Hãy bơi để phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe cho bạn trong mùa hè

Mùa hè lại đến với biết bao dự định, hoạt động, kỳ nghỉ thú vị cho mỗi người. Một trong những hoạt động được ưa thích nhất khi hè ở mọi lứa tuổi là đi bơi. Đó không chỉ là niềm vui sướng được ngâm mình trong làn nước mát mà bơi lội còn mang đến những tác dụng chữa bệnh tuyệt vời.

Khi bơi lội chúng ta ngâm mình trong nước, nước tác động lên các cảm thụ thể trên da làm tăng hoạt tính của các dòng điện sinh học, làm cho các tế bào thần kinh hoạt động mạnh hơn. Sức nóng của ánh nắng trên mặt nước và độ mát của nước luân phiên nhau tác dụng trực tiếp lên da kích thích thần kinh và các chức phận trong cơ thể, làm cân bằng các quá trình hưng phấn và giảm ức chế của vỏ não, mau chóng loại bỏ những dấu vết mệt mỏi do làm việc trí óc căng thẳng tinh thần phấn chấn, minh mẫn. Do đó, bơi lội giúp cho cơ thể khỏe mạnh, tăng cường sức chống đỡ, tăng tính thích nghi với mọi sự thay đổi của thời tiết và hoàn cảnh sống.

 

Kiềm chế quá trình thoái hóa khớp

Trong khi bơi do phải trườn người lên phía trước, phải vận động lớn toàn bộ hệ thống cơ bắp giúp cho các cơ bắp dẻo dai săn chắc, ngực nở nang. Khi bơi hầu như các khớp ở chân và cột sống không chịu tác động của trọng lượng cơ thể, sự vận động điều hoà của các cơ lưng vai sẽ kéo căng cột sống giữ cho cột sống luôn ở tư thế sinh lý bình thường, các đốt sống cũng được chun giãn tốt làm cho cột sống tăng tính đàn hồi linh hoạt, các nhóm cơ lưng được củng cố, các khớp được nuôi dưỡng tốt hơn. Qua đó, nếu bơi lội được thường xuyên sẽ có thể kiềm chế quá trình thoái hóa ở khớp, giảm tần xuất tái phát của bệnh. Đặc biệt, người cao tuổi hay bị đau lưng thì bơi lội là phương pháp lý tưởng để giảm đau

Cải thiện cơ quan hô hấp và tim mạch

Bơi lội làm phổi khỏe lên rõ rệt. Do áp lực của nước lên ngực người bơi làm hạn chế động tác hít vào thở ra cho nên cần phải thở mạnh, giúp phát triển hệ thống hô hấp và làm tăng dung tích sống của phổi. Nhiều vận động viên bơi lội có dung tích này tăng hơn bình thường từ 1,5 - 2 lít. Dung tích sống của phổi càng cao, khả năng lao động càng bền bỉ, vận động càng nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho hô hấp và làm giảm các cơn hen phế quản nhất là đối với người nghiện thuốc lá

Bơi lội cũng là phương pháp tốt để điều hòa huyết áp tuần hoàn máu tốt hơn. Theo BS. Jousselin, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc gia về thể dục (Pháp) thì khi bơi cơ thể nằm thẳng dưới nước sẽ làm cho máu từ chân về tim não tốt hơn. Chính vì thế mà mùa hè đi bơi sẽ tránh được các bệnh tim mạch Các chuyên gia tim mạch cho biết, về mùa hè số người đi bơi tăng thì số người khám hoặc cấp cứu vì bệnh tim mạch giảm hẳn đi.

Đối với những người quá mập, bơi lội là một phương pháp tuyệt vời. Do lực cản và tính chất dẫn nhiệt của nước lớn nên tiêu hao năng lượng khá cao (gấp khoảng 4 lần so với đi bộ cùng tốc độ) nên nó cũng có tác dụng tốt giảm trọng lượng thừa của cơ thể, chống béo phì

Đừng để lợi bất cập hại khi đi bơi

Bơi lội tuy rất tốt cho sức khoẻ nhưng để an toàn cũng phải lưu ý một số vấn đề sau:

Sau khi lao động mồ hôi đang ra nhiều không nên nhảy xuống nước bơi lội ngay, vì dễ bị cảm lạnh đột ngột; thậm chí có thể bị ngất xỉu mà trong nhân dân gọi là “trúng nước”. Nguyên nhân do cơ thể không kịp phản ứng trước sự thay đổi nhiệt độ nóng, lạnh quá bất ngờ. Đây là lý do chính làm cho người biết bơi cũng bị chết đuối ngay ở chỗ nước nông. Khác với những người bị chết đuối do phổi đầy nước, những người bị “trúng nước” đã bị ngất trước rồi sau mới bị ngạt thở Bởi vậy, nếu đang ra nhiều mồ hôi nên nghỉ ngơi ít phút cho đến khi hết mệt, người ráo mồ hôi hãy xuống nước bơi lội. Khi xuống nước cần vận động nhẹ nhàng vài phút cho cơ thể thích nghi với nước mát rồi hãy bơi. Thời gian tắm và bơi lâu hay mau là tuỳ theo sức khoẻ từng người. Nhưng nên ngừng bơi khi cảm thấy mệt mỏi hoặc người nổi gai ốc vì lạnh.

Để tránh chuột rút (vọp bẻ) trong khi tắm không nên bơi quá lâu, vận động quá sức, quá mạnh, chân đạp nước quá nhiều, đề phòng cơ bắp dễ bị co cứng (chuột rút) đột ngột.

 

Người bệnh tăng huyết áp có thể bơi lội nhưng chỉ bơi nhẹ nhàng, nước hồ hơi mát, không lạnh để tránh co mạch ngoại vi đột ngột làm tăng huyết áp Không tắm nắng kéo dài. Với một số trường hợp bệnh nặng cần phải được khám bệnh và có sự theo dõi, hướng dẫn chu đáo của thầy thuốc trước khi luyện tập bằng bơi lội.

Để việc bơi lội có hiệu quả chữa bệnh và tăng cường sức khoẻ tập luyện phải thường xuyên, liên tục, ít nhất là 3 buổi/tuần. Cần lượng sức mình, không nôn nóng, nâng dần thời gian mỗi buổi tập cho phù hợp với sức khỏe

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật