Ghép tạng, cơ hội tăng hồi sinh sự sống cho mọi người
GS.TS. TTND. Trịnh Hồng Sơn: Để có con số chính thức về các ca ghép thận gan phổi tụy giác mạc thì trung tâm đang tiến hành thống kê cụ thể trong danh sách chờ ghép quốc gia. Về con số thông kê chung thì có khoảng 16 – 20 nghìn. Về ghép giác mạc chỉ tính riêng năm 2014, đã có hơn 1.400 người. Con số chờ ghép tạng các tỉnh đều có cả. Những người chạy thận nhân tạo hầu hết đều có nhu cầu ghép thận. Như vậy nhu cầu ghép thận tim gan ở Việt Nam là rất lớn.
MC: Ở nước ta hiện nay đang có rất nhiều người có nhu cầu thay thế tạng để đảm bảo có được cuộc sống bình thường, đặc biệt là nhu cầu về ghép giác mạc, ghép thận, ghép gan. Tuy nhiên, việc tìm được tạng thay thế không hề đơn giản. Vậy đâu là nguyên nhân? Liệu có phải do nhận thức của người dân về vấn đề hiến tạng còn khúc mắc hay không?
ThS. Nguyễn Hoàng Phúc: Nhu cầu ghép tạng trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng rất lớn. Trong khi ở nước ngoài, 90% nguồn tạng được lấy từ người chết ghép thì ở Việt Nam 90% lại từ người hiến sống.
Nếu như nói nhận thức của người dân còn hạn chế thì chưa hẳn. Vì thực tế, từ khi Trung tâm điều phối và ghép bộ phận cơ thể người được thành lập, đến nay, đã có rất nhiều người biết đến việc hiến tạng. Đơn cử, có rất nhiều người dân từ Bắc Giang, Hải Phòng, hoặc ngay tại Hà Nội thậm chí là Quảng Trị, cũng đến với Trung tâm đăng kí hiến tạng ngay khi còn sống. Có những nhà sư từ miền Nam ra, hoặc nhà sư ở tại Hà Nội cũng có phát nguyện hiến mô tạng.
Những trường họp đó, khi đến hiến tại bệnh viện hữu nghị Việt Đức thì được chính các đôi ngũ giáo sư ở đây trực tiếp lấy và chăm sóc sức khỏe cho họ. Bản chất là do thông tin đến với cộng đồng chưa đầy đủ.
Năm 2006, Luật hiến - lấy ghép bộ phận cơ thể người và hiến xác ra đời, đến nay, số lượng tạng để lấy và ghép được còn hạn chế do thông tin chưa đầy đủ. Nếu mọi người đều có đầy đủ thông tin và chúng ta làm tốt việc truyền thông như chương trình hôm nay, tôi tin chắc rằng sẽ có nhiều người tới với trung tâm, cũng như 15 đơn vị ghép tạng trong cả nước để bày tỏ tâm nguyện của mình để hiến tạng ngay khi còn sống hoặc ngay khi chết não.
ThS. Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người
Bùi Minh Đức (Nghệ An): Tôi năm nay 40 tuổi. Tôi bị bệnh suy thận 13 năm nay, và cũng đã chạy thận chừng đó năm. Hiện người thân tôi quyết định hiến tặng tôi 1 quả thận. Xin giáo sư cho biết hiện việc ghép thận ở Việt Nam thì ở Bệnh viện nào tốt nhất, chi phí cho mỗi ca ghép thận như vậy hết bao nhiêu tiền? Người sau khi cho thận có ảnh hưởng gì tới sức khỏe không? Xin giáo sư cho biết việc ghép thận ở Việt Nam thì ở Bệnh viện nào tốt nhất, chi phí cho mỗi ca ghép thận như vậy hết bao nhiêu?
PGS.TS. Hà Phan Hải An: Về vấn đề chỉ định thì những người đã chạy thận nhân tạo, có sức khỏe tốt thì có thể nhận tạng nhưng cũng cần đi khám để đánh giá tình trạng chung rồi mới quyết định. Khi bạn chạy thận lâu như vậy thì sẽ có nhiều nguy cơ với người nhận như các vấn đề về tim mạch, bệnh truyền nhiễm.
Với người cho thì các tiêu chuẩn đánh giá càng phải chặt chẽ họ vì họ đáng được ưu tiên, nhất là người cho sống. Bác sĩ phải đảm bảo an toàn cho người hiến. Khi họ hiến rồi vẫn phải đảm bảo an toàn sức khỏe Vì tiêu chí của chúng ta là tạo ra 2 người khỏe mạnh chứ không phải là 2 người bị bệnh, hay đổi người này để lấy người khác.
Về chi phí, còn phụ thuộc vào dịch vụ trong quá trình điều trị. Với mỗi người thì chi phí cũng khác nhau. Các đơn vị trong nước cũng có chi phí khác nhau, Tuy nhiên chúng ta có sự hỗ trợ của BHYT nên gánh nặng y tế được giảm nhẹ đi nhiều. Khoảng 150- 250 triệu là chi phí tối thiểu cùng nhiều chi phí phát sinh. Về bệnh viện tốt nhất thì những bệnh viện đã thực hiện phẫu thuật được Bộ Y tế kiểm định. Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào đội ngũ chuyên môn tại bệnh viện đó, phải đạt được chuẩn mực nhất định để thực hiện phẫu thuật và có bác sĩ nội khoa giỏi để chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật.
Ngoài ra còn phụ thuộc vào khoảng cách địa lý, nếu ở quá xa đơn vị phẫu thuật ghép tạng tốt thì họ không thể xử lý tình huống khẩn cấp được. Vì vậy, để nói đơn vị nào tốt thì rất khó và sẽ là không công bằng.
MC: Xin hỏi ThS. Nguyễn Hoàng Phúc, được biết ông là một trong những người trực tiếp tham gia xây dựng dự án Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được Quốc hội thông qua năm 2006, xin Ông cho biết, theo quy định của pháp luật, người hiến tạng khi còn sống hoặc sau khi chết được Nhà nước tôn vinh như thế nào?
ThS. Nguyễn Hoàng Phúc: Đây là câu hỏi rất thực tiễn và được quan tâm. Có 1 nguyên tắc chung trên thế giới là bất kì người hiến tạng đó là ai cũng đều được tôn vinh. Quy định đó thể hiện trong luật của Việt Nam. Người sống hiện tạng được khám sức khỏe miễn phí, được tặng kỷ niệm chương vì Sức khỏe Nhân dân (SKND), đây là một kỷ niệm rất cao quý, được tặng thẻ BHYT miễn phí suốt đời, và được khám định kỳ miễn phí theo quy định. Ngoài ra, tùy từng đơn vị nhận tạng, sẽ có quy chế riêng.
Với người hiến sau khi chết não thì được truy tặng kỷ niệm chương vì SKND. Điều này thể hiện sự tôn vinh của xã hội, nhà nước với những nghĩa cử cao đẹp. Mặc dù người hiến tạng không đòi hỏi những danh hiệu đó, nhưng dưới góc độ của Nhà nước, ngành y tế, nó phù hợp với pháp luật và đạo lý Việt Nam.
MC: Xin chào bác sĩ. Anh trai tôi năm nay 47 tuổi, mắc bệnh suy thận nhiều năm nay, liệu anh trai tôi có thể dùng thận của con trai anh ấy 17 tuổi được không? Qua tìm hiểu, tôi được biết nếu trẻ dưới 18 tuổi mà hiến tạng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe phải không?
GS.TS. Nguyễn Quốc Kính: Theo tôi được biết thì không có giới hạn tuổi tác của người hiến tạng. Vấn đề ở đây là về pháp lý, tức là trên 18 tuổi thì công dân mới đủ hiểu biết trên tất cả các mặt trong đó có ý nguyện hiến tạng. Ở nước ngoài trẻ em khi chết não muốn lấy tạng phải hỏi ý kiến gia đình còn công dân 18 tuổi trở lên, khi hiến tạng chỉ cần thẻ đồng ý hiến tạng, không cần ý kiến của gia đình.
MC: Khi ghép tạng từ người sống thì người hiến sẽ bị mất một phần cơ thể, còn người được hiến sẽ phải sử dụng thuốc chống thải ghép suổt đời để duy trì sự sống cũng như hoạt động của bộ phận cấy ghép. Xin hỏi PGS.TS. Hà Phan Hải An, trong quá trình ghép tạng từ người sống, liệu có nguy cơ gì đến sức khỏe người hiến cũng như người được hiến không?
PGS.TS. Hà Phan Hải An: Kể cả chúng ta hiến hay nhận đều có nguy cơ. Ngay cả người hiến tạng vẫn chưa chú trọng chăm sóc sức khỏe bản thân. Nếu họ hiến sống thì có nguy cơ suy thận vì vậy quy chuẩn lựa chọn rất là chặt chẽ. Vì vậy khi làm việc phải thận trọng để hạn chế rủi ro cho người hiến. Với người nhận thì phải điều chỉnh để giữ tạng. Họ cũng có biến chứng khi sử dụng thuốc chống miễn dịch đi kèm nhiều nguy cơ như: tim mạch. Chắc chắn phải có một nhóm các chuyên gia y tế để chăm sóc cho họ. Hiện nay gần 30% nhóm bệnh nhân nhận thận bị tử vong khi thận vẫn hoạt động tốt.
MC: Tính đến thời điểm này, nước ta đã thực hiện được 1.251 ca ghép tạng thành công và có những ca ghép đa tạng đều mang lại kết quả tích cực. Vậy thưa GS.TS. TTND. Trịnh Hồng Sơn, ông đánh giá thế nào về tình hình ghép tạng tại Việt Nam ạ? Xét về trình độ kĩ thuật, chúng ta có thể sánh vai với các nước tiên tiến trên thế giới không?
GS.TS. TTND. Trịnh Hồng Sơn: Tôi có thể khẳng định thành tựu đạt được chưa sánh được với thế giới, nhưng một số ca có thể ngang bằng như ghép gan, ghép tim vì không phải trung tâm nào trên thế giới cũng làm được. Có những ca chết não, chúng tôi tiến hành lấy tạng, chỉ trong một ngày thôi, chúng tôi tiến hành thực hiện phẫu thuật: GS Kính thì gây mê hồi sức, PGS An chuẩn bị trước mổ... Ê kíp đó đến các bạn thế giới cũng khen ngợi. Nhưng không phải vì điều khen đó mình cho rằng mình ngang tầm.
Ngành Y tế đã chuẩn bị rất tốt. 3 bước quan trọng nhất: chẩn đoán, điều trị, tổ chức ghép. Chuẩn bị người cho, chuẩn bị người nhận, chuẩn bị nhân lực kỹ thuật theo dõi và chăm sóc sau ghép chúng ta chuẩn bị rất tốt. Tóm lại chỉ còn khâu là người cho, vì không có nguồn cho. Như vậy thành tựu của chúng ta rất đáng tự hào, sắp tới sẽ có chương trình ghép phổi.
MC: Xung quanh việc hiến tạng từ người đã mất còn có những khái niệm còn chưa được hiểu hết. Chúng ta vẫn thường nghe đến thuật ngữ 'chết não' trong y học như 'Một cơ thể bị chết não có thể ghép cho khoảng 10 bệnh nhân', hay 'Mỗi năm tại bệnh viện Chợ Rẫy có khoảng 1.000-1.500 bệnh nhân chết não vì chấn thương sọ não'. Như thế nào gọi là chết não? Liệu chết não có phải chỉ là trạng thái tim ngừng đập không? Đối với người chết não thì thời điểm nào chúng ta có thể hiến tạng, thưa GS?
GS.TS. TTND. Trịnh Hồng Sơn: Pháp luật đã quy định thế nào là chết não. Chết não là hôn mê sâu, không phản xạ và ngừng thở, về lâm sàng. Tóm lại chẩn đoán chết não thì các tỉnh chẩn đoán được hết. Khi chết não, ở Việt Nam cũng như thế giới chưa trường hợp nào chẩn đoán nhầm cả, lúc thời điểm chết não đến lúc chết thật từ 24 – 36h. Theo tôi, nếu chẩn đoán chết não tốt thì điều trị những cái khác rất tốt.
GS.TS. Nguyễn Quốc Kính: Có 2 lọại chết: Chết lâm sàng và chết sinh học. Trong chết sinh học chia ra chết tim và chết não (tim vẫn hoạt động). Chết não dù hồi sức tích cực đến bao nhiêu thì vẫn không cứu được. Theo nghiên cứu của chúng tôi, từ lúc chẩn đoán chết não đến lúc lấy tạng càng sớm càng tốt. Cũng có thể trong vòng 36 tiếng hoặc hơn, vẫn có thể lấy tạng được với điều kiện phải hồi sức cho tạng ghép đó được tốt. Chết não là chết hẳn, không thể nhầm lẫn được. Ngoài ra có các biện pháp cận lâm sàng để chẩn đoán không có hoạt động của não.
MC: Thưa PGS.TS. Hà Phan Hải An, là một bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thận – lọc máu. Trong quá trình trực tiếp điều trị cho bệnh nhân và phẫu thuật các ca ghép thận, chắc hẳn đã có những khó khăn, ví dụ như bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, trong hoàn cảnh đó, bà và ê kíp đã vượt qua như thế nào ạ? Bà có thể chia sẻ cho chúng tôi được không?
PGS.TS. Hà Phan Hải An: Thực sự là tôi không hiểu mình đang dấn thân vào cái gì khi chọn nghề này. Công việc là cái nuôi sống chúng ta, người ta làm việc để sống và khi tôi sống được với nghề của tôi thì đó là niềm tự hào. Trong khi làm việc, mình mới bắt đầu yêu công việc. Với nghề y cần có lòng đam mê, đó là yếu tố rất cần thiết để chúng ta tiếp tục trên con đường khó khăn này. Điều giúp chúng tôi vượt qua được đó chính là bệnh nhân của chúng tôi. Nhìn thấy bệnh nhân khỏe mạnh là động lực cho chúng tôi. Không phải nghề nào cũng có được niềm vui đó.
Nghề y là một nghề nguy hiểm, vất vả nhưng lại mang trong đó động lực vô hình. Con gái làm nghề y cũng khó khăn, phải hài hòa. Nhưng đôi khi có những cái phải gạt bỏ vì công việc. Để toàn tâm toàn ý cho công việc thì chắc chắn phải có gia đình hỗ trợ, đó là chỗ dựa cho chúng tôi tiến bước. Khi làm việc có nhiều trường hợp bệnh nhân khó khăn, chúng tôi thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều người, đó cũng là lý do giúp chúng tôi có động lực làm việc hơn.
MC: Thưa GS.TS. TTND. Trịnh Hồng Sơn, trong quá trình phẫu thuật cho bệnh nhân, chắc hẳn ông cũng gặp những câu chuyện cảm động. Vậy ông có thể chia sẻ một câu chuyện mà ông nhớ nhất được không?
GS.TS. TTND. Trịnh Hồng Sơn: Hầu như bệnh nhân nào tôi cũng nhớ. Vì mỗi bệnh nhân tôi điều trị đều ghi lại tên tuổi để theo dõi cho đến khi bệnh nhân mất. Đó là trách nhiệm của mình. Có chuyện gần đây nhất, khi vào miền Nam lấy tạng từ người chết não. Nhiều nhà báo phật lòng khi tôi nói vấn đề mổ lấy tạng không có gì to tát cả.
Bất cứ một ca phẫu thuật nào tôi cũng nghĩ đến sẽ có thể bệnh nhân kiện phải làm thế nào. Giả sử bệnh nhân chết, phải tính từ khi lấy tạng khỏi cơ thể đến khi ghép phải trong vòng 8 tiếng. Trước khi đi, chúng tôi phải căn thời gian di chuyển, thời gian bảo quản tạng... Vì thế, công ghép ở đây không phải do chúng tôi mà là công lao của toàn thể hệ thống. Bởi nếu máy bay chậm, chúng tôi phải di chuyển bằng máy bay khác, nếu quá thời gian, cái tạng đó cũng mất. Thế nên đưa chúng tôi lên thì hoàn toàn phản cảm, tôi không thích điều đó. Như vậy công ghép ở đây không phải do chúng tôi mà là toàn thể các anh chị em hỗ trợ.
Thu Hiền (Hà Nội): Xin chào các chuyên gia, tôi được biết một ca ghép thận thành công có thể kéo dài sự sống 30-40 năm nếu được chăm sóc đúng cách hoặc ngược lại nếu không được theo dõi tốt, thì quả thận đó chỉ tồn tại được vài năm, thậm chí ít hơn. Tôi có người nhà được ghép thận cách đây hơn 1 năm. Xin Bác sĩ cho tôi hỏi, ngoài việc lọc máu hàng ngày việc uống thuốc chống thải ghép hàng tháng tôi cần có phương pháp chăm sóc như thế nào để người nhà tôi sống khỏe mạnh?
PGS.TS. Hà Phan Hải An: Nó cũng ảnh hưởng đến cơ địa người nhận thuốc men, môi trường, địa lý. Cho nên để xác định tuổi thọ của tạng thì có nhiều cái tác động. Tuy nhiên, thời gian sống trung bình là không phải cao. Có người vài chục năm, có người vài năm. Nếu những tổn thương sau phẫu thuật phát hiện muộn thì không thể chữa được. Ở nước ta, các vấn đề về nhiễm trùng sử dụng thuốc men khiến thận tổn thương. Điều này phụ thuộc vào sự nhạy cảm của thầy thuốc. Nếu bạn có điều kiện chăm sóc thì tuổi thọ tạng sẽ kéo dài lâu hơn.
MC: Xin được hỏi GS.TS. Nguyễn Quốc Kính, trong nhiều năm qua, các ca ghép tạng của nước ta đa phần vẫn là từ người còn sống, vậy thì việc lấy tạng từ người còn sống có những hạn chế gì?
GS.TS. Nguyễn Quốc Kính: Nguyên tắc cơ bản đầu tiên là ưu tiên người cho hơn người nhận. Nguyên tắc không gây hại cho người nhận. Theo nguyên tắc đó thì không có biến chứng với người hiến thận và gan. Phải sàng lọc trước khi lấy để đảm bảo sức khỏe cho cả 2 phía.
MC: Trong trường hợp người hiến tạng có thể hiến tạng mà người nhà không đồng ý thì bác sĩ sẽ giải quyết ra sao? Liệu chúng ta đã có một hành lang pháp lý rõ ràng nào cho việc hiến tạng đối với người đã chết não không?
ThS. Nguyễn Hoàng Phúc: Nước ta quy định người đủ 18 tuổi, đủ năng lực hành vi có quyền hiến tạng sống. Trên thực tế, nếu gia đình phản đối thì thường không thực hiện được. Nếu gia đình không biết thì tâm nguyện của chị sẽ không thực hiện được.
Ngay sau khi luật hiến ghép ra đời, tôi suy nghĩ nếu hiến đi giác mạc thì sang thế giới bên kia không nhìn được. Nhưng sau đó tôi tiếp xúc với nhiều nhà sư nhận ra, trong giáo lý của đạo phật không có tư tưởng nào chết là toàn thây, đó là nghĩa cử cao đẹp, là hành động nên làm. Như vậy có thể chắc chắn rằng quan niệm tâm linh đó hãy để các nhà tâm linh họ nói về vấn đề này, họ đều khẳng định nó phù hợp với giáo lý đạo phật và là nghĩa cử cao đẹp.
MC: Không phải ai cũng có đủ bản lĩnh để vượt qua được sức ép từ gia đình, dòng họ, rồi quan niệm về tâm linh… để có thể hiến tặng thể xác của mình. Có thể nói quan niệm về tâm linh không thể thay đổi một sớm một chiều. Vậy xin hỏi GS.TS. Nguyễn Quốc Kính, GS có chia sẻ gì với người dân về vấn đề này không?
GS.TS. Nguyễn Quốc Kính: Gần như không có đạo nào không ủng hộ việc ghép tạng cả. Cho nên về vấn đề tâm linh không ảnh hưởng việc ghép tạng. Nhưng việc hiến tạng thì gặp nhiều rào cản. Nhà nước ta có chính sách tôn vinh người hiến tạng để xóa bỏ rào cản. Trước hết ảnh hưởng đến gia đình hiến tạng.
Năm 2010, 1 bệnh nhân chết não, chúng tôi phát hiện người này có em ruột đang chạy thận nhân tạo, dù mẹ, họ hàng đồng ý nhưng người bố không đồng ý khiến người em chạy thận cũng không sống lâu được. Như vậy chính rào cản trong gia đình cũng là một vấn đề cần được khắc phục. Cùng truyền thống Á Đông, cùng đạo Phật nhưng Hàn Quốc xem hiến tạng là việc bình thường và rất tự hào về việc đó.
Phạm Hải Nam, 42 tuổi - TP Biên Hòa, Đồng Nai: Xin chào PGS.TS Hà Phan Hải An. Tôi năm nay 42 tuổi đã ghép thận cách đây gần 20 năm, việc ghép thận đã cho tôi có cuộc sống hồi sinh kỳ diệu sau khi bị suy thận mãn và chạy thận nhân tạo. Tôi thấu hiểu giá trị vô cùng to lớn của việc ghép tạng, đã đưa lại cho bản thân tôi và gia đình tôi một cuộc sống ý nghĩa của một người từ cõi chết trở về, từ đó đến nay tôi đã trở về hòa nhập với cuộc sống bình thường, sống có ích cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, hiện nay qua khám định kỳ tôi thấy các chỉ số Urê đã tăng lên 21 micro mol, Creatinin lên 560 micro mol. Vậy tôi có thể điều trị bảo tồn đến khi nào thì có thể ghép lại lần thứ 2 được. Tôi xin cám ơn PGS. Kính chúc sức khỏe.
PGS Phan Hà Hải An: Vì tôi không khám trực tiếp nên tôi không có được các thông số cụ thể nhưng tôi nghĩ cũng đến giai đoạn cần ghép lại, nếu anh có điều kiện người hiến và đáp ứng tiêu chí về kỹ thuật và chuyên môn. Trong trường hợp anh chưa có điều kiện thì nên tìm bác sĩ chuyên khoa để tư vấn và điều trị để duy trì cuộc sống.
Người ghép rồi mà quay lại lọc máu thì có rất nhiều hạn chế, khiến người bệnh mệt mỏi nhưng nó giúp người bệnh cải thiện cuộc sống đáng kể. Không phải lúc nào chúng ta cũng nhất nhất rằng phải ghép thận, người ta có thể sống bằng chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng Bây giờ kĩ thuật tiên tiến. Anh nên đến khám bác sĩ thận học để được đánh giá chi tiết.
Hương Ly (Hà Nội): Chồng em năm nay 34 tuổi, phát hiện suy thận giai đoạn cuối từ tháng 03/2015, hiện đang điều trị chạy thận nhân tạo tại bệnh viện Thống Nhất, TPHCM. Đợt siêu âm định kỳ gần đây thì phát hiện thêm tim bị hở van 2 lá nhẹ. Cho em hỏi, em có thể liên hệ với những nguồn hiến thận ở đâu, và em có thể tiếp cận với những chương trình hỗ trợ hay chia sẽ chi phí ghép thận nào không? Thực sự gia đình em không đủ khả năng. Em xin cám ơn.
GS.TS. TTND. Trịnh Hồng Sơn: Đầu tiên phải có chỉ định ghép thì mới có bước thứ 2. Em có thể đến Bệnh viện Chợ Rẫy hoặc trung tâm chờ ghép quốc gia. Bạn hãy đến bệnh viện đăng ký, nếu có chỉ định ghép thì mới ghép. Về kinh phí, bạn có thể liên hệ với chúng tôi để công bố tìm tài trợ.
Văn Sơn (Thanh Hóa: Thưa GS.TS. Trịnh Hồng Sơn, tôi được biết tháng 11/2014, bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM chính thức phát hành thẻ hiến tạng đầu tiên trong cả nước, mở rộng nguồn cho tạng đến hơn chục ngàn người đang chờ ghép tạng. Vậy việc phát hành thẻ hiến tạng có ý nghĩa như thế nào với những người bệnh đang chờ được ghép tạng? Có phải ai có thẻ hiến tạng cũng sẽ hiến được tạng không? Hiện nay, thẻ hiến tạng đã được phát hành trên toàn quốc chưa?
GS.TS. TTND. Trịnh Hồng Sơn: Pháp luật quy định nếu muốn hiến tạng thì đến cơ sở đăng ký. Theo tôi, nếu dân hiểu thì cầm thẻ hay không không quan trọng. Nếu chết não bệnh viện có hệ thống có lấy tạng không, nếu được thì tiến hành. Việc phát thẻ chỉ mang tính chất thông báo. Cái này trên tinh thần ý thức của người dân, chứ pháp luật quy định rồi.
- Dịch bệnh không chừa một ai, điểm khác giữa mắc Covid-19 và... (Chủ nhật, 20:19:03 16/05/2021)
- 6 cơn đau thường gặp báo hiệu cơ thể đang gặp nguy hiểm, bị... (Thứ bảy, 12:57:05 08/05/2021)
- 7 dấu hiệu ở bàn chân cảnh báo cơ thể đang gặp nguy, cần... (Thứ sáu, 16:40:02 07/05/2021)
- 5 dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư tuyến tụy chớ dại bỏ qua (Thứ Ba, 15:28:09 04/05/2021)
- Cơ thể có 5 dấu hiệu này chứng tỏ bạn đang thiếu vitamin C,... (Thứ bảy, 10:43:08 01/05/2021)
- Chân sưng phù: Đừng xem thường bởi đó là dấu hiệu của 7... (Thứ bảy, 21:06:08 24/04/2021)
- 2 món không ăn buổi sáng, 2 thứ không đụng buổi tối, 3 điều... (Thứ Ba, 08:40:07 20/04/2021)
- Buổi sáng ngủ dậy thấy 4 việc này chứng tỏ bệnh gan bạn... (Chủ nhật, 08:30:01 18/04/2021)
- Tê tay tưởng chuyện thường nhưng cẩn thận, đó là dấu hiệu... (Thứ năm, 13:21:02 15/04/2021)
- Đừng coi thường dấu hiệu cứng ngón tay, rất có thể đó là... (Thứ bảy, 08:32:09 10/04/2021)
-
Đồ Chơi Pop it bóp bóp Bấm Nút Bóp Bóng - Pop It
Thứ tư, 20:15:09 15/02/2023
-
Đồ chơi bộ hộp sét 6 món ô tô máy bay chạy cót xịn xò
Thứ Hai, 18:18:03 13/02/2023
-
Máy gắp thú bông cho bé cỡ lớn BBT GLOBAL
Chủ nhật, 15:54:04 12/02/2023