Cảnh giác với những dấu hiệu của trào ngược dạ dày, thực quản

Trào ngược dạ dày-thực quản (GERD) là bệnh lý rất thường gặp ở cả nam và nữ. Bệnh ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống nhưng hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu người bệnh tuân thủ và kiên trì điều trị...

Bệnh tưởng nhẹ nhưng ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống

Trào ngược dạ dày thực quản là hiện tượng trào ngược dịch vị từ dạ dày lên thực quản, có khi lên tận miệng mà người bình thường không có. Nếu sự trào ngược không lên đến miệng thì người bệnh dễ bỏ qua không nhận thấy, chỉ đến khi có hậu quả viêm thực quản mới biết.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là một vấn đề lâm sàng rất thường gặp, chiếm một tỷ lệ lớn trong những bệnh nhân đi khám bệnh vì những triệu chứng rối loạn đường tiêu hoá. Tổn thương niêm mạc thực quản vì trào ngược dạ dày - thực quản (bao gồm chít hẹp và dị sản thực quản Barrett) đã được phát hiện ở những bệnh nhân không có triệu chứng gợi ý trào ngược dạ dày- thực quản. Bệnh trào ngược dạ dày- thực quản thường có những biến chứng trầm trọng và kéo dài suốt đời, có thể dẫn đến sự suy giảm đáng kể chức năng bình thường và tình trạng an vui của bệnh nhân, ảnh hưởng xấu đến chất lượng sống nhiều hơn loét tá tràng, cao huyết áp suy tim ứ huyết đau thắt ngực và ngay cả rối loạn khi mãn kinh. Tuy nhiên sự quan tâm của các thầy thuốc đối với các bệnh nhân bị trào ngược dạ dày - thực quản không phải luôn luôn phản ánh đầy đủ tầm quan trọng của vấn đề.

Cơ chế gây trào ngược là do giảm trương lực cơ vòng dưới thực quản. Nguyên nhân gây giảm trương lực cơ vòng này cho đến nay người ta mới biết được là do một số thuốc và thức ăn. Hậu quả của hiện tượng trào ngược này là gây viêm thực quản và loét thực quản, cả 2 hậu quả này đều có thể hẹp thực quản.

Nhận biết bệnh GERD

Những triệu chứng lâm sàng chính của GERD bao gồm những triệu chứng tiêu hoá và những triệu chứng hô hấp (ho hen phế quản viêm phế quản) đau ngực không đặc hiệu và các triệu chứng tai mũi họng.

Một số triệu chứng chính thường gặp

Ợ chua: Bệnh nhân thấy chua ở trong miệng sau khi ợ hay xuất hiện sau bữa ăn, khi nằm, về đêm, khi thay đổi tư thế. Dịch axit trong hầu họng, đôi khi kèm theo nôn, phản ánh khối lượng lớn dịch trào ngược vào thực quản. Thường ợ chua xảy ra sau cảm giác ợ nóng sau ăn hoặc thay đổi tư thế. Vào ban đêm, có thể có những cơn ho khó thở và rồi ợ chua.

Đau ngực: Đôi khi biểu hiện như một cảm giác đè ép, thắt ở ngực xuyên ra lưng, cánh tay, khó phân biệt với cơn đau do mạch vành. Đau là do trào ngược axit lên kích thích vào đầu mút các sợi thần kinh trên bề mặt niêm mạc hoặc do co thắt thực quản

Nuốt đau: Là hiện đau sau xương ức khi nuốt. Kết hợp với các triệu chứng khác của GERD thì có thể nghi ngờ các tổn thương viêm loét thực quản nặng.

Nuốt khó: Cảm giác vướng, nghẹn sau nuốt thức ăn độ 15 giây, do phù nề co thắt do hẹp thực quản. Trong viêm thực quản có hẹp, lúc đầu nuốt khó với thức ăn đặc, sau dần dần nuốt khó với các thức bán lỏng, sau đó nuốt khó với cả thức ăn lỏng hoặc thức ăn đi qua thực quản một cách bất thường.

Trên lâm sàng, GERD có thể chỉ có những triệu chứng nhẹ nhàng, thoáng qua, có khi lại rất rầm rộ ảnh hưởng tới sức khoẻ và sinh hoạt của người bệnh.

Khó khăn trong điều trị bệnh

Các mục tiêu của việc điều trị một bệnh nhân bị trào ngược dạ dày- thực quản là làm mất triệu chứng, chữa lành tình trạng viêm thực quản nếu có, ngăn ngừa chít hẹp, trợt niêm mạc loét tái phát và duy trì hiệu quả điều trị. Nhưng trong quá trình điều trị còn gặp những khó khăn nhất định:

Bệnh chưa được quan tâm đúng mức: Trong khi mục tiêu làm mất triệu chứng được nhận thức rõ từ cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân thì các mục tiêu còn lại lại chưa được đánh giá một cách đúng mức. Người ta nhận thấy đa số bệnh nhân bị trào ngược dạ dày- thực quản, dù có tổn thương niêm mạc hay không, thường dẫn đến một tình trạng bệnh mạn tính mà nó hầu như sẽ tái phát nếu không được tiếp tục điều trị. Vì vậy, việc duy trì chất lượng sống của bệnh nhân và phòng ngừa biến chứng đòi hỏi bệnh nhân phải được củng cố hiệu quả điều trị, là một mục tiêu mà ở đa số bệnh nhân chỉ có thể đạt được bằng cách duy trì việc sử dụng thuốc hoặc phải được phẫu thuật.

Thay đổi điều trị tùy theo biểu hiện lâm sàng: Việc điều trị bệnh trào ngược dạ dày- thực quản cần được thay đổi tuỳ theo biểu hiện lâm sàng. Chẳng hạn bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và không thường xuyên và/hoặc có viêm trợt nhẹ trên nội soi thường có thể được điều trị bằng liều đầy đủ thuốc giảm tiết. Bệnh nhân có triệu chứng từ trung bình đến nặng (dù có tình trạng viêm trợt trên nội soi hay không), có viêm thực quản, hoặc có biến chứng (chít hẹp hoặc dị sản thực quản Barrett), cần phải dùng một thuốc ức chế bơm proton để chữa lành vết loét và làm giảm triệu chứng.

Điều trị duy trì cần thực hiện nghiêm túc: Trong hầu hết những bệnh nhân có triệu chứng trung bình đến nặng, việc điều trị duy trì là cần thiết với liều kháng tiết acid thấp nhất có hiệu quả nhằm duy trì tình trạng không triệu chứng.

Chế độ ăn uống với người bệnh GERD

Khi mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản người bệnh mỗi bữa không nên ăn quá nhiều, nên ăn làm nhiều bữa, 4 – 5 bữa mỗi ngày, mỗi bữa ăn ít một. Không nên ăn chất lỏng, nên ăn đặc, khô. Sau khi ăn không nên nằm nhiều, ngồi ở tư  thế cúi ra phía trước... mà nên nằm ngủ ở tư thế đầu dốc cao. Bỏ hẳn một số thức ăn làm giảm trương lực cơ vòng như socola thuốc lá cà phê, chất mỡ nước khoáng có hơi. Ăn chậm, nhai nát kỹ, tránh nuốt hơi vào dạ dày.

Trào ngược dạ dày thực quản gây biến chứng gì?

Viêm thực quản: Tỷ lệ thường gặp khoảng 2% dân số (chiếm 10-20% bệnh nhân đến soi). Tuổi hay có biến chứng viêm thực quản là 60-70 tuổi. Người ta thấy có 81% bệnh nhân trên 60 tuổi có triệu chứng lâm sàng trào ngược dạ dày- thực quản, trong đó chỉ có 47% số người dưới 60 tuổi có triệu chứng này.

Chảy máu: Chiếm từ 6-24% trong số viêm thực quản.

Chít hẹp thực quản: 1,21-2,5%, có một số yếu tố tăng nguy cơ chít hẹp thực quản như nghiện rượu hút thuốcđái tháo đường sử dụng thuốc kháng viêm NSAID.

Dị sản Barrett’s: Hay gặp ở người trên 60 tuổi (34% so với 12%), ở nam nhiều hơn nữ (3,5/1). Người ta cho rằng 10-15% bệnh nhân dị sản sẽ phát triển thành loạn sản và ung thư thực quản cho nên với bệnh nhân dị sản thực quản cần kiểm tra bằng nội soi và sinh thiết liên tục trong 2 năm.

Ngoài ra trào ngược dạ dày thực quản còn có thể gây loét dạ dày tá tràng, viêm thanh quản thành trước hen phế quản bệnh phổi hít và ung thư thực quản đoạn xa.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật