Bệnh tả và 4 nguyên tắc phòng bệnh tả hiệu quả tại nhà

Tả là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, với các triệu chứng chính là tiêu chảy, nôn, mất nước, rối loạn điện giải, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Bệnh có thể lây lan nhanh và gây thành dịch lớn, nhất là ở những khu vực dân cư đông người, sử dụng chung nguồn nước ăn uống, sinh hoạt.

Nguyên nhân gây bệnh là do phẩy khuẩn tả bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn Phẩy khuẩn tả có thể tồn tại lâu ở vùng nước lợ ở cửa sông hay ven biển. Trong nước vi khuẩn tả sống ký sinh chủ yếu ở các loài động, thực vật thủy sinh phù du như rong, tảo, đặc biệt ở các động vật giáp xác như tôm, cua, sò, ốc, hến...

Những người có nguy cơ cao dễ mắc tả: Những người tiếp xúc gần gũi, cùng ăn uống sinh hoạt với bệnh nhân tả; Dân cư tại những khu vực sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, đổ thẳng phân ra cống, mương, ao, hồ, sông, suối... Sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm; Có tập quán ăn uống không hợp vệ sinh, hay ăn rau sống thủy hải sản chưa nấu chín kỹ; Sử dụng phân tươi trong trồng trọt; Dân cư tại khu vực cửa sông, ven biển, vùng bị ngập lụt và sau ngập lụt...

Một số triệu chứng chính của bệnh: Là các triệu chứng nhiễm khuẩn cấp tính đường tiêu hóa: đầy bụng sôi bụng; tiêu chảy liên tục, nhiều lần, lúc đầu phân lỏng, sau toàn nước, nước đục như nước vo gạo; nôn, lúc đầu nôn ra thức ăn, sau chỉ nôn ra toàn nước trong hoặc màu vàng nhạt; người mệt lả, có thể bị chuột rút biểu hiện tình trạng mất nước từ nhẹ đến nặng như: khát nước da khô nhăn nheo, hốc hác, mắt trũng, mạch nhanh huyết áp hạ, có khi không đo được huyết áp tiểu tiện ít hoặc vô niệu chân tay lạnh...

Cách phòng bệnh tả

Tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường:

- Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Mỗi gia đình nên có một nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi, xây dựng tập quán đi tiêu đúng nơi quy định, xử lý và sử dụng phân người đúng cách. Nếu gia đình có bệnh nhân bị tiêu chảy thì cần rắc vôi bột hoặc cloramin B sau mỗi lần đi tiêu.

- Bảo đảm vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh.

- Hạn chế ra vào vùng đang có dịch.

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm:

- Mọi người, mọi nhà đều thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã.

- Không ăn rau sống khi trong vùng đang có dịch.

- Không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, các thức ăn còn sống như mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh, nem chua...

- Chọn mua thức ăn từ nguồn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đã được kiểm định.

- Các thức ăn đã nấu chín hoặc thức ăn còn dư, để từ bữa trước sang bữa sau phải được bảo quản tốt;  nếu chỉ sử dụng ngay sau một thời gian ngắn thì đậy lồng bàn, để nơi mát, thoáng gió; nếu muốn để lâu (vài tiếng trở lên) thì phải cho vào tủ lạnh, lưu ý tủ lạnh phải để ở mức độ đủ lạnh cần thiết.

- Rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn để đảm bảo không làm nhiễm mầm bệnh từ tay bẩn vào thức ăn.

- Hạn chế tập trung ăn uống đông người như ma chay, đám giỗ, cưới xin, liên hoan... trong vùng đang có dịch.

Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch:

- Nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của các gia đình phải được bảo vệ sạch sẽ, có nắp đậy, không để nguồn nước bẩn từ bên ngoài như ao, hồ, sông, suối... chảy vào.

- Ở những nơi không có nước máy mà đang có dịch tiêu chảy thì tất cả nước ăn uống đều phải được sát khuẩn bằng cloramin B.

- Cấm đổ phân, chất thải, nước giặt rửa và đồ dùng của người bệnh xuống giếng, ao, hồ, sông, suối...

Khi có người bị tiêu chảy cấp:

Phải báo cáo và đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời, không được để bệnh nhân ở nhà hoặc mua thuốc tự điều trị vì có thể nguy hiểm đến tính mạng và làm lây lan bệnh dịch sang cho gia đình và cộng đồng.

Cách xử lý nguồn nước ăn uống và nước sinh hoạt khi có dịch

- Xử lý nguồn nước ăn uống và nước sinh hoạt trong khu vực có dịch bằng các hợp chất chứa clo theo đúng hướng dẫn và nồng độ quy định để đạt nồng độ clo dư từ 0,3-0,5mg/1 lít nước. Trong trường hợp xử lý nguồn nước bằng bột cloramin B hàm lượng 25 - 30%, cần dùng với nồng độ 10mg/lít. Lưu ý: nước đã khử trùng bằng clo vẫn phải đun sôi mới được uống.

- Nước ăn uống, rửa bát đĩa và các đồ đựng thực phẩm phải dùng nguồn nước đã khử trùng bằng clo và đảm bảo không bị nhiễm bẩn lại sau khi đã khử trùng.

- Ở các khu vực thành thị cần kiểm tra chặt chẽ hệ thống đường ống dẫn nước máy đảm bảo nồng độ clo dư trong nước máy cuối nguồn (đến các hộ gia đình) đúng tiêu chuẩn quy định là 0,3- 0,5mg/lít.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật