Biểu hiện và nguyên nhân dẫn đến hội chứng ngừng thở khi ngủ

Bệnh nhân nam, 54 tuổi, nhập viện với lý do mệt mỏi, căng thẳng do mất ngủ thường xuyên. Vợ của bệnh nhân nói rằng khi ngủ bệnh nhân ngáy rất to, tiếng thở nghe rất nặng nhọc và có hay có những cơn ngừng thở khi đang ngủ khiến bệnh nhân thức giấc liên tục nhiều lần trong đêm. Huyết áp bệnh nhân là 185/90 mmHg. Bệnh nhân có thể trạng béo phì và vòng cổ là 47,9cm. Bệnh nhân này được chẩn đoán là bệnh gì và xử trí như thế nào?

Hội chứng ngừng thở khi ngủ là gì?

Hội chứng ngừng thở khi ngủ (NTKN) là một thể rối loạn giấc ngủ biểu hiện bằng các cơn ngừng thở hoặc các nhịp thở chậm bất thường xảy ra trong khi ngủ. Các cơn ngừng thở có thể kéo dài từ vài giây đến hàng phút hoặc hơn và xảy ra từ 5 đến trên 30 lần/giờ. Các cơn nhịp thở chậm bất thường còn được gọi là hiện tượng giảm thông khí khi ngủ.

Hội chứng NTKN gặp vào khoảng 4% ở nam và 2% ở nữ (độ tuổi 30 - 60) và tần suất mắc bệnh còn cao hơn ở lứa tuổi trên 60 và ở người béo phì Hội chứng này tuy không mang tính chất cấp tính nhưng lại khiến bệnh nhân mệt mỏi, suy nhược và mang mặc cảm tự ti do khi ngủ gây ồn ào ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Biểu hiện của cơn ngừng thở khi ngủ

Bệnh nhân có hội chứng NTKN thường không được phát hiện cho đến khi có các biểu hiện do rối loạn giấc ngủ gây ra như mệt mỏi ngủ gà gật ban ngày đau đầu chóng mặt giảm hoặc mất tập trung, giảm hoặc mất khả năng làm việc trí óc ăn uống kém, sụt cân. Biểu hiện trong khi ngủ các cơn ngừng thở bất thường sau lại thở nhanh dồn dập kèm theo ngáy to hoặc biểu hiện thở ằng ặc nghe rất khó nhọc khi ngủ. Bệnh nhân thường bị thức giấc nhiều lần trong đêm nếu cơn ngừng thở kéo dài và điều này gây mất ngủ liên tục, kéo dài.

Chẩn đoán hội chứng NTKN dựa vào các biểu hiện lâm sàng ban ngày và theo dõi tần xuất các cơn ngừng thở khi ngủ về đêm. Việc xác định cơn ngừng thở theo chỉ số rối loạn hô hấp - (là số lần rối loạn nhịp thở trong một giờ khi ngủ) các mức độ được tính: nhẹ nếu số lần rối loạn nhịp thở nhỏ hơn 5, trung bình là từ 5 đến 30 lần và nặng nếu trên 30 lần/giờ.

Cũng có thể xác định cơn ngừng thở khi ngủ bằng chỉ số ngừng thở - thở chậm (là tần suất các cơn ngừng thở - thở chậm/giờ, xuất hiện trong khi ngủ, các mức độ nhẹ, trung bình và nặng cũng được tính tương tự như trên. Cũng có thể theo dõi nồng độ ôxy máu trong khi ngủ để xác định chẩn đoán

Tại sao khi ngủ lại có cơn ngừng thở?

Hội chứng NTKN có ba nhóm nguyên nhân chính. Nguyên nhân hay gặp nhất là do tắc nghẽn. Nhóm nguyên nhân này thường gặp ở nam giới béo phì tiến triển theo tuổi và nguy cơ càng cao hơn nếu kèm các bệnh như tăng huyết áp tim mạch đái tháo đường ở bệnh nhân nghiện thuốc lá. Nguyên nhân thứ hai hay gặp là nguyên nhân trung ương (tại não).

Ở những bệnh nhân thuộc nhóm nguyên nhân này có sự giảm hoặc mất kiểm soát của trung tâm hô hấp trong việc điều hòa nhịp thở thông qua nồng độ CO2 máu.   Bệnh nhân có cơn ngừng thở cho đến khi nồng độ CO2 tăng cao trong máu và sau khi CO2 được đào thải bớt thì bệnh nhân lại tiếp tục có cơn ngừng thở, đây còn được gọi là nhịp thở Cheyne – Stokes. Nhóm nguyên nhân thứ ba là nhóm nguyên nhân vừa có tắc nghẽn, vừa có nguyên nhân trung ương.

Điều trị hội chứng NTKN thế nào?

Điều trị hội chứng NTKN tùy thuộc vào mức độ của bệnh. Với mức độ nhẹ (RDI hay AHI nhỏ hơn 5), bệnh nhân được khuyến cáo là nằm nghiêng khi ngủ. Điều này giúp cho khối lưỡi được đẩy ra phía trước không chèn vào đường thở. Bệnh nhân cũng nên tránh uống rượu tránh sử dụng các thuốc an thần gây ngủ, bỏ thuốc lá giảm cân và điều trị tốt các bệnh mạn tính đang mắc.  

Với những bệnh nhân ở mức độ trung bình và nặng (RDI hay AHI lớn hơn 5), phương thức điều trị chủ yếu là cho bệnh nhân thở áp lực dương liên tục (CPAP) nhằm giúp dường thở không bị tắc nghẽn khi ngủ. Biện pháp điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ các tổ chức mỡ thừa quanh vùng hầu họng, cắt bỏ các amidan phì đại, sửa các dị tật đường hô hấp trên… cũng được tiến hành để cải thiện tình trạng lâm sàng cho bệnh nhân.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật