Cảnh báo nguy hiểm về ngộ độc thuốc nam: Hết chì lại đến asen

Thời gian qua, báo SK&ĐS đã liên tục đưa ra những cảnh báo về hậu quả của việc người dân tự ý mua thuốc Đông y không rõ nguồn gốc về dùng để rồi “tiền mất tật mang”, hàng trăm trẻ bị “đầu độc chì” do dùng thuốc nam, thuốc cam của những ông lang bà mế phải nhập viện cấp cứu… Thế nhưng, dường như những lời cảnh báo vẫn chưa đủ khi tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai không chỉ trẻ em bị nhiễm độc chì điều trị mà cả người lớn cũng đã bị nhiễm độc asen do dùng thuốc nam “tự chế” của những thầy lang vườn.

Khánh kiệt vì chữa bệnh theo tin đồn

Dáng mệt mỏi phờ phạc ngồi bên cạnh người vợ đang điều trị tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, chồng của bệnh nhân N.T.C., 54 tuổi (Hải Phòng) buồn rầu chia sẻ: “Tôi không biết bà ấy mua thuốc ở đâu, thầy lang nào, chỉ biết ở tận Đăk Lăk gửi ra, vì thấy có nhiều người uống thuốc đó đỡ bệnh thấp khớp nên  bà ấy mua về dùng. Thấy bà ấy bảo cũng đỡ và khỏe hơn nên tôi cũng yên tâm và mừng cho bà ấy. Ai ngờ sau vài tháng thấy bà nói người khó chịu, mệt mỏi, sau đó da vàng… gia đình đưa đi bệnh viện mới hay bà ấy bị ngộ độc chất gì đó do dùng thuốc nam…

Từ khi bà ấy vào viện, gia đình tôi đã khánh kiệt, không còn tiền để chạy chữa nữa. Biết làm thế nào được, những chỗ vay được đã vay hết rồi, bây giờ không còn chỗ vay nữa đành phải xin về. Lương hai vợ chồng già eo hẹp cộng với buôn bán nhỏ chỉ đủ sống tằn tiện qua ngày, bây giờ mắc bệnh hiểm nghèo, túng thiếu lắm. Có “cái phao” bảo hiểm y tế thì năm nay chủ quan nghĩ mình khỏe nên không mua, đến lúc bị bệnh mua thì cũng đã muộn…! Mặc dù các bác sĩ đã tạo điều kiện, họ chu đáo tận tình, nhưng gia đình không còn khả năng nữa… Chỉ vì nghe lời đồn thổi “thuốc tốt” mà bây giờ người thì chưa biết thế nào chứ của thì tôi cũng không biết có sống để làm mà trả nợ được nữa không?!”.

Bà C. bị thấp khớp nhiều năm nên cứ ai bảo đâu bà chạy chữa đó, trước đó bà đã “tự làm thầy thuốc” bằng cách ra chợ mua thuốc nam thuốc lá về tự sắc uống trong 4 năm liền, nhưng cũng không đỡ, nghe theo lời mách bà liền gửi mua hai loại thuốc nam dạng hoàn tán, 1 loại viên đen, 1 loại viên trắng và uống 5 tháng liền chỉ thấy bớt đau một chút đến khi thấy người mệt mỏi, uể oải, khó chịu vàng da bà mới chịu đến bệnh viện Bác sĩ cho biết, bà bị hội chứng suy gan cấp, có hạch to được chẩn đoán là bệnh u lympho, cả hai bệnh này đều là hậu quả của nhiễm độc asen mạn tính.

Chất độc chết người

Trao đổi với phóng viên báo SK&ĐS, TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, ngộ độc asen từ việc dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc thêm hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều người đang tin dùng các loại thuốc nam “dởm” để tự chữa bệnh. Nó cho thấy thuốc nam “dởm” không chỉ có chì mà còn có cả asen (có thể còn nhiều chất độc hại khác đã được gọi tên và nhiều chất khác chưa thể biết hết).

Asen là một kim loại nặng rất độc, khi vào cơ thể gây ra những căn bệnh cực kỳ nguy hiểm như ung thư bàng quang gan thận ruột, da... làm rối loạn di truyền như đột biến gen và còn có thể dẫn đến tử vong Cơ chế hấp thu asen vào cơ thể không như chì (chì hấp thu vào máu, vào xương) nhưng asen hấp thu vào cơ thể lại được đào thải ra phần lớn trong vòng 1 tuần, nhưng như thế cũng đủ để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến chức năng cơ quan nội tạng như tim mạch tiêu hóa sinh sản… Đặc biệt là nhiễm asen mạn tính liều thấp trong thời gian dài sẽ dẫn đến những tổn thương mạn tính của các hệ cơ quan và dẫn đến những biến chứng nặng nề như vàng da suy gan thiếu máu bệnh hạch to (u lympho)…

Dưới góc độ y học cổ truyền, TTND. BS. Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam lo lắng: Asen trong y học cổ truyền còn gọi là hùng hoàng. Hùng hoàng có chứa thạch tín và khi gặp nóng thì giải phóng thạch tín, vì thế nó được mệnh danh là “chất độc chết người”. Hầu như không có bài thuốc nào dùng hùng hoàng theo đường uống, đặc biệt cấm không cho vào thuốc sắc; có thể làm viên hoàn nhưng cấm dùng đối với phụ nữ có thai kể cả dùng trong hay ngoài.

Công dụng của bài thuốc có hùng hoàng là chữa trị các bệnh mụn nhọt mới phát, thú độc cắn (rắn, côn trùng)… Trong 26 bài thuốc dùng ngoài được ghi trong sách Trung y phương dược và Trung dược đại từ điển của Trung Quốc thì cũng không có bài thuốc nào ghi thành phần của hùng hoàng.

Hiện nay, một số vị thuốc như hùng hoàng, hồng đơn, chu sa trong y học cổ truyền rất ít dùng, có dùng phải được tinh chế cẩn thận chỉ dùng những liều lượng cực nhỏ và phải được pha chế từ những thầy thuốc giỏi về y thuật, hiểu biết về chuyên môn. Nên chăng, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ hoặc cấm hẳn việc sử dụng những vị thuốc này để tránh hậu quả đáng tiếc cho người dân khi sử dụng.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật