4 phân độ trên lâm sàng của bệnh TCM mà bạn chưa biết

Loét miệng và (hoặc) tổn thương da, biến chứng thần kinh hoặc tim mạch mức trung bình là 2 trong 4 cấp độ lâm sàng của bệnh TCM.

Câu hỏi: Chào các bác sĩ của SongKhoe.vn. Con em năm nay 4 tuổi, là bé trai, nặng 29 kg. Mấy hôm nay cháu cứ khóc, người nóng nên tôi cứ nghĩ là cháu bị cảm. Chiều nay đón cháu về nhà thì thấy lòng bàn tay và lòng bàn chân cháu có nổi nhiều đốm đỏ. Trên cánh tay và chân có vài mụn nước

Em đưa cháu đi khám ở bệnh viện Nhi đồng 2 thì chuẩn đoán là bị tay chân miệng độ 1. Thưa bác sĩ, bây giờ chúng tôi cần làm gì và theo dõi bệnh của bé như thế nào? Tay chân miệng độ 1 cố nguy hiểm không? Xin cảm ơn bác sĩ!

 

Trả lời:

Chào bạn,

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. 2 nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71).

Biểu hiện chính là tổn thương da - niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông.

Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não viêm cơ tim phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV 71.

Bệnh này lây theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chủ yếu từ nước bọt phỏng nước và phân của trẻ bệnh.

Bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Tại phía Nam, bệnh có xu hướng tăng cao vào 2 thời điểm từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12 hàng năm.

Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt bùng phát.

Biểu hiện của bệnh:

- Ủ bệnh :1-3 ngày (1-7 ngày).

- Giai đoạn khởi phát: Sau thời gian ủ bệnh từ 3-6 ngày, bệnh thường khởi phát với các triệu chứng như sốt nhẹ đau họng biếng ăn tiêu lỏng vài lần trong ngày, kém linh hoạt.

Giai đoạn toàn phát: Sau 1-2 ngày trẻ sẽ nhanh chóng xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh với các biểu hiện phát ban ở các vị trí đặc hiệu và loét miệng Trường hợp nặng với các biểu hiện biến chứng thần kinh và tim mạch.

+ Loét miệng: Vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2mm ở niêm mạc má, lợi, lưỡi.

+ Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó để lại vết thâm

+ Sốt nhẹ.

+ Nôn.

+ Sốt cao, nôn nhiều là dấu hiệu nặng, nguy cơ biến chứng.

+ Biến chứng thần kinh tim mạch hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh.

Giai đoạn lui bệnh: Sau 7 - 10 ngày bệnh nhân thường hồi phục hoàn toàn và không để lại di chứng.

Trên lâm sàng tay chân miệng được phân độ như sau:

Độ 1: chỉ loét miệng và/hoặc tổn thương da

Độ 2: Biến chứng thần kinh hoặc tim mạch mức độ trung bình

- 2A: Giật mình ít, chỉ ghi nhận qua khai thác bệnh sử.

- 2B: Giật mình nhiều, ghi nhận được khi khám và ≥ 2 lần/30 phút hoặc giật mình kèm theo 1 trong các dấu hiệu sau:

+ Run chi liên tục.

+ Đi loạng choạng.

+ Ngủ gà sau khi loại trừ hạ đường huyết

+ Mạch nhanh > 150 lần/phút (khi trẻ nằm yên và không sốt).

+ Sốt cao trên 39,5oC (nhiệt độ hậu môn) và không hạ nhiệt sau khi dùng thuốc hạ sốt

+ Yếu liệt chi.

Độ 3: Biến chứng nặng về thần kinh, hô hấp, tim mạch.

- co giật hôn mê (Glasgow < 10 điểm).

- Khó thở: Thở nhanh, rút ngực lõm, SpO2 < 92% không oxy.

- Mạch nhanh > 170 lần/phút hoặc tăng huyết áp

Độ 4: Biến chứng rất nặng, khó hồi phục

- Phù phổi cấp.

- Truỵ mạch.

- SpO2<92% với oxy qua cannulla 6 lít/phút.

- Ngưng thở.

Con bạn được chẩn đoán tay chân miệng độ 1 thường chỉ điều trị tại nhà bằng cách:

Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.

 

- Cho trẻ nghỉ ngơi tránh các kích thích, vệ sinh răng miệng hàng ngày bằng nước muối sinh lý; chườm mát khi sốt nhẹ, dùng các cách hạ sốt khi sốt cao theo hướng dẫn chặt chẽ của bác sĩ.

- Tái khám 1 - 2 ngày trong 7 - 10 ngày đầu của bệnh. Nếu trẻ có 1 trong các biểu hiện như sốt cao từ 39oC, thở nhanh giật mình chới với, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ da nổi vân tím co giật hôn mê yếu liệt chi; hoặc nhà xa cơ sở y tế không có khả năng theo dõi, tái khám thì cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật