Chớ chủ quan khi bị suy giãn tĩnh mạch chân bạn nhé

Bệnh giãn tĩnh mạch chân là một bệnh gặp ở cả nam và nữ giới, nhưng nữ giới mắc bệnh chiếm tỷ lệ cao hơn (khoảng 70%), thường gặp ở tuổi trung niên. Bệnh có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn da, loét da, đặc biệt là cục máu đông di chuyển theo dòng máu đến các cơ quan, dễ gây tắc nghẽn ở mạch máu não gây thiếu máu não, nhũn não hoặc động mạch vành tim gây nhồi máu cơ tim...

Ai dễ bị suy giãn tĩnh mạch chân?

Suy giãn tĩnh mạch chân đều làm cho chức năng của thành mạch và các van của tĩnh mạch bị suy yếu dần, trong khi áp lực máu trong lòng tĩnh mạch lại tăng và lòng tĩnh mạch sẽ bị giãn ra.

Những người làm công việc nội trợ hoặc đứng nhiều (trong công xưởng, nhà máy dệt, may hoặc đứng bán hàng các siêu thị...) làm cho ứ máu và tĩnh mạch chân bị giãn ra, lâu dần sẽ bị suy giãn tĩnh mạch Hoặc phụ nữ sinh đẻ nhiều lần (do tổng thời gian mang thai nhiều làm ứ máu ở tĩnh mạch chân) cũng có thể gây nên bệnh suy giãn tĩnh mạch chân Ngoài ra, còn có thể do yếu tố gia đình (bố hoặc mẹ bị suy giãn tĩnh mạch chân, hoặc cả hai).

Coi chừng biến chứng

Suy giãn tĩnh mạch chân lâu ngày và không được điều trị sẽ có nguy cơ để lại một số hậu quả xấu. Hậu quả đầu tiên là chức năng dinh dưỡng của tĩnh mạch sẽ bị giảm sút nặng nề, có thể gây nên loét và nếu không được điều trị, chăm sóc cẩn thận thì rất dễ bị nhiễm khuẩn da. Nhiễm khuẩn da bởi loét da do giãn tĩnh mạch nếu gặp phải tụ cầu vàng (S. aureus) hoặc trực khuẩn mủ xanh (P. aeruginosa) thì rất nguy hiểm vì chúng kháng lại nhiều loại kháng sinh gây khó khăn cho điều trị cũng như rất dễ gây nhiễm khuẩn máu. Biến chứng nặng nề nhất trong suy giãn tĩnh mạch chân là do máu bị ứ đọng lâu trong lòng tĩnh mạch sẽ gây nên cục máu đông Nếu phát hiện muộn và xử lý không tốt thì cục máu sẽ trôi đi theo dòng máu chảy về tim từ tim cục máu sẽ di chuyển theo dòng máu đến các cơ quan, nếu gặp phải nơi mạch máu nhỏ, lòng động mạch hẹp (do xơ vữa động mạch) thì rất dễ gây tắc nghẽn (ở mạch máu não gây thiếu máu não nhũn não hoặc động mạch vành tim gây nhồi máu cơ tim).

Làm thế nào để phòng tránh?

Để phòng tránh bệnh giãn tĩnh mạch chân, nên tránh đứng lâu, ngồi nhiều giờ trong thời gian dài. Nên tạo cho mình thói quen tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn, ăn thức ăn có nhiều sinh tố nhất là các loại rau quả giàu chất dinh dưỡng cần thiết, làm tăng tính bền vững của thành mạch. Nên xoa bóp nhẹ nhàng hai chân (theo xu hướng vuốt dọc trở lên từ mu bàn chân lên cẳng chân) đặc biệt là trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy để làm cho máu lưu thông tốt hơn. Khi nghi ngờ mắc bệnh giãn tĩnh mạch chân thì việc đầu tiên là phải đi khám bệnh ở cơ sở y tế để được chẩn đoán xác định và có chỉ định điều trị thích hợp.

Đồng thời, bác sĩ sẽ có những lời khuyên phù hợp với từng người bệnh. Khi đã bị bệnh thì đi ngủ nên kê cao chân bằng một chiếc gối mềm, có độ cao thích hợp để không khó chịu, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ và máu cũng lưu thông dễ dàng. Để làm chậm sự tiến triển của bệnh, cần loại bỏ những thói quen có hại là đứng ngồi lâu khiêng vác nặng và cần tập thể dục hàng ngày như đi bộ. Tất nhiên, chỉ đi bộ khi bệnh đang ở giai đoạn nhẹ, các tĩnh mạch chân chưa nổi ngoằn nghèo, chưa loét da. Mỗi ngày nên đi bộ khoảng từ 30 - 60 phút chia thành 2 - 3 lần là vừa phải. 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật