Lạm dụng thuốc kháng sinh có thể gây nên bệnh béo phì

Lạm dụng thuốc kháng sinh có thể là một trong những nguyên nhân đại dịch béo phì - công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ thuộc Ðại học John Hopkins cảnh báo.

Ðộng vật tăng trọng nhanh do kháng sinh

Vài thập kỷ trước, nông dân Âu, Mỹ bất ngờ phát hiện những con bò hoặc lợn bị bệnh phải sử dụng thuốc penicillin tăng cân rất nhanh. Lập tức nhà nông đua nhau trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn gia súc.

Mãi nhiều năm sau người ta mới bắt đầu nhận ra, con người cũng có thể tăng cân do thường xuyên sử dụng thuốc kháng sinh Cho đến nay, cơ chế hiện tượng dị thường vẫn chưa được khám phá đầy đủ. Nhiều nhà khoa học nghi rằng, quần thể vi khuẩn đường ruột bị thuốc kháng sinh tiêu diệt ngoài ý muốn đóng vai trò chủ yếu trong trường hợp này.

Tất cả chúng ta, như đã biết, ngoài tế bào của cơ thể còn cộng sinh rất nhiều cá thể vi sinh vật (gộp lại quần thể vi khuẩn, virut, vi nấm của mỗi người có trọng lượng xấp xỉ 2kg). Tuyệt đối trong số đó định cư ổn định trong đường tiêu hóa, nơi quần thể vi khuẩn tham gia tích cực nhiều công việc như tái chế các thành phần dưỡng chất và đào thải cặn bã thức ăn.

Trong khi thuốc kháng sinh là con dao hai lưỡi - vừa tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, nhưng đồng thời cũng tiêu diệt vi khuẩn hữu ích định cư ổn định trong đường tiêu hóa “Sự giảm thiểu quân số vi khuẩn hữu ích gây rối loạn toàn bộ quá trình trao đổi chất trong ruột và làm cho cơ thể hấp thụ số lượng calor nhiều hơn so với bình thường. Đó là nguyên nhân chính lạm dụng thuốc kháng sinh gây béo phì” - TS. Brian Schwartz - bác sĩ kiêm chuyên gia dịch tễ học (Đại học John Hopkins, Mỹ) giải thích.

Trẻ em tăng cân

Hiện tượng tăng trọng vì thuốc kháng sinh mô tả ở trên có thể xảy ra với trẻ rất nhỏ, thậm chí cả những thai nhi vẫn còn trong bụng mẹ. Tháng 7/2015, trên tờ International Journal of Obesity (tạp chí béo phì Quốc tế), các nhà khoa học đã giới thiệu kết quả những nghiên cứu thực hiện với sự tham gia của 10.000 trẻ Đan Mạch từ 7-16 tuổi. “Gần 1/3 trong số đó từng chịu ảnh hưởng thuốc kháng sinh trong giai đoạn cuộc đời phôi thai. Thực tế đã dẫn đến hiện tượng tăng rõ rệt tỷ lệ trẻ thừa cân và béo phì ở tuổi học đường” - các nhà khoa học Đan Mạch (Bệnh viện thuộc Đại học Aarhus) chia sẻ.

Tiếp theo, trong số ra đầu tháng 10/2015, tạp chí béo phì Quốc tế công bố tài liệu mới nhất về chủ đề trẻ béo phìthuốc kháng sinh Tác giả chính của công trình là TS. Brian Schwartz cùng các đồng nghiệp nhà khoa học Mỹ đã theo dõi những số liệu y học thu thập trong hơn mười năm qua liên quan đến 164.000 trẻ em và trẻ vị thành niên Mỹ nhóm tuổi từ 3-18 thuộc bang Pensylvania.

Các nhà nghiên cứu tập trung trước hết vào những thông tin về chiều cao cân nặng và sự thường xuyên sử dụng thuốc kháng sinh. “Kết quả, trên 1/5 các trường hợp sử dụng thuốc kháng sinh tới 7 lần hoặc nhiều hơn so với trung bình. Hiện tượng tác động tiêu cực rõ rệt đến cân nặng. Mỗi trẻ nhóm tuổi 15 lạm dụng thuốc kháng sinh có cân nặng trung bình 1,5kg - nhiều hơn so với đồng lứa không thường xuyên sử dụng tân dược này”, TS. Schwartz nhấn mạnh.

Các nhà khoa học Mỹ nhận thấy, cùng với thời gian, hiệu ứng thừa cân càng trở nên đáng lo ngại. Trong những năm ít tuổi hơn, nếu trẻ đã dùng thuốc kháng sinh và sau đó tăng cân trong năm tiếp theo, trọng lượng dư thừa có thể biến mất nhờ phản ứng đào thải tự nhiên của cơ thể. Song đến độ tuổi nhất định, nhìn chung, khả năng đào thải của cơ thể bị cạn kiệt và mô mỡ bổ sung sẽ đeo bám lâu dài.

“Nghiên cứu của chúng tôi chỉ thực hiện với đối tượng đến tuổi 18. Tuy nhiên, dựa vào chính những quan sát này, chúng tôi tin rằng, ảnh hưởng tiêu cực của thuốc kháng sinh với cân nặng còn duy trì sau khi vượt qua giới hạn tuổi này, thậm chí có thể còn mạnh hơn vào thời kỳ tuổi trưởng thành”, nhà khoa học Mỹ lưu ý.

Không chỉ gây béo phì

Không ai nghi ngờ, thuốc kháng sinh là một trong những phát minh lớn nhất lịch sử y học, là bước ngoặt mà nhờ nó chúng ta có thể chiến thắng phần lớn các bệnh nhiễm trùng hành hạ nhân loại gần như từ thuở sơ khai. Chúng ta tận dụng thành tựu này đã ngót 90 năm, thế kỷ XX thậm chí từng được nhiều chuyên gia đặt tên là “kỷ nguyên thuốc kháng sinh”.

Tiếc rằng chúng ta sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh - cả trong y học cũng như nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm Hậu quả? Tăng đột biến, nhất là trong những năm gần đây, con số các trường hợp “nhờn thuốc kháng sinh”, tức tình huống các chủng vi khuẩn đề kháng với những nhóm thuốc kháng sinh.

Như các tác giả bản tường trình “Review on Antimicobial Resistance” giới thiệu cuối tháng 9/2015 tại Anh cảnh báo, nếu chúng ta không giải quyết vấn đề nhờn thuốc kháng sinh gia tăng và không tìm ra sản phẩm mới (thực tế suốt 25 năm qua không có tân dược bước ngoặt nào xuất hiện trên thị trường), đến năm 2050 sẽ có 10 triệu người chết/năm vì lý do lây nhiễm cái gọi là các siêu vi khuẩn, tức những vi khuẩn miễn dịch với mọi loại thuốc kháng sinh hiện có.

Béo phì và thừa cân vì nhiều nguyên nhân khác nhau đã trở thành đại dịch tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo số liệu thống kê, hiện Mỹ đứng đầu về phương diện này với 34% dân số bị béo phì, 35% dân số - thừa cân; tương tự các tỷ số dân cư này ở Mehico là 30 và 40%; New Zeland - 27 và 35%; Australia - 25 và 36%.

 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật