân như sốt nhẹ đau đầu mệt mỏi Các phản ứng phụ nêu trên xuất hiện khoảng vài giờ sau khi tiêm và thường tự hết sau 1-2 ngày. Phản ứng phụ thường gặp ở mũi tiêm thứ 2 hoặc thứ 3 hơn là ở mũi tiêm thứ 1.
- Một tỷ lệ cực nhỏ (1 trường hợp trên 1 triệu mũi tiêm) có thể gặp choáng (sốc) sau khi tiêm trong vòng vài giờ, cần được đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để xử trí cấp cứu.
- Phản ứng phụ có thể được hạn chế nếu thực hiện các mũi tiêm đúng thời gian, liều lượng, đường tiêm và việc khám, hỏi kỹ tình trạng của trẻ trước khi tiêm cũng như theo dõi tiếp, cho trẻ nghỉ ngơi sau khi tiêm trong vòng 30 phút.
Trước khi tiêm vắc-xin VNNB cần thực hiện các quy định gì?
Thông báo cho gia đình hoặc người được tiêm về các lợi ích khi sử dụng và nguy cơ khi không sử dụng vắc-xin VNNB.
Kiểm tra việc chuẩn bị để đối phó với những phản ứng phụ nặng tức thời xảy ra.
Đọc kỹ các thông tin về chế phẩm vắc-xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Kiểm tra lại hạn sử dụng, kiên quyết loại bỏ những lọ vắc-xin hết hạn.
Kiểm tra và đảm bảo vắc-xin không từng bị đông băng hoặc ở nhiệt độ cao.
Kiểm tra họ tên người được sử dụng vắc-xin, đối chiếu với phiếu tiêm chủng
Kiểm tra và hỏi về tình trạng sức khoẻ của đối tượng để phát hiện các chống chỉ định hoặc hoãn tiêm.
Phải làm gì sau khi tiêm vắc-xin cho trẻ?
Nói với đối tượng về những phản ứng thông thường và những phản ứng nặng cần được theo dõi, phát hiện sau khi tiêm.
Nói với bà mẹ theo dõi tiếp trẻ trong vòng 30 phút để phát hiện kịp thời những phản ứng phụ có thể gặp.
Ghi phiếu tiêm chủng Hẹn thời gian tiêm lần sau.
Giám sát véc tơ là gì, bao gồm những nội dung gì?
Giám sát véc tơ là giám sát loài muỗi Culex tritaeniorhynchus, bao gồm cả muỗi trưởng thành và ấu trùng muỗi. Giám sát muỗi trưởng thành:
- Bắt muỗi tại nhà ở và chuồng gia súc, vào thời điểm buổi tối.
- Định loại muỗi: xác định loài muỗi Culex tritaeniorhynchus.
- Xác định những chỉ số giám sát chính : Chỉ số nhà có muỗi (%); Chỉ số chuồng gia súc có muỗi (%); Chỉ số mật độ muỗi theo nhà (con/nhà); Chỉ số mật độ muỗi theo chuồng gia súc (con/chuồng).
Giám sát ấu trùng muỗi (bọ gậy/loăng quăng):
- Bắt bọ gậy tại ruộng lúa, ao hồ, mương rãnh quanh khu dân cư.
- Định loài bọ gậy Culex tritaeniorhynchus, hoặc tiếp tục nuôi cho nở thành muỗi trưởng thành để định loại.
- Xác định những chỉ số giám sát chính: Chỉ số thuỷ vực có bọ gậy (%); Chỉ số mật độ bọ gậy (con/lít nước; con/ m2 bề mặt nước; con/vợt)
- Giám sát mức độ nhạy cảm của muỗi Culex tritaeniorhynchus đối với hoá chất diệt muỗi thường dùng: định kỳ (ít nhất 1 lần/năm) thử nghiệm độ nhạy với hoá chất của loài muỗi Culex tritaeniorhynchus bắt được tại địa phương, theo thường quy của TCYTTG.
Nội dung của giám sát vật chủ/ ổ chứa vi-rút VNNB?
Đối tượng giám sát: loài lợn nhà có tại địa phương giám sát; có thể mở rộng giám sát loài chim ăn quả thường xuất hiện theo mùa ở địa phương.
Thời gian giám sát: thường tiến hành trước mùa dịch bệnh VNNB.
Giám sát theo các chỉ số chính: Số lượng con lợn/xã, huyện; Chỉ số hộ gia đình có nuôi lợn/tổng hộ gia đình (%); chỉ số mật độ (con lợn/hộ gia đình); Chỉ số huyết thanh lợn (tỷ lệ % con lợn có kháng thể VNNB/tổng số con lợn điều tra); Chỉ số huyết thanh loài chim (tỷ lệ % con chim có kháng thể/tổng số con chim bắt được).
Những nội dung chính phòng chống vectơ truyền bệnh VNNB là gì?
Có 3 nhóm biện pháp chính:
- Biện pháp chống muỗi đốt cho người và gia súc
- Biện pháp diệt muỗi trưởng thành và ấu trùng muỗi: bằng các tác nhân sinh học, hoá chất, cơ học.
- Biện pháp hạn chế sự pháp triển của quần thể muỗi và tác hại của muỗi và của vật chủ, ổ chứa vi-rút: cải tạo môi trường khu dân cư, vệ sinh môi trường, nguồn nước, di rời khu chăn nuôi xa nhà ở...
Có thể chống muỗi đốt bằng những biện pháp nào?
- Nằm màn thường xuyên, có thể sử dụng màn tẩm hoá chất permethrin có hiệu lực xua diệt muỗi trong vòng 3 tháng.
- Sử dụng tấm rèm che chống muỗi ở cửa ra vào, cửa sổ nhà ở và chuồng gia súc. Có thể tẩm rèm, mành che bằng permethrin, có tác dụng bảo vệ trong vòng vòng 3 tháng.
- Sử dụng bình xịt hoá chất cá nhân, hương muỗi cho các không gian khép kín nhằm diệt muỗi trưởng thành. Dùng hương muỗi hoặc xông khói cho chuồng gia súc.
- Duy trì mặc quần áo dài ống, đi tất cho trẻ em nhằm hạn chế muỗi đốt, nhất là vào giờ cao điểm (6-10 giờ đêm). Sử dụng các biện pháp xua đập muỗi cơ học vào lúc chập tối và sáng sớm cho nhà ở và chuồng gia súc.
- Sử dụng kem xua ngoài da hoặc các biện pháp chống muỗi đốt khác cho trẻ em và người chăm sóc, thu hoạch vải, nhãn khi làm việc tại khu vườn cây ăn quả, nhất là vào mùa bệnh VNNB.
Những tác nhân sinh học nào có thể diệt bọ gậy/loăng quăng muỗi Culex?
- Những loài cá có vẩy ăn nổi, có năng xuất cao được nuôi tại ao, hồ, các thủy vực lớn.
- Những loài cá nhỏ, có sức chống chịu hạn cao được nuôi thả, duy trì tại các ruộng lúa nước hoặc thuỷ vực nhỏ quanh khu dân cư, khu chuồng trại gia súc.
- Những loài cá hiện đang được khuyến khích nuôi thả để diệt bọ gậy muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết cũng có thể diệt ấu trùng muỗi Culex, tuy với hiệu quả thấp hơn.
Có nên sử dụng hoá chất diệt muỗi trưởng thành?
Có thể sử dụng hoá chất diệt côn trùng để phòng bệnh VNNB; tuy nhiên đây không phải là biện pháp được khuyến khích và phải có chỉ định chặt chẽ của Trung tâm YTDP tuyến tỉnh hoặc Viện VSDT/Pasteur khu vực.
Có thể sử dụng những kỹ thuật sau để diệt muỗi trưởng thành:
- Phun tồn lưu hoá chất tại khu chuồng trại gia súc có mái che, tiến hành 1 đợt vào trước mùa dịch bệnh VNNB (tháng 3-4), áp dụng cho vùng có lưu hành bệnh VNNB mức độ nặng. Thường sử dụng hoá chất nhóm pirethroid hoặc lân hữu cơ.
- Phun không gian (phun ULV) hoá chất tại khu dân cư, tiến hành khi có dịch hoặc đe doạ có dịch bệnh VNNB, cùng với mật độ muỗi culex tăng rất cao. Thường sử dụng hoá chất Deltamethrin (K-othrin) có tác dụng diệt muỗi nhanh, rất ít độc.
- Không có chỉ định phun hoá chất ở khu ruộng lúa hay vườn cây ăn quả để diệt muỗi, trừ các hoá chất dùng với mục đích trừ sâu hại nông nghiệp.
- Có thể sử dụng hoá chất permethrin tẩm màn, mành che cửa nhằm diệt và xua muỗi trưởng thành cho người và gia súc.
- Sử dụng bình xịt gia đình, hương tẩm hoá chất để xua diệt muỗi vào thời gian mật độ muỗi cao hoặc có bệnh nhân VNNB.
Tại sao cần di rời chuồng gia súc ra xa nhà ở và mức độ di rời?
Loài muỗi Culex rất ưa đốt hút máu gia súc nhất là lợn, ngoài ra có thể đốt hút máu trâu, bò, ngựa, dê, chó, mèo, thỏ... Muỗi thường trú đậu ở đồng lúa, nhưng cũng có thể trú đậu ở bờ bụi quanh chuồng gia súc, hoặc ở ngay trong khu chuồng gia súc nếu chúng ta không chú ý vệ sinh chuồng trại và thường xuyên xua diệt muỗi cho gia súc.
Trong quá trình di chuyển từ cánh đồng hoặc bờ bụi quanh nhà vào chuồng gia súc nếu gặp người muỗi có thể đốt và truyền bệnh VNNB cho con người.
Khi quy hoạch khu gia đình nên duy trì khoảng cách giữa chuồng gia súc với nhà ở càng xa càng tốt, tối thiểu đạt được khoảng cách 50 mét. Chuồng gia súc phải được xây kín đáo song thông thoáng, có mái che và nên có mành rèm che cửa ra vào để chống muỗi; được làm vệ sinh thường xuyên.
Cải tạo khu dân cư theo hướng nào để có thể hạn chế tác hại của muỗi và vật chủ truyền bệnh VNNB?
Nhà ở làm thông thoáng song kín đáo để có thể treo lưới, rèm, mành kiểm soát và hạn chế sự ra vào của muỗi trưởng thành.
Xây dựng chuồng gia súc xa khu nhà ở, khu làm việc, khu nhà trẻ, trường học.
Xây dựng khu vườn cây ăn quả, nhất là vườn nhãn, vải hấp dẫn chim tu hú, liếu điếu xa nhà ở và khu làm việc, nhà trẻ, trường học phổ thông; kết hợp sử dụng hoá chất nông nghiệp để hạn chế sự phát triển của muỗi.
Xây dựng công trình cấp thoát nước quanh khu gia đình để làm sao có thể kiểm soát, hạn chế muỗi sinh sản.
Hạn chế tối đa các bờ bụi cây hoang dại quanh khu nhà ở có thể làm nơi trú đậu của muỗi.
Còn đối với các nguồn nước là nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh VNNB?
- Đối với các thủy vực lớn (ao, hồ, đầm, khúc sông...): nên thường xuyên làm sạch rong rêu (vật thể bám và trú ẩn của ấu trùng muỗi), nuôi thả các loại cá ăn nổi , duy trì có mật độ cao đặc biệt vào mùa xuân – Hè và mùa Hè.
- Đối với các nguồn nước nhỏ hơn: như vũng nước, rãnh thoát nước, bể nước lớn hoặc bể cảnh lớn trong nhà... nếu không lấp bỏ được thì cần làm cạn, làm vệ sinh khơi thông dòng chảy thường xuyên hoặc thả cá có thể ăn bọ gậy các loài muỗi.
- Những vật chứa nước phế thải nhỏ quanh khu dân cư cũng có thể là nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh VNNB, vì vậy cũng cần được thu gom, lật úp, tiêu huỷ hàng ngày hoặc bằng các chiến dịch vệ sinh môi trường.
- Đối với khu ruộng lúa nước, nhất là các chân ruộng lúa nước sát khu dân cư nên chú ý khâu điều tiết tưới tiêu, kết hợp nuôi thả cá có khả năng chống chịu hạn cao để ăn bọ gậy.
Có thể phòng chống nhiễm vi-rút VNNB cho gia súc được không? Bằng cách nào?
Về lý thuyết có thể phòng chống nhiễm vi-rút VNNB cho gia súc bằng cách tiêm vắc-xin gây miễn dịch với VNNB cho đàn lợn.
Tuy nhiên trên thực tế việc gây miễn dịch cho đàn lợn bằng vắc-xin là không khả thi vì sẽ rất tốn kém, ít hiệu quả do lợn bị luân chuyển thay đàn thường xuyên, hiệu lực vắc-xin kém đối với lợn con dưới 6 tháng tuổi.
Chỉ có thể phòng chủ động cho đàn gia súc bằng các biện pháp khống chế véc tơ, chống muỗi đốt cho lợn và các loài gia súc khác, bảo đảm vệ sinh chuồng trại và phun tồn lưu hoá chất diệt muỗi khu chuồng trại vào đầu mùa dịch bệnh VNNB.
- Cảnh báo: Sức khỏe nguy hại vì dị vật "ở lại" trong... (Chủ nhật, 15:00:00 02/08/2020)
- Cảnh báo: Hãy bảo vệ thận của bạn khi còn có thể! (Thứ bảy, 17:00:09 01/08/2020)
- Hết đau lưng trong 7 phút với 8 bài tập yoga đơn giản (Thứ năm, 16:16:09 09/07/2020)
- Người bị bệnh bạch hầu nên ăn và cần kiêng kỵ những món... (Thứ Ba, 00:17:07 07/07/2020)
- BS Đặng Phương Liên: Xử lý tình trạng bong da (Thứ tư, 14:10:01 27/02/2019)
- Phẫu thuật cắt bỏ phổi và những điều bạn nhất định... (Thứ tư, 14:05:06 27/02/2019)
- Rắn lục đuôi đỏ và cách phòng tránh hiệu quả nhất (Thứ tư, 08:55:00 27/02/2019)
- Tổng quan về sốc phản vệ mà không phải ai cũng biết (Thứ Ba, 16:15:08 26/02/2019)
- Cách xử lý vết thương do bị vật nhọn đâm hiệu quả nhất (Thứ Ba, 16:05:03 26/02/2019)
- Tụ cầu khuẩn: Hiểm họa trong mùa nóng nên đề phòng (Thứ Ba, 15:50:04 26/02/2019)
-
Đồ Chơi Pop it bóp bóp Bấm Nút Bóp Bóng - Pop It
Thứ tư, 20:15:01 15/02/2023
-
Đồ chơi bộ hộp sét 6 món ô tô máy bay chạy cót xịn xò
Thứ Hai, 18:18:04 13/02/2023
-
Máy gắp thú bông cho bé cỡ lớn BBT GLOBAL
Chủ nhật, 15:54:09 12/02/2023