Làm sao để tránh lây sởi chéo? Biện pháp phòng tránh là gì?

Với những giải đáp của bác sĩ, hy vọng sẽ giúp các mẹ bớt đi lo lắng và chăm sóc con tốt hơn khi dịch sởi đang hoành hành.

Với những giải đáp rõ ràng của cá bác sĩ, hy vọng sẽ giúp các mẹ bớt đi phần nào lo lắng và chăm sóc con tốt hơn khi dịch sởi đang hoành hành.

1. Thưa BS Gia: Có cách hữu dụng phòng bệnh sởi nào khi chưa kịp tiêm phòng không ạ? (Thanh Huyền)

BS Phạm Văn Gia:

Thanh Huyền thân mến!

Cách tốt nhất để phòng ngừa sởi là tiêm phòng vắc xin theo chỉ định của Y tế dự phòng.

Trong trường hợp trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng, hoặc người lớn vì lý do nào đó chưa tiêm phòng được thì cần thực hiện một số biện pháp sau:

- Tránh tiếp xúc với bệnh nhân sởi, không đến chỗ đông người có khả năng lây nhiễm sởi như bệnh viện trường học đang có dịch...

- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc đông người.

- Giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, các biện pháp trên không có hiệu quả 100%, do vậy nên đi tiêm phòng sởi sớm nhất có thể.

2. Xin các bác sĩ cho hỏi trường hợp đã tiêm vắc xin phòng sởi mà vẫn bị mắc sởi thì có khả năng bị biến chứng không? (Mai Oanh)

BS Nguyễn Thị Hiền:

Cũng như các vắc xin khác, vắc xin sởi không thể đảm bảo 100% miễn dịch, cho nên vẫn còn một số ít trẻ dù đã tiêm vẫn mắc sởi. Và khi đã mắc sởi, cũng tùy theo miễn dịch của em bé, có thể biến chứng hoặc không. Tỉ lệ lớn là không có biến chứng.

3. Bác sĩ cho tôi hỏi, tôi đã tiêm đủ các mũi sởi và có thể được coi là miễn dịch với bệnh sởi. Trường hợp tôi làm việc trong môi trường tiếp xúc với nhiều người thì tôi phải làm thế nào để bảo vệ cho con tôi không bị truyền bệnh sởi chéo? (Nam Anh)

BS Phạm Văn Gia:

Nếu bạn đã được tiêm đủ các mũi vắc-xin sởi đúng lịch thì có khả năng rất cao bạn đã có miễn dịch bảo vệ.

Trường hợp bạn phải làm việc trong môi trường có tiếp xúc nhiều người và có nguy cơ tiếp xúc với nguồn bệnh, để tránh con bạn có thể bị ảnh hưởng, sau khi từ chỗ làm về nhà, bạn nên thay quần áo, tắm rửa, rửa tay sạch sẽ… trước khi tiếp xúc với con.

4. Thưa BS. Hiền: Con cháu đã tiêm 1 mũi sởi, cháu có nên đưa con đi xét nghiệm xem có kháng thể chống bệnh sởi không ạ? (Lê Thảo)

BS Nguyễn Thị Hiền:

Theo tôi là chưa cần thiết. Tốt nhất chị nên tiếp tục cho cháu tiêm đủ 2 mũi sởi theo khuyến cáo của Bộ Y tế thì đảm bảo chắc chắn cháu có miễn dịch phòng sởi suốt cuộc đời, đây là khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới.

5. Em có bé đã sống cùng, ăn ngủ chung với 1 bé khác đang bị bệnh sởi trong vòng 2 ngày cách đây 8 ngày. Cháu đã tiêm 1 mũi 3 trong 1 lúc 14 tháng, bây giờ cháu được gần 19 tháng tuổi. Hiện sức khỏe cháu bình thường, hôm thứ 7 ngày 20/4/2014 cháu có tiêm mũi Viêm não Nhật Bản lần 2 ở TTYT phường, họ mời ngày mai 23/4/2014 đi tiêm mũi sởi 2 cho cháu. Xin bác sỹ cho lời khuyên cháu có đi tiêm mũi sởi ngày mai được không? (Bích Phương)

BS Nguyễn Thị Hiền:

Thứ nhất, cháu đã được tiêm phòng 1 mũi 3 trong 1 cách đây 5 tháng thì trong điều kiện đang có dịch sởi, thì cháu nên đi tiêm luôn mũi thứ 2, theo hẹn của TTYT phường.

Thứ hai, cháu đã được tiêm 1 mũi thì cũng đã có miễn dịch bảo vệ mức độ nhất định, nhưng vẫn có nguy cơ mắc sởi sau khi tiếp xúc với 1 bé khác bị sởi gia đình cần theo dõi cháu xem có bị sốt và phát ban hay không trong vòng 3 tuần kể từ khi tiếp xúc với bé bị sởi. Nếu cháu có các biểu hiện sốt và phát ban thì cần đi khám ngay để xác định cháu có bị lây sởi trong hoàn cảnh chưa đầy đủ miễn dịch hay không.

Bệnh sởi khi có miễn dịch 1 phần thì thường sẽ nhẹ hơn so với sởi ở người chưa có miễn dịch.

6. Bé nhà em được 9 tháng tuổi rồi, đủ tuổi để tiêm ngừa sởi. Tuy nhiên, vì đang có dịch sởi nên em muốn hạn chế bé đến nơi đông người. Khi còn nhỏ em đã bị sởi rồi, và bé bú sữa mẹ hoàn toàn, liệu bé có thể nhận được kháng thể sởi từ mẹ truyền sang con không bác sĩ? Như vậy, em có thể giữ bé trong nhà để qua dịch không ạ, kháng thể từ sữa mẹ đã đủ chưa ạ, vì e sợ khi đi tiêm ngừa bé có thể bị lây bệnh? Em cảm ơn bác sĩ ạ!

BS Phạm Văn Gia:

Do bạn đã được tiêm ngừa phòng sởi rồi nên miễn dịch kháng sởi truyền từ mẹ sang con chủ yếu qua nhau thai

Ngoài ra người mẹ nếu đã bị mắc sởi từ trước có khả năng truyền miễn dịch sang cho con rất tốt. Miễn dịch này có khả năng bảo vệ trẻ trong vòng từ 6 đến 9 tháng tuổi.

Việc giữ bé trong nhà, tránh tiếp xúc với nhiều người/người lạ có thể hạn chế khả năng bé mắc sởi. Tuy nhiên con bạn được 9 tháng tuổi rồi thì tốt nhất bạn nên đưa con đi tiêm phòng sởi không tự điều trị tại nhà…

7. Những thực phẩm nào giúp trẻ tăng cường khả năng miễn dịch với sởi? (Thanh Lan)

BS Nguyễn Thị Lâm:

Khi trẻ nghi ngờ mắc sởi hoặc được chẩn đoán là mắc sởi thì nên bổ sung một viên vitamin A liều cao: trẻ 6 tháng - dưới 1 tuổi: 1 viên 100000IU, trẻ trên 1 tuổi hay trẻ lớn, người lớn: 1 viên 200000IU.

Các nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định, việc bổ sung vitamin A có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đặc biệt giúp trẻ nâng cao miễn dịch khi mắc sởi, giảm nhẹ các biến chứng của sởi.

Vitamin A có nhiều trong các thực phẩm: sữa mẹ sữa gan trứng các loại thịt cá… Trong thức ăn thực vật cũng có tiền vitamin A, có nhiều trong các củ quả màu vàng, đỏ, các rau có lá màu xanh thẫm.

Các thực phẩm giàu kẽm cũng nên có trong chế độ ăn cho trẻ. kẽm có nhiều trong hải sản thịt gà cá, tôm, lươn, giá đậu xanh nảy mầm. Khi trẻ bị sởi mẹ nên bổ sung kẽm cho bé ở dạng cốm hoặc siro Trẻ dưới 6 tháng bổ sung 10mg/ ngày. Trẻ trên 6 tháng và trẻ lớn bổ sung 2mg/ngày trong vòng 14 ngày liên tục theo phác đồ của tổ chức y tế thế giới.

Ngoài ra, các mẹ nên cho con ăn những thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường miễn dịch Mẹ cũng có thể bổ sung thêm vitamin D cho con 1000IU/ngày, có thể bổ sung kéo dài trong vòng 3-6 tháng.

8. Bé nhà em 3 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng bệnh sởi thì tiêm thêm 1 mũi nữa khi đang có dịch thì có sao không thưa bác sĩ? (Thùy Hương)

BS Phạm Văn Gia:

Bé nhà bạn đã tiêm đủ 2 mũi rồi, thì không phải tiêm thêm nữa vì 2 mũi đó đã tạo 1 kháng thể trong cơ thể của cháu rồi.

Bạn cũng như nhiều phụ huynh khác hãy nhớ, không phải cứ tiêm phòng nhiều lần là đã được bảo vệ. Nói chung các mẹ nên thực hiện đúng và đủ theo chương trình tiêm chủng quốc gia đối với từng loại bệnh là có thể yên tâm.

9. Tôi có một thắc mắc muốn hỏi bác sĩ là tại sao nguy cơ lây chéo ở bệnh sởi lại cao như vậy. Nhiều bé bị nhẹ rồi tời bệnh viện lại bị nặng thêm. Làm thế nào để giảm nguy cơ lây chéo giữa các bé? (T. Hằng)

BS Phạm Văn Gia:

Trong thời gian vừa qua, khi bệnh sởi bùng phát, có rất nhiều các cháu được nghi mắc sởi đổ dồn lên bệnh viện Nhi TW. Vì bị dồn lên như vậy, với các cháu không bị mắc sởi thực sự cũng dễ bị nhiễm vi-rút sởi. Cho nên các cháu lây mắc sởi là đương nhiên.

Nguyên nhân lây chéo ở bệnh viện là hoàn toàn hợp lý. Và để giảm nguy cơ này các bệnh nhân có con em bị sởi hoặc nghi bị sởi nên điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh là hoàn toàn có thể yên tâm, không cần dồn lên các tuyến trung ương.

Khi có con nghi nhiễm sởi, phụ huynh nhất quyết không nên chủ quan nhưng cần bình tĩnh, đi theo tuyến. Nếu con bị sởi, chỉ cần đưa con lên bệnh viện tuyến huyện, tỉnh là yên tâm. Như vậy sẽ không vất vả, lại kiểm soát được tình hình, không bị lây chéo. Bệnh nhân có lợi, gia đình đỡ vất vả. Công tác điều trị cũng hiệu quả.

10. Tôi rất lo lắng trước thông tin về dịch sởi đang bùng phát, xin hỏi bác sĩ làm thế nào để phân biệt sốt với phát ban và sởi. Có phải bị sởi thì phải tránh gió và không được tắm hay không? (H. Hiền)

BS Phạm Văn Gia:

- Làm thế nào để phân biệt sởi, phát ban, sốt vống thì tôi xin thưa rằng ở giai đoạn đầu chưa phân biệt được đâu. Chỉ khi đến bệnh viện được khám lâm sàng, cận lầm sàng mới chuẩn đoán và xác định chính xác được.

Khi con có những biểu hiện bạn đầu, các bà mẹ cứ xác định con bị sởi để được thăm khám và không chủ quan.

- Khi bị sởi cũng như bị các bệnh khác, con phải được tránh gió và không được tắm lạnh là đúng. Bởi con bị ốm, sức khỏe còn yếu, không nên ra gió lạnh, tắm nước lạnh. Chưa kể cho con ra bên ngoài, không khí có nhiều bụi bẩn không có lợi cho sức khỏe của con.

Khi con bị sởi, phụ huynh vẫn nên vệ sinh bằng nước ấm hàng ngày cho con. Lấy khăn mềm vệ sinh mắt mũi, tai vùng kín để hỗ trợ công tác điều trị tốt hơn rất nhiều. Chú ý lau rửa ở phòng kín gió. Điều này tránh được bội nhiễm viêm da cho các cháu.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật