Mách nhỏ nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương do ký sinh trùng lạc chủ, lạc chỗ

Bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương bao gồm viêm màng não, viêm não tủy do ký sinh trùng xâm nhập đã xuất hiện từ lâu ở nước ta và trên thế giới nhưng chưa được quan tâm đúng mức tại các cơ sở y tế.

Từ những năm 1994 - 2000, tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM và sau đó là các bệnh viện: Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Nguyễn Tri Phương và các bệnh viện ở các tỉnh đã phát hiện nhiều trường hợp bệnh lý hệ thần kinh trung ương do ký sinh trùng

Ký sinh trùng gây bệnh ở não, màng não bao gồm nhiều tác nhân, chúng có thể tạo thành nang to gây chèn ép não thất hoặc xâm nhập vào vùng chất trắng gây phù nề, rối loạn hệ thần kinh thực vật, nhức đầu dai dẳng nhiều năm. Sau đây là một số tác nhân gây bệnh lý ở não thường gặp:

Cysticercus cellulosae: ấu trùng sán dải heo (Taenia solium), gạo heo là một bọc màu trắng đục, bên trong chứa dịch và đầu sán. Người nuốt phải trứng sán dải heo theo hai đường:

- Đường thực phẩm như rau sống rửa không sạch có dính phân heo, nước uống bị vấy bẩn phân heo.

- Hay gặp hơn là do người bị nhiễm sán dải heo ở dạng trưởng thành Taenia solium, khi những đốt sán già bị phản nhu động ruột đẩy ngược lên dạ dày và bị tiêu hoá, phóng thích trứng chứa phôi.

Trứng bị nuốt vào sẽ phóng thích phôi có 6 móc, chui qua niêm mạc vào vách ruột theo hệ tuần hoàn lên tim, sau đó vào hệ đại tuần hoàn rồi phát tán khắp cơ thể, tạo thành bệnh gạo heo. Một số nang ấu trùng theo máu lên não, tạo thành nang sán ở não, có thể phát triển rất lớn, chèn ép não thất gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.

Toxcara canis, Toxocara cati: giun đũa chó, mèo, giun trưởng thành sống trong ruột non của chó, mèo trứng theo phân ra ngoài phát tán ở môi trường, dính lên quần áo, ghế sopha, giường chiếu trong nhà, hoặc lẫn trong đất cát quanh nhà. Người vô tình nuốt phải trứng sán do dính vào tay. Hoặc do trẻ em nghịch đất cát có chứa trứng giun sau đó cho tay vào miệng. Trứng vào ruột người sẽ biến thành ấu trùng, tuy nhiên người không phải là ký chủ vĩnh viễn nên ấu trùng sẽ di chuyển khắp các cơ quan nội tạng như gan phổi, não, mắt và các cơ quan khác, gây nên bệnh cảnh ký sinh trùng lạc chỗ. Tại não, Toxocara canis thường hay thâm nhập vào vùng chất trắng cạnh não thất, gây phù nề cục bộ, chèn ép não… Bệnh dễ bị chẩn đoán lầm với u não di căn não… Nếu được phát hiện kịp thời, bệnh đáp ứng tốt với điều trị.

Giun lươn Strongyloides stercoralis: giun tròn sống ký sinh ở ruột non, gần tá tràng của người. Giun trưởng thành đẻ trứng nở thành ấu trùng ngay trong ruột non, ấu trùng theo phân ra ngoài sống ở đất ẩm nhiều năm. Khi người tiếp xúc với đất ẩm, ấu trùng giun lươn sẽ chui qua da, vào máu rồi theo hệ tuần hoàn lên phổi, qua khí quản thực quản rồi bị nuốt vào lại ruột non. Mặt khác, giun lươn còn có chu trình tự nhiễm, ấu trùng giun lươn có thể đi xuyên qua niêm mạc ruột để vào hệ tuần hoàn và về lại ruột non. Khi cơ thể bị suy giảm miễn dịch do bất kỳ nguyên nhân nào, giun lươn có thể phát tán đến nhiều cớ quan trong cơ thể và đi lên não, gây phù nề tại nơi xâm nhập và mang theo vi khuẩn gram âm từ đường ruột vào não gây bệnh cảnh viêm màng não do vi khuẩn nhiễm trùng huyết do vi khuẩn mang theo.

Giun đầu gai Gnathostoma spp: giun trưởng thành sống ký sinh ở dạ dày chó mèo và thú ăn thịt như cọp, beo… Trứng giun theo phân ra ngoài đi vào môi trường nước, bị loăng quăng đỏ Cyclops nuốt vào, sau đó các loài tôm cá nước ngọt như: cá lóc, lươn, tôm,… nuốt phải cyclop, ấu trùng Gnathostoma spinigerum sẽ chui ra đi vào gan cơ của các động vật trên, tạo thành nang ấu trùng. Người bị nhiễm ấu trùng Gnathostoma spp khi ăn thủy sản nấu không chín. Ấu trùng Gnathostoma spp vào ruột non sẽ đi xuyên qua vách ruột, theo máu đến gan, các cơ quan nội tạng khác và lên não.

Tại não, màng não, ấu trùng Gnathostoma spp gây xuất huyết dữ dội, gây chèn ép và phù nề nặng nề, bệnh nhân tử vong rất nhanh nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

Khi thấy biểu hiện bất thường như nhức đầu kéo dài kèm nôn buồn nôn đã có lần ăn thủy sản tái sống hoặc ăn rau sống uống nước lã, nhà có nuôi chó mèo hoặc có tiếp xúc với đất ẩm phải đi khám bệnh ngay tại chuyên khoa ký sinh trùng để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật