Trẻ bị thủy đậu phải làm sao? Cách xử lí bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu do một loại siêu vi mang tên Varicella Zoster virus (VZV) gây nên. Thủy đậu là bệnh rất dễ lây truyền, thường bùng phát thành dịch vào mùa xuân. Khi trẻ bị thủy đậu, cha mẹ cần lưu ý những điều sau.

 

Triệu chứng khi bị thủy đậu

Thoạt đầu người bệnh có sốt, thường là sốt nhẹ trong một vài ngày. Sau đó, sẽ thấy nổi lên trên da những vết dát đỏ; chỉ sau đó 1-2 ngày, xuất hiện các mụn bóng nước giữa các nến đỏ đó. Những mụn bóng nước này thường mọc ở thân mình, sau đó lan lên mặt và tay chân. Mụn bóng nước lúc đầu chứa một chất dịch trong, nhưng chỉ sau khoảng 1 ngày dịch đó trở nên đục như mủ. Sau 2-3 ngày nữa, các mụn sẽ đóng vẩy. Các vẩy đó sẽ rụng dần và nếu không có biến chứng gì thì sẽ không để lại sẹo.

Mụn nước là một trong những triệu chứng của người bị thủy đậu

Mụn nước là một trong những triệu chứng của người bị thủy đậu

Đặc điểm của các mụn nước đó là chúng mọc làm nhiều đợt khác nhau. Do đó, cùng trên 1 vùng da, có thể thấy nhiều dạng khác nhau: hoặc dát đỏ, hoặc mụn nước trong, mụn nước đục, mụn đóng vẩy… trong cùng 1 thời gian. Nếu không có biến chứng, bệnh có thể khỏi sau 1-2 tuần.

Khi bị thủy đậu nói chung, tuy không có vẻ nguy kịch như một số bệnh nặng khác, nhưng cũng đã không ít lần gây biến chứng nguy hiểm cho người bệnh, nhất là cho các trẻ nhỏ. Một số trẻ đã bị xuất huyết ở các mụn thủy đậu, bệnh trở thành một thể “thủy đậu xuất huyết” rất trầm trọng. Một số trẻ khác bị bội nhiễm thêm các vi khuẩn khác. Các vi khuẩn này vào các mụn thủy đậu, làm sưng to lên, nhiều khi lại gây ngứa.

Trẻ không chịu được, gãi toác da và từ đó để lại những vết sẹo rất xấu. Điều này đã làm khổ tâm nhiều em gái. Trong một số trường hợp, các vi khuẩn nói trên, từ các mụn thủy đậu lại xâm nhập ồ ạt vào máu, gây ra nhiều bệnh ở cơ quan khác, như viêm thận viêm gan… Riêng chứng “nhiễm khuẩn huyết” mà chúng gây nên cũng đã là nguy hiểm chết người. Chứng viêm phổi do thủy đậu ít khi xảy ra hơn, nhưng rất nặng và rất khó trị.

Chứng viêm não do thủy đậu cũng vẫn xảy ra, không hiếm: sau thủy đậu trẻ bỗng trở nên vật vã, quờ quạng chân tay, nhiều khi kèm theo co giật (làm kinh), hôn mê. Những trường hợp này có thể gây chết người nhanh chóng, và một số trẻ tuy qua khỏi được vẫn mang di chứng thần kinh lâu dài: bị điếc, bị khờ, bị động kinh…

Có một thể thủy đậu đặc biệt, gọi là thủy đậu bẩm sinh: Những trẻ khi mới sinh ra đã có một số tổn thương ngoài da giống như thủy đậu, nhưng tai hại hơn nữa lại có kèm theo một số dị tật: teo cơ ở chân tay, bệnh ở mắt (bệnh “đục thủy tinh thể”, có thể gây mù), khờ… Có hiện tượng đó là do bà mẹ đã bị thủy đậu trong lúc mang thai và bệnh đã xảy ra trong 6 tháng đầu của thai kỳ

Cách xử lý

Bệnh thủy đậu lây truyền rất nhanh. Trẻ bị thủy đậu có thể lây bệnh cho người khác 5 ngày trước và sau khi phát ban và không còn lây lan nữa khi các mụn nước đã khô vảy. Bệnh còn có thể lây truyền gián tiếp qua tiếp xúc với quần áo hoặc các vật dụng khác đã nhiễm dịch tiết từ các vết mụn phồng rộp của người bệnh.

Phòng bệnh thủy đậu bằng cách tiêm vắc xin phòng bệnh. Đây là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất. Vắc xin đã được chứng minh là có hiệu quả bảo vệ cao (trên 97%) và kéo dài trong suốt cuộc đời. Theo Trung tâm Y tế Dự phòng Đà Nẵng, lịch tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cụ thể như sau:

Phòng bệnh thủy đậu bằng cách tiêm vắc xin phòng bệnh.


Tiêm phòng là biện pháp phòng bệnh thủy đậu hiệu quả

Tiêm phòng là biện pháp phòng bệnh thủy đậu hiệu quả

– Tiêm mũi 1 cho mọi đối tượng từ 12 tháng tuổi trở lên.

– Tiêm mũi 2 nhắc lại cách mũi 1 thời gian là 6 tuần trở đi (không được tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần).

Ngoài Trung tâm Y tế Dự phòng, mọi người có thể tiêm ngừa vắc xin thuỷ đậu cho trẻ tại các Đội Y tế dự phòng thuộc các Trung tâm Y tế đóng trên địa bàn các quận/huyện.

Trẻ bị thủy đậu cần:

– Nằm trong phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời, thời gian cách ly là khoảng 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh (phát ban) cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn.

– Sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng: khăn mặt, ly, chén, muỗng, đũa.

– Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 90/00.

– Thay quần áo và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm trong phòng tắm cho trẻ

– Nên mặc quần áo rộng, nhẹ, mỏng.

– Khi bị thủy đậu, nên cắt móng tay cho trẻ, giữ móng tay trẻ sạch hoặc có thể dùng bao tay vải để bọc tay trẻ nhằm tránh biến chứng nhiễm trùng da thứ phát do trẻ gãi gây trầy xước các nốt phỏng nước.

– Ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả.

– Dùng dung dịch xanh Milian (xanh Methylene) để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ.

– Trường hợp sốt cao, có thể dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường nhưng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc có thể dùng kháng sinh trong trường hợp nốt rạ bị nhiễm trùng: nốt rạ có mủ, tấy đỏ vùng da xung quanh… Tuyệt đối không được dùng thuốc Aspirin để hạ sốt khi bị thủy đậu.

– Nếu trẻ cảm thấy: Khó chịu, lừ đừ mệt mỏi co giật hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt rạ nên đưa đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật