Tổn thương bàn chân - Nỗi kinh hoàng của người bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường (ĐTĐ) được biết đến với những biến chứng nguy hiểm. Nó khiến chất lượng sống của người bệnh giảm sút, gây tàn phế và dẫn đến tử vong. Một trong những biến chứng đáng sợ đó là tổn thương bàn chân ở bệnh nhân ĐTĐ, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ khiến bệnh nhân bị tàn tật.

Vết thương nhỏ mà hậu quả lớn

Cách đây hơn 10 năm, ông N.T.H. (Hà Nội)  thấy mình tiểu nhiều, hay khát nước Mặc dù ông ăn nhiều nhưng lại mau đói và sút cân nhanh. Đi khám bệnh ông mới biết mình bị mắc bệnh ĐTĐ. Từ đó ông phải sống chung với căn bệnh này, nhưng những kiến thức cơ bản về chế độ ăn uống luyện tập và chăm sóc bản thân... ông hầu như không biết. Gia cảnh khó khăn, lại thêm gánh nặng bệnh tật nên ông cũng không có điều kiện để khám bệnh định kỳ. Rồi hai bàn chân của ông bắt đầu bị lở loét.Tuy bị nhiễm trùng như vậy, nhưng ông không thấy đau nên tự rửa vết thương và bôi thuốc ở nhà... Chỉ đến khi vết thương loang rộng, ăn vào tận xương thì ông mới đến Khoa Nội tiết - ĐTĐ của bệnh viện Bạch Mai để khám bệnh. Giơ bàn chân đang bị băng bó ông H. cho biết, hiện các bác sĩ đang cố gắng cứu chữa để ông có thể không bị tháo khớp bàn chân.

Còn ông Tr.V.T. (Hà Nội) đến Khoa Chăm sóc bàn chân của bệnh viện Nội tiết Trung ương với bàn chân trái bị phồng rộp và tím ngắt. Sống chung với bệnh ĐTĐ gần 20 năm qua, ông đã bị nhiều biến chứng nặng nề của bệnh ĐTĐ gây nên như: suy giảm thị lực (biến chứng mắt); suy thận độ 3 (biến chứng thận); nhồi máu cơ tim (biến chứng tim mạch)... Gần đây, ông cảm thấy bàn chân của mình lạnh và tê bì nên đã mua thuốc về đắp rồi chườm nóng để tự chữa bệnh. Nào ngờ chườm nóng đến mức chân bị bỏng mà ông cũng không hề thấy đau rát gì cả, đến khi vết thương bị nhiễm trùng nặng, ông phải vào nhập viện. Trầm ngâm một lát, ông T. nói: “Cũng chỉ vì tôi chủ quan và thiếu hiểu biết nên mới tự mình làm khổ mình thế này. Ban đầu tôi cứ tưởng bị bỏng thì chỉ chữa ít hôm là khỏi, ai dè lại bị biến chứng bàn chân của bệnh ĐTĐ. Nếu không chữa được mà phải cắt cụt mất bàn chân thì...”. Buông lửng câu nói ở đó, ông T. thở  dài quay mặt vào trong.

Gác cái chân vừa bị tháo mất bàn chân lên chiếc đệm nước đặt ở cuối giường, ông H.V.L. quay sang nói với giọng buồn bã: “Đây là lần thứ hai tôi phải vào viện để tháo khớp bàn chân, lần trước tôi bị tháo mất ngón chân cái, còn lần này thì bị tháo cả bàn chân. Đang là người lành lặn nay bỗng dưng thành người què, lại còn phải có người trông nom săn sóc. Cái bệnh ĐTĐ này đến là ác”. Cũng bị ĐTĐ từ nhiều năm nay, ông L. sống ở nông thôn nên không có điều kiện để tìm hiểu về bệnh ĐTĐ, ông chỉ biết uống thuốc theo đơn của bác sĩ. Còn những vấn đề về chế độ ăn uống và luyện tập của người bệnh ĐTĐ để phòng ngừa các biến chứng của bệnh thì ông đều không biết. Ông bị mất đi bàn chân cũng chỉ từ một vết xước nhỏ do hạt thóc gây nên.

Tổn thương nặng – chi phí điều trị cao

Trên đây chỉ là một vài dẫn chứng về bệnh nhân ĐTĐ bị biến chứng bàn chân đang phải nằm điều trị tại một số bệnh viện tuyến trung ương. Theo TS. Nguyễn Vinh Quang – PGĐ Bệnh viện Nội tiết Trung ương, có 5-15% các bệnh nhân ĐTĐ sẽ phải phẫu thuật cắt cụt chi tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời họ. Đó là con số trung bình cho bệnh nhân ĐTĐ trong các nghiên cứu. Tuy nhiên tại Việt Nam, đặc biệt là ở các tỉnh thành mà chuyên ngành Nội tiết – ĐTĐ chưa phát triển, cũng như sự hiểu biết của người dân về bệnh ĐTĐ còn rất hạn chế, thì tỉ lệ này có thể sẽ còn cao hơn.

Đối với bệnh nhân ĐTĐ, tổn thương bàn chân đặt ra một vấn đề nan giải, xét cả về mặt xã hội, kinh tế và y tế như làm bệnh nhân mất đi sức lao động, gây tàn phế, làm giảm chất lượng cuộc sống giảm tuổi thọ Việc điều trị các tổn thương bàn chân ở bệnh nhân ĐTĐ cần một thời gian nằm viện rất dài, thường là trên 4 tuần với một chi phí y tế rất cao. Hầu hết các trường hợp phải cắt cụt chi dưới do tổn thương bàn chân ĐTĐ gặp ở những bệnh nhân đến khám muộn, khi đã có hoại tử bàn chân hoặc đã bị tổn thương xương bàn chân. Chính vì vậy, để giảm bớt số lượng bệnh nhân ĐTĐ phải cắt cụt chi, việc phát hiện sớm các tổn thương bàn chân ở người bệnh ĐTĐ có vai trò hết sức quan trọng.

Tổn thương bàn chân ĐTĐ là hậu quả của bệnh lý thần kinh ngoại biên – do giảm nhận cảm rối loạn thần kinh tự động và thiếu máu – do xơ vữa mạch các mạch máu của chân. Ngoài ra, nhiễm khuẩn là mối đe dọa thường trực, nguy hiểm đối với bàn chân của người bệnh ĐTĐ.

Từ lâu người ta đã biết bàn chân người ĐTĐ rất nhạy cảm với nhiễm khuẩn Một mặt, do đường máu cao là môi trường thuận lợi cho nhiễm khuẩn, mặt khác, do người bệnh ĐTĐ có suy giảm chức năng bạch cầumiễn dịch tế bào Hơn nữa, bàn chân người ĐTĐ là nơi thuận lợi cho sự lan rộng nhanh chóng của nhiễm trùng do các rối loạn tuần hoàn và bệnh lý thần kinh. Những vết thương dù rất nhỏ, nếu không được theo dõi, điều trị kịp thời có thể tạo nên các nhiễm khuẩn âm ỉ, sau đó sẽ lan rộng nhanh chóng vào sâu trong bàn chân. Nhiễm khuẩn mô mềm ở sâu gây hoại tử phối hợp với viêm tuỷ xương là nguyên nhân khiến bệnh nhân ĐTĐ phải cắt cụt chi.

Và việc phòng ngừa

Muốn biến chứng của bệnh ĐTĐ ít xảy ra, trước tiên người bệnh phải xác định rõ: Bệnh ĐTĐ là một bệnh mãn tính điều trị lâu dài và không thể khỏi hẳn được. Vì vậy, trước hết phải có chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý với điều kiện cụ thể của từng người bệnh.

Để phòng ngừa nguy cơ biến chứng bàn chân cho bệnh nhân ĐTĐ, cần chú ý những vấn đề sau đây: Vệ sinh chân sạch sẽ, đặc biệt là các kẽ ngón chân; hàng ngày tự kiểm tra để phát hiện các dấu vết bất thường như vết xước, vết phồng rộp, chỗ chai chân ; tránh dùng những hóa chất sát trùng quá mạnh; phòng tránh tiếp xúc với nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh; giày dép, bít tất phù hợp với người bệnh; không nên cắt móng chân quá sát ảnh hưởng đến niêm mạc móng chân; không để móng quặp vào ngón chân... Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần:

- Kiểm soát tốt đường huyết

- Điều trị các biến chứng kèm theo (nếu có).

- Điều trị sớm các cục chai chân.

- Dùng thuốc hoặc luyện tập xoa bóp để tăng cường tuần hoàn máu đến vùng ngoại vi (đầu ngón chân).

Người thầy thuốc chuyên khoa cần phải tư vấn giúp người bệnh hiểu về bệnh lý bàn chân người ĐTĐ, sự thường gặp, cách phát hiện và theo dõi những diễn biến bất thường.  

Dấu hiệu nhận biết bệnh lý bàn chân ở người bệnh ĐTĐ

- Giảm nhận cảm giác xúc giác, thấy đau âm ỉ hoặc bỏng rát, đau tăng về đêm, cảm giác tê cóng, buồn như kiến bò. Cảm giác đi không thật chân, như đi trên bông, hoặc không khí. Có khi tăng cảm giác đau, đau rát nhiều mặc dù chỉ chạm nhẹ vào da.

- Cảm giác tê bì như kiến bò như kim châm, tăng về đêm, kèm theo giảm cảm giác. Thể này ít có biểu hiện lâm sàng lại kèm theo giảm cảm giác nên rất nguy hiểm vì bệnh nhân không cảm nhận được các chấn thương nhỏ, sẽ dẫn đến các bệnh cảnh trầm trọng của bàn chân người ĐTĐ.

- Dày sừng, móng chân mọc lộn xộn; các tĩnh mạch mu bàn chân phồng to ở tư thế nằm ngang; biến dạng các ngón chân, mất cấu trúc giải phẫu bình thường; mạch mu chân, chày sau mất hoặc yếu.

- Đau cách hồi: đau ở bắp chân và bàn chân, cảm giác cẳng chân bị bó chặt lại làm bệnh nhân phải ngừng lại nghỉ không đi tiếp được. Lúc đầu đau ít, sau đau nhiều hơn và cần thời gian nghỉ lâu hơn. Triệu chứng đau xuất hiện ở hông, đùi (tổn thương động mạch đoạn chủ - chậu) hoặc tại đùi, bắp chân (tổn thương động mạch đoạn đùi - khoeo).

- Mỏi hai chân, cảm giác bủn rủn không bước đi được. Triệu chứng này xuất hiện sớm hơn đau cách hồi và là dấu hiệu báo trước sự xuất hiện của đau cách hồi.

- Cảm giác lạnh chân rất có giá trị khi tổn thương ở một bên chân, kèm theo da chân bên đó tái nhợt.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật