Cách phòng và chăm sóc trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng tại nhà

Bệnh tay - chân - miệng (TCM) là một bệnh nhiễm khuẩn thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, đau miệng, loét miệng với vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi; phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời.

Dễ bùng phát thành dịch

Tác nhân gây bệnh TCM trước đây được biết là virus Coxsackie. Khảo sát tại Bệnh viện Nhi đồng đã xác nhận sự hiện diện của Enterovirus 71 và virut Coxsakie trong các đợt dịch bệnh tại TP.HCM.

Virut gây bệnh có khả năng lây lan rất nhanh qua đường miệng. Trong những đợt dịch, bệnh có thể lây rất nhanh từ trẻ này sang trẻ khác qua các chất tiết mũi miệng, phân hay bọt nước của trẻ bệnh. Trẻ lành tiếp xúc trực tiếp với trẻ bệnh, bị nhiễm bệnh do nuốt phải nước bọt của trẻ bệnh được văng ra trong lúc ho hắt hơi; hoặc do trẻ lành cầm nắm đồ chơi, sờ chạm vào sàn nhà bị dây dính nước bọt, chất tiết mũi họng của trẻ bệnh. Ngoài ra, bệnh còn lây cho trẻ qua bàn tay chăm sóc của các cô trông trẻ.

Virut xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc miệng hay ruột vào hệ thống hạch bạch huyết và từ đó sẽ phát triển rất nhanh và gây ra các tổn thương ở da và niêm mạc.

Biểu hiện của bệnh

Sau thời gian ủ bệnh 3 - 6 ngày bệnh thường khởi phát với các triệu chứng như sốt nhẹ đau họng biếng ăn đại tiện lỏng vài lần trong ngày, trẻ kém linh hoạt.

Giai đoạn toàn phát: Sau 1- 2 ngày trẻ sẽ nhanh chóng xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh với biểu hiện phát ban ở các vị trí đặc hiệu và loét miệng Trường hợp nặng với các biểu hiện biến chứng thần kinh và tim mạch. Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc má, lợi, lưỡi. Đồng thời xuất hiện phỏng nước ở lòng bàn tay lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó để lại vết thâm Khi trẻ sốt cao, mụn nhiều là dấu hiệu nặng, nguy cơ biến chứng. Biến chứng thần kinh tim mạch hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh.

Thường sau 7 - 10 ngày trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn, không hoặc ít di chứng. Nếu thấy bệnh chuyển thành sốt cao, nôn nhiều, dễ giật mình hoảng hốt run tay chân chới với, mạch nhanh không tương ứng với nhiệt độ cơ thể thì cần cho trẻ nhập viện ngay.

Chăm sóc trẻ bệnh TCM tại nhà

Với những trẻ mắc TCM độ 1, việc chăm sóc và theo dõi điều trị ở nhà là chủ yếu. Nên:

- Cách ly trẻ bị bệnh với các trẻ khác trong nhà; Người lớn khi tiếp xúc và chăm sóc trẻ bệnh nên mang khẩu trang y tế cho mình và cho cả trẻ bệnh, sau khi tiếp xúc nên rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sạch ngay để hạn chế sự lây lan khi phải chăm sóc trẻ lành.

- Quần áo, tã lót của trẻ bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như dung dịch cloramin B 2% hoặc luộc nước sôi trước khi được giặt sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch.

- Vật dụng cá nhân ăn uống của trẻ như bình sữa ly uống nước bát đũa… nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt.

- Cho trẻ uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu.

- Không làm trẻ đau họng thêm bằng cách dùng muỗng mềm cho ăn, không nên ngậm vú giả, không cho ăn uống các loại thức ăn có vị chua hoặc mặn quá dễ làm tổn thương niêm mạc miệng.

- Súc miệng bằng nước muối ấm (1/2 muỗng canh muối hòa trong 200ml nước ấm) nếu trẻ súc được.

- Chỉ dùng thuốc paracetamol để hạ sốt giảm đau và các thuốc khác do bác sĩ chỉ định.

- Nên vệ sinh thân thể cho trẻ nhẹ nhàng, tránh làm vỡ mụn nước Tuyệt đối không kiêng khem tắm rửa cho trẻ vì dễ làm cho vết thương bị nhiễm khuẩn

Nhập viện kịp thời khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu: trẻ khó ngủ quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức hay nói nhảm, hoảng hốt lúc thiu thiu ngủ, sốt cao các chi run và co giật nôn ói nhiều.  

Bệnh TCM lúc đầu có thể chỉ sốt nhẹ ho khan nổi ban… giống như các nhiễm virut thông thường khác nhưng sau đó một số ít sẽ diễn biến nguy kịch nhanh. Tốt nhất là đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế gần nhà khi có bất cứ bất thường nào dù đang mùa dịch hay không để được bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời.

Phòng bệnh TCM như thế nào?

Hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh nên cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh:

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Nếu có chăm sóc trẻ thì cần lưu ý rửa tay sau mỗi lần thay tã, làm vệ sinh cho trẻ.

- Vệ sinh các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, sàn nhà bằng nước và xà phòng.

- Đeo khẩu trang mũi miệng khi hắt hơi hoặc ho nếu mắc hoặc tiếp xúc với trẻ mắc TCM.

- Ăn chín uống sôi và khử khuẩn môi trường có trẻ bị bệnh và môi trường xung quanh.

- Cách ly người bệnh tại nhà cho đến khi khỏi bệnh (thường ít nhất là 7-10 ngày).   

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật