Sốt ở trẻ nhỏ, bệnh đơn giản nhưng rất nhiều bố mẹ có quan niệm sai lầm

Cho rằng sốt là một căn bệnh, sốt có hại cho cơ thể, thậm chí gây tổn hại cho não... là một số quan niệm sai lầm mà rất nhiều phụ huynh đang mắc phải về chứng sốt ở trẻ nhỏ.

Gần như mọi đứa trẻ đều bị sốt ít nhất một lần trong đời. Thách thức đối với cha mẹ là phải biết khi nào cơn sốt ở trẻ là nghiêm trọng. Có những cơn sốt tuy cao nhưng không có nghĩa là bệnh nặng. Ngược lại, một số bệnh nhẹ cũng có thể gây sốt cao. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh lại cho rằng sốt là một căn bệnh mà không biết đó là một sai lầm tai hại. Từ đó, các cha mẹ cố tìm cách chữa 'bệnh sốt' cho con, vô tình lại làm sức khỏe của trẻ tệ thêm.

Thuốc hạ sốt không dùng để... 'hạ sốt'

BS Trần Thị Huyên Thảo, Trưởng Khoa Nhi phòng khám Quốc tế CarePlus cho biết, qua kinh nghiệm thăm khám cho trẻ, BS nhận thấy có rất nhiều quan niệm sai lầm từ các phụ huynh khi con bị sốt, mà sai lầm cơ bản là việc cho rằng sốt là một căn bệnh.

'Sốt là khi nhiệt độ cơ thể bé tăng từ 38 độ C trở lên, thay vì 37 độ như thông thường. Hiện nay, nhiều phụ huynh vẫn phân biệt sốt cao và sốt thấp, sốt có đáp ứng và không đáp ứng với thuốc hạ sốt Thực ra, tất cả các dạng sốt này đều như nhau cả, bởi ta rất ít khi dự đoán được tính chất, mức độ nặng nhẹ hay tiên lượng bệnh. Các dấu hiệu trên chỉ cho ta biết rằng trẻ có thể bị bệnh, nhiễm vi khuẩn siêu vi nên cần phải theo dõi. Và quan trọng nhất là sốt không phải bệnh, mà chỉ là triệu chứng bệnh' - BS Huyên Thảo chia sẻ.

Theo đó, BS Thảo lý giải thêm, sốt là một phản ứng tốt của cơ thể đối với vi trùng hoặc siêu vi, giúp hệ miễn dịch của cơ thể kháng lại các vi khuẩn virus xâm nhập một cách hiệu quả, làm chậm quá trình sinh sôi của virus, vi trùng. Ngoài ra, triệu chứng này còn giúp tăng sản xuất Neutrophil tế bào lympho T và tăng cường phản ứng bảo vệ cơ thể.

Tuy nhiên vì nhầm sốt là một căn bệnh nên các cha mẹ tưởng rằng sốt sẽ gây hại cho cơ thể, thậm chí có nhiều luồng thông tin còn khẳng định sốt có thể gây tổn hại cho não và các bộ phận bên trong cơ thể, gây mất nước cho trẻ. Mang tâm lý lo sợ con bị tổn thương, nhiều cha mẹ sẵn sàng tìm mọi cách để đẩy lùi cơn sốt. Trong đó, khá nhiều người chọn cách cho trẻ uống thuốc hạ sốt.

BS Trần Thị Huyên Thảo chia sẻ về những vấn đề xung quanh việc trẻ bị sốt trong buổi trò chuyện 'Sốt và sốt co giật - Khi nào cần gặp bác sĩ và tại sao'.

'Sốt chỉ gây mất nước với trẻ sơ sinh và hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến các cơ quan trên cơ thể. Cho đến thời điểm hiện tại, không có bằng chứng nào cho thấy việc giảm sốt có thể giảm mức độ nặng hoặc giảm khả năng gây tử vong của bệnh gây sốt. Ngược lại hạ sốt quá tích cực có thể làm sức khỏe trẻ xấu đi, nhất là khi sử dụng quá liều. Chưa kể thuốc hạ sốt có thể gây ra tác dụng phụ cho con bạn' - BS Thảo nhấn mạnh.

Chính vì lý do này, BS Thảo khẳng định dùng thuốc hạ sốt cho trẻ mục đích chính không phải để 'hạ sốt' như mọi người vẫn nghĩ mà để cho trẻ dễ chịu và giảm cơn đau Hiện có hai loại thuốc hạ sốt chỉ định cho trẻ em là Acetaminophen (tên gọi khác của Paracetamol - PV) và Ibuprofen với hiệu quả giảm sốt tương đương nhau. Các loại thuốc này được chỉ định sử dụng khi trẻ sốt từ 38.5 độ C trở lên và có biểu hiện đau quấy mệt mỏi

Khi nào trẻ sốt cần cầu cứu bác sĩ?

Khi việc chăm sóc tại nhà không hiệu quả hoặc không đúng cách, nhiều phụ huynh hoang mang lo lắng, không biết khi nào là thời điểm thích hợp đưa trẻ đến bệnh viện hay các phòng khám. Về vấn đề này, BS Huyên Thảo cho rằng, trẻ dưới 6 tháng tuổi và đặc biệt là 3 tháng tuổi cần được đưa đến bác sĩ sớm, bởi ở độ tuổi còn rất nhỏ này, trẻ bị nhiễm vi trùng và biến chứng bệnh hơn.

Ngoài ra, nếu cha mẹ thấy con sốt đơn thuần từ 2-3 ngày trở lên, hay sốt xuất huyết cũng có thể đưa trẻ đến gặp ngay bác sĩ để sớm được hỗ trợ.

'Nếu trẻ ngày càng lả người, ngủ li bì, quấy khóc nhiều biếng ăn bú ít bỏ ăn ho liên tục, khò khè khó thở hay bất cứ triệu chứng nào (ngoài sốt) làm bạn lo lắng, chắc chắn bạn phải đưa trẻ đến bác sĩ càng sớm càng tốt để trẻ được chữa trị kịp thời' - BS Thảo khuyến cáo.

Để xác định trẻ sốt bao nhiêu độ, BS Huyên Thảo khuyên các ông bố bà mẹ không nên sử dụng nhiệt kế thủy ngân vì loại nhiệt kế này thời gian đo lâu, trẻ khó chịu sẽ dễ ngọ nguậy gây vỡ. Cũng không nên sử dụng miếng dán độ trên trán bởi tính chính xác không đảm bảo. Thay vào đó, phụ huynh hãy sử dụng nhiệt kế điện tử có thể dùng để đo thân nhiệt qua hậu môn, nách hay miệng bằng những cách phù hợp.

Sốt co giật làm tăng nguy cơ động kinh ở trẻ?

Khi sốt cao, trẻ có thể lên cơn co giật mặt mũi tím tái, nghiến răng sùi bọt mép, thậm chí bất tỉnh, khiến cha mẹ vô cùng hốt hoảng, cho rằng con bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng và đang trong vòng nguy hiểm. Cụ thể, nhiều người tin rằng, triệu chứng co giật trong lúc sốt sẽ làm giảm trí thông minh của trẻ, làm tăng nguy cơ trẻ bị sốt co giật lần sau. Nặng hơn, có phụ huynh cho rằng trẻ có thể tăng nguy cơ động kinh và dẫn đến tử vong.

Tuy nhiên theo BS Huyên Thảo, đây là một triệu chứng khá phổ biến khi trẻ bị sốt. Có đến 3% ở trẻ khỏe mạnh từ 6 tháng – 60 tháng tuổi xuất hiện triệu chứng này. Sốt cao co giật chia ra làm hai loại. Một là sốt co giật đơn giản (co giật toàn thể, dưới 15 phút, 1 cơn co giật/24 giờ) chiếm đến 90% số trường hợp. Hai là sốt co giật phức tạp, kéo dài trên 15 phút, có từ 2 cơn co giật/24 giờ

'Co giật không làm giảm chỉ số IQ của trẻ, không gây liệt, không làm tổn thương thần kinh. Thực tế cho thấy, chưa hề có báo cáo về một ca tử vong nào liên quan đến sốt co giật dù trên lý thuyết, trong lúc co giật trẻ có thể bị chấn thương, hít sặc hoặc rối loạn nhịp tim Đa số trẻ bị sốt co giật cũng không bị tăng nguy cơ động kinh. Tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ sốt co giật những lần tiếp theo, tỉ lệ từ 30-50%' - BS Thảo phân tích.

Do đó về tổng thể, sốt co giật là vô hại với trẻ. Thường khi để trẻ nằm yên một lúc, hiện tượng co giật sẽ hết. Theo BS Thảo, khi trẻ sốt co giật, không cần cho uống thuốc hạ sốt ngay mà phải bình tĩnh xử trí. Cha mẹ có thể đặt em bé nằm nghiêng và cố định một lúc để chất nhờn đờm trong miệng chảy ra ngoài hay giữ cho cổ con mình thẳng, nới lỏng quần áo để trẻ dễ thở.

'Việc ổn định trẻ sau cơn co giật chỉ nên được thực hiện khi thời gian co giật dưới 5 phút, sau đó đưa đi khám bác sĩ. Nếu trẻ co giật trên 5 phút phải cho trẻ vào bệnh viện ngay' - BS Huyên Thảo đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật