Nguyên nhân và giải pháp điều trị hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay là biểu hiện của nhiều bệnh liên quan đến khớp, dây thần kinh, điều trị không đúng cách dễ gây biến chứng.

Người trong độ tuổi trung niên, dân văn phòng thường hay cảm thấy tê tay. Đó có thể là triệu chứng của nhiều bệnh, trong đó có hội chứng ống cổ tay Bệnh thường gặp ở những người thường xuyên phải vận động cổ tay nhưng không có chế độ nghỉ ngơi phù hợp. Hội chứng này cũng có thể là biểu hiện của bệnh viêm đa khớp dạng thấp viêm đa dây thần kinh… Vì thế, nắm bắt được những đặc điểm của hội chứng này có thể giúp bạn cải thiện tình trạng sức khoẻ và phòng bệnh.

Đôi điều về bệnh

Hội chứng ống cổ tay là bệnh lý chèn ép của thần kinh ngoại biên Hội chứng ống này được xem là rối loạn thần kinh ngoại vi thường gặp nhất. Khảo sát cho thấy khoảng 3% người trưởng thành tại Mỹ mắc bệnh này. Bệnh gặp ở nữ giới nhiều hơn. Bệnh nhân thường cảm thấy đau buốt, khó chịu nên dễ trằn trọc mất ngủ Về lâu dài, bệnh nhân có thể mất dần cảm giác ở tay và giảm khả năng làm việc.

Nguyên nhân

Bệnh có nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó có thể là do công việc. Ngoài ra, có thể do các đặc điểm bất thường của cơ thể như ống tay nhỏ bẩm sinh, các gân gấp bất thường, bướu mỡ… Nhiễm trùng khớp, bệnh Lyme cũng được xác định là một nguyên nhân gây bệnh. Các bệnh viêm liên quan đến khớp, mô liên kết hoặc bệnh chuyển hoá như tiểu đường nhược giáp cũng gây ra bệnh. Ngoài ra việc mang thai hay bị béo phì cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.

Triệu chứng

Ở mức độ nhẹ, biểu hiện chủ yếu là việc đau tay, tê nhức ở gan bàn tay. Các ngón tay có cảm giác tê buốt như kim châm, đặc biệt ở ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa. Mức độ tê nhức, đau đớn cho thấy biểu hiện của bệnh. Bệnh thường chỉ xảy ra với bên tay thuận, tuy nhiên triệu chứng có thể xuất hiện ở cả hai tay.

Khi bệnh nặng, có sự tổn thương thần kinh, bệnh biểu hiện với triệu chứng teo cơ mô cái. Việc cử động, cầm nắm ở các ngón gặp khó khăn, yếu ớt

Điều trị

Theo thạc sỹ Chu Văn Điểu, chuyên khoa Thần kinh, từng công tác tại Bệnh viện Tâm thần TW, bệnh nhân cần đến khám, xác định nguyên nhân gây bệnh để có thể có biện pháp điều trị hiệu quả. Theo thạc sỹ, hiện nay, bệnh nhân có thể điều trị nội khoa hoặc điều trị phẫu thuật. Với điều trị nội khoa, bác sỹ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc uống hoặc thuốc tiêm để giảm đau và chống viêm. Những người hợp phát hiện sớm thường điều trị mất ít thời gian hơn những trường hợp phát hiện muộn.

Có người chỉ cần điều trị vài tháng, trong khi có người mất vài năm. Phương pháp phẫu thuật được tiến hành khi thuốc không đem lại hiệu quả. Bác sỹ sẽ tiến hành cắt dây chằng vòng để giúp dây thành kinh giữa được giải phóng khỏi ống cổ tay. Thủ thuật này khá đơn giản và bệnh nhân có thể xuất viện nhanh. 

Ngoài việc điều trị bằng thuốc người bệnh có thể tập những bài kéo dãn cổ tay kết hợp nghỉ ngơi điều hoà để nhanh chóng khỏi bệnh. Thêm vào đó, cần nhờ tư vấn của bác sỹ để có chế độ dinh dưỡng phù hợp, đáp ứng nhu cầu của khớp và dây thần kinh

Phòng tránh

Theo thạc sỹ Điểu, để hội chứng ống cổ tay không tấn công cơ thể, bạn cần xây dựng thời gian làm việc hợp lý. Giữa các giờ làm việc liên tục nên có khoảng thời gian nghỉ ngơi.

Những bài tập kéo dãn xoa bóp cổ tay, cổ chân sẽ giúp máu lưu thông dễ dàng khắp cơ thể. Đặc biệt là các vùng cơ ở cổ, vai, tay, chân. Trước khi làm việc trong thời gian dài với bàn tay bạn nên có bài khởi động để giúp cổ tay có thể bắt đầu công việc dễ dàng. Khi bị tê tay nên nghỉ ngơi và xoa bóp cho máu được lưu thông. Tuy nhiên, nếu tình trạng tê nhức kéo dài trong nhiều ngày, bạn cần đến khám bác sỹ để được chuẩn đoán và chữa trị kịp thời.

Một chế độ dinh dưỡng đủ chất, uống đủ nước kết hợp với các bài tập thể thao thường xuyên sẽ giúp các cơ, khớp trên cơ thể bạn được dẻo dai và khoẻ mạnh. Đó cũng là cách tốt nhất để phòng bệnh.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật