Những lưu ý khi sử dụng thuốc cho người mắc bệnh nhược cơ

Bệnh nhược cơ (Myasthenia Gravis) gây ra các rối loạn dẫn truyền thần kinh - cơ với các biểu hiện yếu cơ, khó nuốt, khó thở...

Việc sử dụng thuốc cho người mắc bệnh nhược cơ cần phải hết sức thận trọng, do tác dụng phụ của một số loại thuốc ảnh hưởng đến sự dẫn truyền thần kinh-cơ, khiến cho các triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng!

Tìm hiểu về bệnh nhược cơ

Bệnh nhược cơ  là một bệnh tự miễn tương đối hiếm gặp, với tình trạng rối loạn sự dẫn truyền thần kinh - cơ, do kháng thể của hệ miễn dịch tấn công lên thụ thể acetyl cholin (thụ thể dẫn truyền thần kinh) trên màng tế bào cơ của cơ thể. Sự tấn công này gây ra hậu quả: cơ không tiếp nhận đầy đủ các tín hiệu thần kinh và trở nên suy yếu.

Bệnh nhược cơ  thường gặp ở nữ giới (chiếm tỉ lệ gần gấp đôi nam giới), có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở nữ giới < 40 tuổi và nam giới > 60 tuổi.

Nguyên nhân:

Bình thường, các tế bào thần kinh phóng thích acetylcholine (một chất dẫn truyền thần kinh), gắn lên các thụ thể acetylcholine trên cơ, giúp cơ tiếp nhận các dẫn truyền thần kinh để vận động. Khi các kháng thể phá hủy hay ngăn chặn sự hoạt động của các thụ thể acetyl cholin trên cơ, khiến cơ không tiếp nhận đầy đủ các dẫn truyền thần kinh và trở nên suy yếu nhanh chóng.

Ngoài ra tuyến ức có vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch của cơ thể. Những bệnh lý của tuyến ức như tăng sản tuyến ức (thymis hyperplasia) hay u tuyến ức (thymis tumor) cũng làm gia tăng các kháng thể tấn công thụ thể acetylcholin gây ra bệnh nhược cơ

Triệu chứng:

- Sụp mi mắt.

- Nhìn mờ hay nhìn đôi.

- Khó nói hay giọng nói thay đổi.

- Khó nhai khó nuốt

- yếu cơ cổ, cánh tay, chân.

- Khó thở…

Các thuốc thận trọng khi sử dụng

Một số loại thuốc khi sử dụng trong một thời gian dài, sẽ gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng đến sự dẫn truyền thần kinh - cơ, do thuốc tác động theo một trong hai cơ chế:

- Ức chế các tế bào thần kinh phóng thích acetylcholine.

- Ngăn cản các thụ thể acetylcholine trên cơ tiếp nhận các dẫn truyền thần kinh.

Do đó, cần phải hết sức thận trọng khi sử dụng các thuốc này cho người mắc bệnh nhược cơ vì làm cho các triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng!

Thuốc kháng sinh:

Đa số các thuốc kháng sinh đều gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng đến sự dẫn truyền thần kinh - cơ như:

- Nhóm thuốc quinolone: levofloxacin, ciprofloxacin…

- Nhóm thuốc macrolid: clarithromycin, azithromycin…

- Nhóm aminoglycoside: streptomycin, kanamycin...

- Nhóm thuốc cyclin: doxycyclin, tetracyclin…

Cần lưu ý:

- Tuyệt đối không được sử dụng Telithromycin (Ketek) là thuốc kháng sinh thường được sử dụng trong trường hợp viêm phổi nặng cho người mắc bệnh nhược cơ.

- Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng các thuốc kháng sinh khác đối với người mắc bệnh nhược cơ nên thận trọng tránh dùng qua đường tiêm bắp (intramuscular) hay đường tiêm tĩnh mạch (intravenous).

Nhóm thuốc chẹn beta (beta blocker): atenolol, metoprolol, nadolol…, thường được sử dụng trong điều trị các bệnhtim mạch như: cao huyết áp đau thắt ngực suy tim…

Nhóm thuốc chẹn kênh canxi (verapamil, diltiazem…) thường được sử dụng trong điều trị rối loạn nhịp tim cao huyết áp…

Nhóm thuốc giãn cơ (cyclobenzaprine, eperison, methocarbamol…) thường được sử dụng trong điều trị viêm khớp thoái hóa cột sống…

Ngoài các thuốc trên, còn có nhiều loại thuốc khác cũng gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng đến sự dẫn truyền thần kinh - cơ nhóm thuốc chống sốt rét (quinin, quinidin, chloroquin…).

Nhóm thuốc chống co giật (Carbamazepin, phenytoin, valproic acid), thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp penicillamin…

Khi đi khám bệnh, người bệnh cần thông báo rõ tình trạng bệnh nhược cơ   cho thầy thuốc và tuân theo đúng các chỉ định điều trị. Nếu thấy triệu chứng bệnh trở nặng sau khi dùng thuốc cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời!

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật