Mắc chứng sốc phản vệ, phù phổi cấp do lạm dụng dịch truyền

Dịch truyền là một loại thuốc đặc biệt được sử dụng cho cơ thể khi thật cần thiết và phải có chỉ định của bác sĩ điều trị và được thực hiện ở cơ sở y tế có đủ điều kiện theo quy định. Vì vậy, không được lạm dụng dịch truyền dù bất cứ loại nào, bởi vì, nếu không dùng đúng có thể có hại cho cơ thể, thậm chí gây nguy hiểm chết người.

Bản chất của dịch truyền là gì?

Dịch truyền là những dung dịch thuốc vô trùng dùng để tiêm truyền nhỏ giọt vào tĩnh mạch với khối lượng lớn. Dịch truyền bao gồm dung môi và dược chất được hòa tan thành thể lỏng, có thể ở dạng ưu trương hoặc đẳng trương với các chất tương ứng có trong máu. Một số dạng dịch truyền có khá đầy đủ các chất và được dùng thay thế huyết tương hoặc bổ sung vitamin acid amin trong một số trường hợp cần thiết.

Những loại dịch truyền nào thông dụng nhất?

Về mặt lý thuyết dịch truyền có bốn loại thông dụng nhất, đó là:

Loại thứ nhất: Dung dịch dùng để bù nước và chất điện giải như dung dịch natri clorid đẳng trương 0,9%, dung dịch ringer lactate, dung dịch kali clorid 2%... Trong đó, loại thông dụng nhất là dung dịch muối 0,9% (gồm nước và muối ăn), dùng để bù dịch cho cơ thể khi mất nước mất muối. Độ mặn của dịch bằng độ mặn của máu. Hầu như sử dụng trong mọi loại chỉ định đối với tình trạng mất nước, chất điện giải của cơ thể như tiêu chảy bỏng, nôn, sốt cao.

Loại thứ hai: Là dung dịch cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể, như dung dịch glucose đẳng trương 5%, glucose ưu trương 20% hoặc glucose ưu trương 30%. Khi truyền loại dung dịch này nhất thiết phải được chỉ định của bác sĩ vì nếu tự truyền, cơ thể bị thừa và sẽ đào thải hoặc có thể gây bất lợi cho cơ thể. Đối với dung dịch đạm, thành phần gồm nước và acid amin, các loại này được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân suy kiệt, không ăn uống được. Dịch đạm gồm có nhiều loại như alvesin, aminoplasma, anparen, biseko...

Đạm cung cấp protein cho trường hợp bệnh suy dinh dưỡng bệnh nhân bị giảm mức độ protein trong máu, phục hồi sau phẫu thuật... Đạm được bác sĩ chỉ định khi lượng abumin máu và protein máu trong cơ thể bệnh nhân xuống thấp.

Loại thứ ba: Là dung dịch thay thế huyết tương duy trì huyết áp chống trụy tim mạch, như huyết tương khô (plasma sec), dextran, subtosan dược chỉ định sử dụng khi người bệnh mất máu (chấn thương, phẫu thuật…).

Loại thứ tư: Là dung dịch chống toan, kiềm huyết, như natri hydrocarbonat 1,4% được các bác sĩ chỉ định dùng trong các trường hợp toan chuyển hóa

Những nguy hiểm khi lạm dụng dịch truyền

Rõ ràng với các tác dụng dùng trong điều trị, dịch truyền là dạng thuốc rất quý, rất cần thiết trong trường hợp bệnh nặng cần được cấp cứu (có nhiều trường hợp nhờ được truyền dịch kịp thời đã cứu sống người bệnh) hoặc trong trường hợp người bệnh không thể uống thuốc

Tuy nhiên, do có nhiều loại dịch truyền, dùng loại dịch truyền nào sẽ tùy vào từng trường hợp bệnh cụ thể với liều lượng truyền vào trong cơ thể sẽ được cân nhắc tính toán cho từng người, có sự theo dõi của thầy thuốc chứ không phải loại nào cũng truyền được và truyền với bất cứ liều lượng nào, bất cứ đâu (có nghĩa là chỉ được truyền dịch khi có chỉ định của bác sĩ điều trị và truyền tại cơ sở y tế đủ điều kiện cấp cứu để được theo dõi thật cẩn thận của bác sĩ và điều dưỡng) bởi vì truyền dịch có thể gây sốc rất nguy hiểm nếu không cấp cứu đúng, kịp thời. Một số nguy hiểm khi lạm dụng dịch truyền thường gặp là:

Sốc phản vệ: Đây là tai biến nguy hiểm và đáng sợ nhất khi truyền dịch vì nó có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Nguyên nhân do chất lượng dịch truyền hoặc do dụng cụ tiêm truyền không đảm bảo vô khuẩn, tốc độ truyền quá nhanh, đôi khi do cơ địa bệnh nhân mẫn cảm hoặc dị ứng thuốc gây nên. Tai biến này có thể xảy ra ngay khi vừa truyền dịch nên phải dừng truyền ngay khi có biểu hiện tức ngực khó thở huyết áp hạ...

Dị ứng: Do các thành phần trong dịch truyền hoặc do thuốc pha trong đó gây nên với những biểu hiện có thể xảy ra sớm trong khi truyền dịch hoặc muộn hơn sau khi đã truyền xong dịch. Triệu chứng của dị ứng rất dễ phát hiện khi bệnh nhân cảm thấy khó chịu, bứt rứt, nổi mẩn ngứa khu trú hoặc toàn thân...

Phù phổi cấp: Khi truyền một lượng dịch quá nhiều hoặc truyền với tốc độ quá nhanh vào cơ thể tim trái không kịp đẩy dịch ra ngoại biên khiến cho dịch thoát vào phổi, ngăn cản quá trình trao đổi ôxy gây suy hô hấp

Nhiễm khuẩn: nhiễm khuẩn này có thể xảy ra tại chỗ đặt kim truyền hoặc nhiễm khuẩn toàn thân, thậm chí nhiễm khuẩn huyết hết sức nguy hiểm do dịch truyền đã bị vi khuẩn xâm nhập qua bộ dây truyền, chai dịch bị rò rỉ hay sát khuẩn khu vực đặt kim truyền không đảm bảo... Biến chứng này xảy ra muộn hơn, thường là một vài ngày sau khi truyền dịch.

Bên cạnh đó, có những tai biến ít gặp khi truyền dịch nhưng vẫn phải kể đến để người bệnh biết và có sự cân nhắc như chảy máu tụ máu nơi đặt kim truyền; tắc mạch phổi do để khí vào dây truyền; hạ thân nhiệt khi truyền dịch không được làm ấm vào mùa lạnh, tăng đường máu (với dịch có chứa đường), tăng natri máu (với dịch có chứa muối)... ở một số đối tượng bệnh nhân đặc biệt.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật