Nắng nóng mùa hè, cảnh báo vi khuẩn liên cầu lợn tấn công

Bệnh nguy hiểm vì nặng nhất là có thể dẫn đến tử vong, đáng nói nó có khả năng lây lan sang người rất nhanh, mạnh và có thể gây thành dịch.

PGS.TS.BS. Trần Quang Bính - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới bệnh viện Chợ Rẫy cho biết nơi đây vừa cứu chữa kịp thời cho 1 bệnh nhân bị nhiễm liên cầu lợn. PGS. Trần Quang Bính nhấn mạnh, bệnh liên cầu lợn rất nguy hiểm vì bệnh có thể dẫn đến tử vong có khả năng lây lan sang người rất nhanh, mạnh và có thể gây thành dịch.

Suýt tử vong vì nhiễm liên cầu lợn

Mới đây nam bệnh nhân P. T. L (52 tuổi, quê An Giang) được đưa vào BV. Chợ Rẫy trong tình trạng kích động giãy giụa, rối loạn tri giác. Tại BV. Chợ Rẫy, người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân làm nghề bán thịt heo. Trước đó, bệnh nhân bị sốt, nôn ói và rối loạn tri giác sau khi ăn cháo chế biến từ thịt heo, bệnh nhân được gia đình đưa vào bệnh viện tỉnh nhưng tình trạng vẫn ngày càng nặng hơn. Một ngày sau đó, bệnh nhân được chuyển lên BV. Chợ Rẫy. Với kết quả lâm sàng điển hình của bệnh nhân, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị viêm màng não

Tuy nhiên, do thời gian ủ bệnh kéo dài nên tình trạng bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân phải thở máy trong 2 ngày được. Khai thác thông tin nghề nghiệp của bệnh nhân, êkíp điều trị đã nghĩ ngay đến tình trạng viêm màng não do nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn. Kết hợp lâm sàng và kết quả của cấy dịch não tủy cho thấy hướng điều trị chính xác. Đến nay, bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo và dự kiến sẽ được cho xuất viện vào đầu tuần sau. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh của bệnh nhân L. rất khó để xác định thì do bệnh nhân làm nghề bán thịt heo và có thể đã nhiễm bệnh khi tiếp xúc với heo hay ăn phải cháo thịt heo rồi bệnh.

PGS. Trần Quang Bính cho biết, bệnh liên cầu lợn là bệnh do vi khuẩn Streptococcus suis gây ra. Vi khuẩn Streptococcus suis thường có mặt trong đường hô hấp của lợn và nếu có điều kiện, nó sẽ phát triển và gây bệnh. Việc nhận biết lợn bị nhiễm bệnh liên cầu khuẩn rất khó xác định bằng mắt thường mà cần phải xét nghiệm chẩn đoán vi khuẩn gây bệnh tại phòng thí nghiệm. Trong thực tế người dân có thể dựa vào triệu chứng ở lợn như: da đỏ thịt đỏ nội tạng đỏ hơn bình thường để tạm thời xác định lợn bị nhiễm bệnh liên cầu nhằm phòng tránh.

Bệnh rất nguy hiểm

Bệnh nguy hiểm vì nặng nhất là có thể dẫn đến tử vong, đáng nói nó có khả năng lây lan sang người rất nhanh, mạnh và có thể gây thành dịch. Người có thể mắc bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn. Sự lây truyền bệnh do vi khuẩn Streptococcus suis từ lợn bị bệnh xâm nhập vào người qua các vết trầy xước vết đứt, hoặc vết thương trên da, niêm mạc; áo quần, khăn lau bị nhiễm vi khuẩn; ăn phải thức ăn được chế biến từ lợn bị bệnh chưa được nấu chín như thịt tái, tiết canh…

Do đó người có nguy cơ bị mắc bệnh liên cầu lợn là các đối tượng có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với lợn, thịt lợn hoặc các sản phẩm sống từ lợn chưa được chế biến chín như những người chăn nuôi lợn, người giết lợn ở các lò mổ, người buôn bán vận chuyển lợn, thịt lợn, các sản phẩm có liên quan đến lợn; những người nội trợ nếu thực hiện việc xử lý chế biến thức ăn từ lợn và các sản phẩm từ lợn bảo đảm được vệ sinh trong nấu nướng, chế biến thì hạn chế được cơ hội nhiễm bệnh. Vi khuẩn liên cầu lợn sẽ bị tiêu hủy ở nhiệt độ cao nên cần ăn các thức ăn từ lợn đã được nấu chín, không ăn tiết canh lợn để chủ động phòng tránh bệnh.

Theo PGS. Trần Quang Bính, vi khuẩn Streptococcus suis xâm nhập vào người có thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến vài ngày. Sau đó khởi phát với các triệu chứng lâm sàng: sốt, nổi ban đỏ đau họng đau nhức đầu ói mửa, cứng cổ, sợ ánh sáng, rối loạn ý thức ù tai giảm thính lực… giống triệu chứng của viêm màng não; ngoài ra còn ghi nhận các dấu chứng khác như: viêm khớp viêm phổi viêm nội tâm mạc nhiễm trùng huyết, biến chứng nặng có thể xẩy ra như sốc nhiễm trùng, nhiễm độc, tổn thương chức năng của hệ tuần hoàn và tổn thương chức năng gan thận…Khi có biến chứng nhiễm trùng huyết sốc nhiễm độc thì tiên lượng của bệnh nhân rất xấu, bệnh nhân có thể tử vong trong vài giờ sau đó. Một số thống kê ghi nhận 40% bệnh nhân mắc bệnh liên cầu lợn bị biến chứng suy đa tạng và khoảng 60% còn lại bị viêm màng não

Triệu chứng khởi phát của nhiễm khuẩn Streptococcus suis khó chẩn đoán vì biểu hiện bệnh giống như cảm sốt thông thường. Do đó cần phải căn cứ vào yếu tố dịch tễ người bệnh có tiếp xúc với lợn hoặc ăn các loại thức ăn chế biến từ lợn chưa được nấu chín kỹ mà sau đó có triệu chứng sốt cao, nhức đầu đau họng ói mửa, cứng cổ để định hướng chẩn đoán. Bệnh nhân phải nhập viện để được xét nghiệm máu dịch não tủy, dịch khớp, chẩn đoán bệnh chính xác và phát hiện kịp thời. Tình trạng nhập viện trễ, bệnh tiến triển với nhiều biến chứng nặng tổn thương đa phủ tạng có tỉ lệ tử vong cao.

Phòng tránh mắc bệnh

PGS. Trần Quang Bính khuyến cáo, để phòng tránh mắc bệnh liên cầu lợn, cần hạn chế sự tiếp xúc với lợn bị bệnh vì khả năng nhiễm bệnh cao. Các đối tượng như người chăn nuôi lợn, người giết mổ lợn ở các lò mổ, người buôn bán, vận chuyển lợn, thịt lợn, các sản phẩm liên quan từ lợn, cán bộ thú y, người suy giảm miễn dịch… cần thận trọng khi tiếp xúc với lợn bị bệnh và phải sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động cần thiết để bảo vệ an toàn.

Cần vệ sinh chuồng trại chăn nuôi thường xuyên để phòng bệnh và khoanh vùng tiêu hủy ngay đàn lợn bị nhiễm bệnh, chủ động hạn chế bệnh với khả năng nguy cơ lây bệnh sang cho người.

Đối với người nội trợ và người tiêu dùng nên chọn mua thịt lợn sạch đã được cơ quan thú y kiểm dịch, kiểm tra xác nhận, không nên mua loại thịt lợn có dấu hiệu xuất huyết dưới da thịt và nội tạng có màu đỏ hơn mức bình thường. Khi chế biến thức ăn phải bảo đảm vệ sinh, đun nấu thịt lợn thật chín, không nên ăn thịt tái và tiết canh lợn vì cơ hội bị mắc bệnh liên cầu lợn là không thể tránh khỏi.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật