Chế độ ăn uống của trẻ: Đừng tưởng cứ nhiều là tốt!

Nhiều bậc cha mẹ thấy con ở tuổi dậy thì ăn nhiều thì cho là bình thường vì nghĩ con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Thế nhưng cha mẹ cũng phải cẩn trọng vì nếu việc ăn uống của con nhiều đến mức khó kiểm soát thì rất có thể trẻ đã mắc phải một chứng bệnh mà trong chuyên ngành tâm thần gọi là chứng ăn vô độ tâm thần.

Ăn vô độ tâm thần là gì?

Đây là một chứng rối loạn ăn uống có thể gặp ở cả nam và nữ nhưng thường thấy ở nữ nhiều hơn, đặc biệt là lứa tuổi dậy thì Bệnh đặc trưng bởi những giai đoạn ăn uống vô độ sau đó là giai đoạn nỗ lực một cách điên rồ để giảm cân nặng.

Khi mắc chứng ăn vô độ tâm thần cuộc sống của người bệnh sẽ là những trận chiến giữa mong muốn giảm cân và xung đột ăn uống một cách cưỡng bức.

Có những giai đoạn người bệnh không muốn ăn vô độ và họ tự cảm thấy tội lỗi, xấu hổ, nhưng rồi họ lại rơi vào giai đoạn ăn vô độ. Sau đó người bệnh rất hoảng hốt, sợ hãi và tìm mọi biện pháp để loại bỏ thức ăn ra khỏi cơ thể như là dùng thuốc nhuận tràng, tìm mọi cách để nôn ra hoặc có thể chạy bộ đến tận 10km. Càng ngày người bệnh càng cảm thấy không thể kiểm soát được tình trạng ăn uống của mình.

Biểu hiện của chứng ăn vô độ tâm thần

Thiếu sự kiểm soát ăn uống: không thể dừng lại việc ăn uống. Ăn đến mức mà cơ thể cảm thấy khó chịu, ậm ạch và đau bụng

Giấu kín việc ăn uống của mình: bệnh nhân vào bếp ăn uống khi tất cả mọi người đã đi ngủ, đi mua đồ ăn một cách thất thường không theo quy luật nào và thường thích ăn ở một chỗ riêng không ai nhìn thấy mình đang ăn.

Ăn một lượng thức ăn lớn bất thường.

Người nhà thường thấy sự biến mất một cách bất thường của thức ăn, rất nhiều hộp đựng thức ăn trở nên trống rỗng hoặc cất giấu những thức ăn để sử dụng dần.

Thay đổi giữa những giai đoạn ăn vô độ và giai đoạn không ăn gì.

Những biểu hiện người bệnh loại thức ăn ra khỏi cơ thể:

Thường xuyên đi vào nhà vệ sinh sau bữa ăn: mọi người thường thấy bệnh nhân biến mất thường xuyên sau bữa ăn để nôn, thường xuyên nghe thấy tiếng nôn ọe ở nhà vệ sinh.

Sử dụng thuốc nhuận tràng thuốc lợi tiểu và/hoặc thuốc thụt đại tràng sau khi ăn hoặc cũng có thể dùng thuốc giảm béo để giảm sự ngon miệng hoặc xông hơi để ra mồ hôi nhằm giảm béo.

Phòng vệ sinh hoặc người của người bệnh thấy có mùi của chất nôn: Bệnh nhân thường cố làm mất mùi đó đi bằng cách sử dụng nước hoa nước súc miệng kẹo cao su hoặc nước thơm để át mùi đi.

Tập luyện thể dục quá mức: vận động một cách quá mức sau khi ăn, đặc biệt là có những vận động với cường độ mạnh, tiêu hao nhiều calo như tập aerobic hoặc chạy.

Ăn uống không thể kiểm soát là một biểu hiện bệnh

Ăn uống không thể kiểm soát là một biểu hiện bệnh 

Dấu tích của chứng ăn vô độ tâm thần

Sẹo ở vị trí khớp nối giữa ngón tay và bàn tay do thường xuyên thò tay vào miệng để móc họng, tạo ra kích thích nôn.

Những vết đỏ nhỏ ở má do tình trạng nôn cứ lặp đi lặp lại nhiều lần.

Răng biến đổi màu sắc do tiếp xúc nhiều với acid ở dạ dày khi nôn ra. Nhìn răng có thể có màu vàng, có những đường viền trên răng

Bệnh nhân không giảm cân: người bệnh thường không giảm cân hoặc tăng cân nhẹ.

Thường dao động về cân nặng: cân nặng có thể dao động giữa những lúc ăn vô độ và những lúc loại bỏ thức ăn khỏi cơ thể.

Nguyên nhân của ăn vô độ tâm thần

Không có một nguyên nhân đơn độc gây chứng ăn vô độ tâm thần nhưng yếu tố chính đóng vai trò trong ăn vô độ tâm thần là mất tự tin, bận tâm quá mức về cân nặng và hình dáng cơ thể mình. Ngoài ra còn có những yếu tố khác như người bệnh thường có những vấn đề về cảm xúc (trầm cảm, dễ tức giận stress lo âu ). Một điều cần khẳng định, ăn vô độ tâm thần là một vấn đề phức hợp về cảm xúc.

Những nguyên nhân chính và yếu tố nguy cơ của chứng bệnh này:

Hình ảnh cơ thể xấu xí: mọi người cho rằng cơ thể mảnh mai, đẹp mới hấp dẫn, đặc biệt là những cháu gái trẻ chịu ảnh hưởng của những hình ảnh trên tivi, tạp chí thời trang

Mất tự tin: nghĩ rằng mình vô dụng, mất giá trị không hấp dẫn là những yếu tố nguy cơ cho ăn vô độ tâm thần. Những yếu tố có thể dẫn đến sự đánh giá kém bản thân như trầm cảm chủ nghĩa lý tưởng hóa, bị lạm dụng khi còn nhỏ, môi trường gia đình không tốt.

Tiền sử bị lạm dụng về tình dục hoặc sang chấn tâm lý: những trẻ gái mắc chứng ăn vô độ tâm thần thường có thể bị lạm dụng tình dục hoặc có bố mẹ sử dụng các chất kích thích hay những rối loạn về tâm lý.

Có những thay đổi lớn trong cuộc sống: chứng ăn vô độ tâm thần thường phát sinh sau những stress căng thẳng hoặc một sự thay đổi lớn, ví dụ như sự thay đổi cơ thể trong thời kỳ dậy thì, đi học ở trường đại học hoặc do chia tay bạn bè, chứng ăn vô độ tâm thần có thể là một cách giải quyết tiêu cực khi đối diện với stress

Một số nghề nghiệp nhất định có thể làm phát sinh chứng ăn vô độ tâm thần ví dụ như múa ballet, người mẫu, diễn viên...

BS. Trịnh Thị Bích Huyền

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật