Hướng dẫn các bạn cách xử trí khi nhiễm độc tố của băng phiến

Độc tố của băng phiến có thể gây vỡ hồng cầu, gây thiếu máu mãn tính, hay chóng mặt, làm việc kém, trẻ em chậm lớn.

Viên băng phiến (long não) là chế phẩm thường được cho vào tủ quần áo để đuổi mối mọt, gián, tuy nhiên nếu không sử dụng đúng cách, loại hóa chất này có thể gây ngộ độc.

Băng phiến (có nơi gọi là viên long não) có tác dụng đuổi côn trùng, mối mọt, rận rệp phá hoại quần áo. Nó gồm 2 loại: 1 loại được sản xuất từ hóa chất Napthalen, điều chế từ than đá hoặc từ quá trình tinh chế dầu hỏa. Loại thế hệ mới được làm từ hóa chất Diclorobenzen.

Hiện tại, băng phiến thế hệ cũ được dùng nhiều ở các nước đang phát triển do rẻ tiền, dễ sản xuất hơn. Riêng ở Mỹ và châu Âu, loại này rất ít được sử dụng vì độc tính cao.

Không nên nhầm băng phiến với long não dùng trong y học. Loại này được chiết xuất từ một loài cây mọc ở các nước nhiệt đới cũng có tên là cây long não. Thành phần chính là chất Camphor có tính sát trùng gây tê và kích thích tim mạch, kích thích thần kinh, gây sảng khoái hưng phấn nhẹ.

Camphor dùng trong y học thường ở dưới dạng tinh dầu dùng ngoài da và có trong thành phần các loại thuốc ho thuốc tai mũi họng, hoặc một số thuốc chống suy nhược mệt mỏi với liều thích hợp. Nếu dùng liều cao vẫn có khả năng gây ngộ độc.

Các tính chất của băng phiến

Tính thăng hoa: tức là có khả năng chuyển từ thể rắn sang thể khí mà không cần qua giai đoạn trung gian là chất lỏng ở điều kiện nhiệt độ bình thường.

Do vậy viên băng phiến để trong tủ sẽ bay hơi tạo mùi xua đuổi côn trùng, rận rệp.

Khi thăng hoa nó có mùi thơm và hăng mạnh, nhưng lại có vị ngọt, do vậy một số người thích mùi này và một số nơi dùng như chất tạo khử mùi hôi ở môi trường xung quanh. Điều này là hết sức sai lầm.

Độc tính của băng phiến

Băng phiến gây ngộ độc cấp nhất là trẻ em dưới 5 tuổi. Ngộ độc xảy ra khi nuốt nhầm hoặc hít quá nhiều hơi băng phiến trong môi trường kín, thiếu khí trời, không thông thoáng.

Riêng ở trẻ nhỏ rất dễ bị ngộ độc vì khi mặc quần áo vừa lấy ra khỏi tủ có chứa viên thuốc này, hơi còn bám rất nhiều, lâu trên quần áo.

Mặt khác băng phiến có thể hấp thu trực tiếp một phần qua da của trẻ, từ đó có thể gây độc với cơ thể của trẻ. Ngoài ra, nó còn gây ngộ độc mãn nếu hít chất này dưới dạng hơi trong thời gian dài.

Các triệu chứng ngộ độc

- Ngộ độc cấp: Gây vỡ hồng cầu làm thiếu máu gây hoại tử gan tổn thương thần kinh (nhất là ở trẻ nhỏ). Bệnh nhân bị buồn nôn nôn ói tiêu chảy vàng da tiểu sậm màu nhức đầu bồn chồn, kích động lú lẫn co giật rồi hôn mê thậm chí có thể tử vong

- Ngộ độc mãn: có thể gây vỡ hồng cầu, gây thiếu máu mãn tính làm mệt mỏi cáu gắt, hay chóng mặt làm việc kém, trẻ em thì chậm lớn.

Bệnh nhân có thể tiêu chảy kéo dài viêm hô hấp trên (mũi hầu, họng) và hô hấp dưới (khí quản phế quản phổi) mãn tính đục thủy tinh thể tổn thương võng mạc (lớp nằm trong cùng của đáy mắt) làm giảm thị lực.

Thêm vào đó, độc tính của chúng có thể gây tổn thương não bộ, làm đi đứng khó khăn, không điều hòa và phối hợp được các động tác của tay chân suy giảm trí nhớ tổn thương gan thận

Quan trọng nhất là Cơ quan nghiên cứu về ung thư quốc tế đã xếp băng phiến (dù thế hệ cũ hay mới) vào nhóm IIB tức là nhóm có khả năng gây ung thư cho con người, tuy nhiên ở mức độ thấp.

Liều gây ngộ độc

Đối với ngộ độc cấp, chỉ cần nuốt 1-2 viên (1gram) băng phiến loại thế hệ cũ là có thể bị ngộ độc và nếu nuốt đến 4-8 viên là có thể gây tổn thương thần kinh thậm chí tử vong. Với loại thế hệ mới liều độc cao hơn, có thể lên đến 30-40 viên mới gây ngộ độc cấp.

Với ngộ độc mãn, theo Cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ, nếu tiếp xúc thường xuyên với băng phiến thế hệ cũ theo đường hô hấp thì nồng độ an toàn tối đa là 0,003mg/m3 không khí. Nếu tiếp xúc theo đường ăn uống liều lượng tối đa có thể an toàn là 0,02mg/kg cân nặng cơ thể.

Với băng phiến thế hệ mới, nếu tiếp xúc theo đường hô hấp thì nồng độ an toàn tối đa trong không khí là 75ppm. Nếu tiếp xúc theo đường ăn uống thì nồng độ an toàn tối đa là 0,075mg/lít nước.

Cách xử trí ban đầu

- Đưa nạn nhân ra nơi thoáng mát thông khí để tránh hít thêm hơi băng phiến.

- Rửa sạch miệng, môi, da, tay chân bằng nước.

- Tránh dùng tinh dầu hay chất béo vì sẽ khiến băng phiến hấp thu nhanh hơn.

- Nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Hiện không có thuốc giải đặc hiệu cho ngộ độc băng phiến, tất cả là điều trị hỗ trợ và nâng đỡ.


Cách phòng ngừa

- Hạn chế sử dụng băng phiến (nếu cần thì chỉ được sử dụng 1-2 viên trong tủ kín. Khi mở tủ nên theo tác nhanh gọn và nên đeo khẩu trang để tránh phải hít nhiều hơi độc).

- Đối với trẻ nhỏ thì sau khi lấy quần áo từ trong tủ bảo quản ra nên phơi ngoài nắng để bay hết mùi rồi hãy cho trẻ sử dụng.

- Tuyệt đối không dùng băng phiến với mục đích tẩy mùi trong phòng, trong nhà vệ sinh, hay trong môi trường sinh sống xung quanh của con người nhất là nơi không thoáng khí.

- Khi sử dụng băng phiến cần lưu ý để cao ngoài tầm với của trẻ vì các viên này rất giống kẹo lại có mùi thơm và có vị ngọt nên trẻ sẽ nghĩ là kẹo và ăn thì rất nguy hiểm.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật