Những triệu chứng trí nhớ kém thường gặp và các lưu ý dùng thuốc hiệu quả

Trí nhớ kém là một trong các triệu chứng điển hình thường gặp ở bệnh nhân tâm thần. Vì vậy, phục hồi trí nhớ là một trong những phần quan trọng giúp bệnh nhân sớm hòa nhập cộng đồng. Sau đây là một số bệnh có triệu chứng trí nhớ kém thường gặp và những lưu ý khi dùng thuốc hỗ trợ phục hồi trí nhớ.

Trầm cảm

Quên (trí nhớ kém) trong trầm cảm là một triệu chứng gặp ở trên 90% số bệnh nhân bị trầm cảm, dù là trầm cảm mức độ nhẹ, vừa hay nặng. Quên ở rối loạn trầm cảm là quên trí nhớ gần (nghĩa là các sự vật, hiện tượng mới xảy ra), còn trí nhớ xa thì vẫn tương đối tốt. Vì thế, bệnh nhân hay bỏ đâu, quên đấy (vừa để chùm chìa khóa hoặc cái bút ở đâu mà không sao nhớ ra).

Do trí nhớ gần bị tổn thương nên bệnh nhân hầu như không có khả năng tiếp thu các kiến thức mới, điều này thể hiện rất rõ ở kết quả học tập sút kém đột ngột ở bệnh nhân là học sinh, sinh viên. Họ bỏ đâu, quên đó, vừa dặn họ xong thì họ đã quên ngay. Bệnh nhân cao tuổi thì triệu chứng quên thể hiện rất trầm trọng. Họ tuy vẫn nhớ được tên, tuổi, quê quán của mình (trí nhớ xa), nhưng lại không nhớ nổi mình đã ăn sáng hay chưa và ăn cái gì.

Để lấp vào khoảng trống về trí nhớ này, họ có thể bịa chuyện một cách không chủ ý (nhớ bịa). Vì vậy, nhiều khi con cháu trong gia đình bệnh nhân rất xấu hổ vì bệnh nhân than phiền với mọi người rằng “chúng nó không cho tôi ăn gì”. Nhiều trường hợp bệnh nhân quên trầm trọng đến mức không nhớ đường về nhà, tình trạng này được gọi là mất trí giả (để phân biệt với các bệnh mất trí thật như Alzheimer).

Thuốc hỗ trợ phục hồi trí nhớ ở đây chính là các thuốc chống trầm cảm Người ta khuyên dùng các thuốc chống trầm cảm thế hệ mới như sertraline, paroxetine, mirtazapine và venlafaxine vì chúng dung nạp tốt, ít tác dụng phụ, có thể điều trị lâu dài mà không sợ độc hại đến tim gan thận... Thông thường, sau 1 tháng đầu, trí nhớ của bệnh nhân phục hồi rất tốt cùng với các triệu chứng trầm cảm khác. Nhưng sau đó, trí nhớ phục hồi với tốc độ chậm hơn và phải sau 6 - 12 tháng thì trí nhớ mới bình phục hoàn toàn. Tập chép bài nhiều lần, đọc báo, xem tivi và sau đó kể lại những nội dung chính là phương pháp hỗ trợ luyện trí nhớ hiệu quả.

Lo âu lan tỏa

Quên trong lo âu lan tỏa cũng là quên trí nhớ gần. Quên ở đây có nguyên nhân là bệnh nhân không thể tập trung chú ý được vào một sự vật hiện tượng nào quá vài phút, do vậy họ không thể ghi nhớ được. Họ miêu tả rằng họ có trí nhớ “trống rỗng” hoặc đầu óc trống rỗng. Những bệnh nhân này luôn trong tình trạng lo lắng căng thẳng quá mức và không thể kiểm soát được. Họ lo lắng cả với những lý do rất nhỏ như giá xăng tăng (hoặc giảm) con đi học về muộn mấy phút, lo mất điện luân phiên, lo mùa đông mưa dầm, giá thực phẩm biến động...

Ngoài ra, bệnh nhân còn các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật khác như đánh trống ngực mót đi tiểu đầy bụng dễ mệt, khó vào giấc ngủ ra nhiều mồ hôi và có các cơn nóng bừng mặt hoặc lạnh buốt. Có thể nói, tình trạng căng thẳng lo lắng và các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật đã lấy hết năng lượng của họ, khiến họ trở nên kiệt sức dù chỉ sau một cố gắng nhỏ để đọc sách, nghe giảng… Vì vậy, trí nhớ gần của họ cũng rất tồi tệ và kết quả học tập sút kém.

Về thuốc điều trị thì nên ưu tiên cho các thuốc chống trầm cảm là clomipramine và venlafaxine. Cần lưu ý phải tăng liều thuốc một cách từ từ vì bệnh nhân lo âu lan tỏa kém dung nạp với thuốc. Liều thuốc chữa lo âu lan tỏa cũng phải cao hơn liều thuốc chữa trầm cảm thời gian đạt kết quả đến chậm (thường là sau 3 tháng). Để bệnh nhân nhanh hết lo âu, tạo điều kiện cho trí nhớ phục hồi tốt, các bác sĩ thường cho thêm benzodiazepin liều nhỏ trong tháng đầu điều trị. Các thuốc được khuyên dùng là rivotril và lexomil do chúng có hiệu quả chống lo âu cao và ít nguy cơ gây phụ thuộc thuốc.

Nghiện rượu

Rối loạn trí nhớ trong nghiện rượu là quên cả trí nhớ gần và trí nhớ xa. Lúc đầu, bệnh nhân mất trí nhớ gần, khi đã uống rượu lâu ngày (trên 10 năm), bệnh nhân mất cả trí nhớ xa. Nhiều bệnh nhân quên trong cơn say rượu nghĩa là sau khi tỉnh rượu, họ không thể nhớ được những gì đã xảy ra vừa qua. Người ta nhận thấy, rượu có nhiều aldehyd gây rối loạn trí nhớ trầm trọng hơn rượu chứa ít chất này. Nếu rượu có chứa một tỷ lệ nhỏ methanol thì bệnh nhân có thể bị mất trí vĩnh viễn chỉ sau một lần uống rượu (lượng vừa phải) duy nhất.

Để phục hồi trí nhớ trong nghiện rượu thì việc cai nghiện rượu và chống tái nghiện rượu là rất quan trọng. Người ta hay dùng disulfiram (esperal) để phòng tái nghiện rượu. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần được dùng vitamin B1 liều cao và piracetam liều cao. Hai thuốc này dùng càng sớm, càng tốt. Với các trường hợp mất trí do rượu (hội chứng Korsakov) thì dù có được điều trị kịp thời và tích cực, tỷ lệ phục hồi về trí nhớ của bệnh nhân chỉ là 40% sau 6 tháng.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật