6 thói quen nguy hại của người trẻ khiến xương khớp sớm thoái hóa

Bạn có biết đi giày cao gót, ngồi chéo chân, giảm cân quá nhanh, chính là những tác nhân khiến người trẻ sớm mắc các bệnh lý về cột sống.

Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, Trưởng khoa Đông y bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh lý về cơ xương khớp ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt là các bệnh lý về cột sống.

Phần lớn bệnh lý xương khớp phát sinh là do những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày.

Bẻ tay, vặn lưng, cổ quá mức

Việc bẻ khớp ngón tay, vặn lưng, vặn cổ khiến các khớp hoạt động nhanh đột ngột và quá tầm vận động, có thể phá hủy các cấu trúc sụn khớp và dây chằng xung quanh khớp nên rất có hại cho khớp.

Đây chính là nguyên nhân khiến các khớp ngày càng to lên, đồng thời gây ra tổn thương như bong gân giãn dây chằng, trật khớp, làm sụn khớp nhanh bào mòn và đẩy nhanh quá trình lão hóa

Thạc sĩ Toàn khuyến cáo nếu không bỏ thói quen này, khớp sẽ bị thoái hóa, biến dạng, to ở vùng các ngón tay hay rách dây chằng thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thắt lưng, gây chèn ép rễ thần kinh

Đi giày cao gót

Giày cao gót giúp tăng chiều cao cơ thể, tạo dáng đẹp. Tuy nhiên, khi mang giày cao gót, các cơ của cột sống thắt lưng và bắp chân cũng như gân gót lâm vào tình trạng căng giãn quá mức nên rất dễ đau và mỏi. Triệu chứng là đau lưng đau bắp chân hay đau phần trên của gót chân.

Khi các nhóm cơ làm việc quá tải sẽ yếu, không giữ vững được các cấu trúc như cột sống, khớp gối, cổ chân dễ gây chấn thương do té ngã và tổn hại đến hệ khớp

Bằng việc nâng cao gót chân, toàn bộ trọng lượng cơ thể bình thường chịu lực qua xương gót to và dày thì lại chuyển qua xương bàn và các ngón chân vốn dĩ mỏng và nhỏ hơn.

Độ cao của đế giày cứ tăng mỗi 2,5 cm, áp lực lên bàn chân trước tăng 22-25%. Do đó, mang giày cao 7 cm, áp lực xương bàn phải chịu là 175% so với đi giày bình thường. Việc này rất dễ gây thoái hóa khớp bàn ngón, nhất là ngón cái.

Mũi giày càng nhỏ hẹp càng gây nguy hiểm đến các ngón chân, gây chèn ép, tổn thương các nhánh thần kinh vùng bàn chân.

Ngồi không đúng tư thế, ngồi lâu

Ngồi làm việc hay đứng quá lâu tại một vị trí khiến tuần hoàn máu ở chân giảm, cơ mông, hông kém linh hoạt, xương dần mỏng đi, giòn và dễ gãy hơn. Các khớp xương bàn tay cổ tay và cánh tay luôn luôn phải hoạt động với chuột và bàn phím khiến cho các dây chằng và cơ phải chịu sức ép khi hoạt động liên tục.

Thói quen ngồi lâu liên tục trên hai tiếng cũng làm mỏi nhóm cơ cạnh cột sống khiến chúng ta khòm lưng và cúi ra trước. Điều đó dẫn đến căng các nhóm cơ và dây chằng phía sau cột sống, dễ dẫn đến tổn thương các đốt sống thoát vị đĩa đệm thoái hóa cột sống

Ngồi xổm, leo cầu thang, chéo chân hay bó chân

Khớp gối gồm khớp chè đùi và khớp đùi chày, chịu toàn bộ trọng lượng của cơ thể. Khi gối co, áp lực do cơ ở phần đùi và gân bánh chè sẽ ép xương bánh chè trượt trên xương đùi. Lúc đi bộ, lực này tác động bằng khoảng 1/2 trọng lượng cơ thể, khi leo cầu thang lực này gấp 3-4 lần trọng lượng cơ thể và khi ngồi xổm, lực này gấp 7-8 lần trọng lượng cơ thể. Do vậy, thói quen ngồi xổm tạo áp lực rất lớn phá hủy sụn xương bánh chè và sụn xương đùi gây thoái hóa khớp chè đùi.

Dùng thuốc giảm đau không theo chỉ định

Khi sử dụng nhóm thuốc giảm đau kháng viêm, tác dụng phụ thường gặp nhất là viêm dạ dày

Nhóm thuốc kháng viêm mạnh như corticoid có hiệu quả cao, nhưng dùng lâu dài sẽ gây loãng xương và lệ thuộc thuốc thậm chí còn tạo ra hội chứng cushing Do vậy, người bệnh nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Giảm cân quá nhanh

Giảm cân quá nhanh khiến sự liên kết của lớp mỡ và bắp thịt trở nên lỏng lẻo. Đó là lý do trong một số trường hợp xảy ra sự cố như ngã, trượt chân, thậm chí gãy xương Điều này cũng lý giải vì sao những người sau khi giảm cân lại yếu và dễ mắc bệnh loãng xương

 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật