Những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới rụng tóc bạn nên biết

Rụng tóc có thể do nội tiết, thiếu dinh dưỡng, chải tóc quá mạnh,... Có một số liệu pháp có thể điều trị rụng tóc như dùng thuốc, cấy mô dưới da.

Rụng tóc là một phản ứng bình thường của cơ thể trước những tác động, ví dụ như phẫu thuật, bị sốt hoặc mang thai Hoặc đó cũng có thể là một dấu hiệu của sự thiếu chất hay mất cân bằng hoá học. Do đó bạn càng biết sớm càng tốt.

Tình trạng rụng tóc cũng cho ta biết phần nào nguyên nhân dẫn đến rụng tóc: rụng khắp da đầu hay chỉ ở một số vùng nhất định? Có để lại đường rõ rệt?

Trung bình hàng ngày tóc rụng khoảng 50 sợi, nhưng với một số người có thể lên tới 100 sợi/ngày. Tóc thường bị rụng mỗi khi tác động vào da đầu như gội, chải...

Số tóc bị rụng khi gội hoặc chải đầu là số tóc trong giai đoạn nghỉ ngơi, tức là chúng đã sẵn sàng để rụng. Số tóc này chiếm khoảng 15%  trên da đầu,  nếu bạn bị rụng quá 20% số tóc thì tức là bạn bị rụng tóc quá nhiều và cần tìm nguyên nhân cho sự bất thường đó.

Nguyên nhân rụng tóc

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến rụng tóc.

Do nội tiết: Gần như tất cả đàn ông đều có dạng chân tóc chữ M và tóc thưa hơn ở phần đỉnh đầu. Hiện tượng tóc rụng được gây nên từ một sự chuyển hoá nội tiết tố nam testosterone thành một chất có tên DHT. Các nang tóc dần trở nên nhỏ hơn, giai đoạn mọc tóc ngắn đi, giai đoạn thoái hoá của tóc dài ra. Kiểu rụng này chỉ xảy ra ở phần trước và trên của tóc vì đây là khu vực nhạy cảm với hormon Phụ nữ trong thời kỳ mang thai hoặc sau khi sinh cũng thường bị rụng tóc.

Do hoá trị liệu: Đó là khi cơ thể có những phản ứng với những chất hoá học được truyền vào cơ  thể. Hoá trị liệu làm ảnh hưởng lên sự phát triển của nang tóc ở giai đoạn thoái hoá. Các chân tóc không phát triển bình thường, dễ bị gãy rụng trên toàn bộ da đầu. Khi đã hết điều trị hoá chất thì nang tóc lại được tái sinh.

Rụng tóc từng mảng: Đôi khi hệ miễn dịch của cơ thể lại tấn công những chồi tóc đang phát triển, hiện tượng này dẫn đến rụng tóc từng mảng. Khi hiện tượng tự miễn này chỉ diễn ra ở phần củ tóc, các nang tóc sẽ lại được tái sinh khi hệ thống miễn dịch được kiểm soát. Trường hợp rụng tóc thành sẹo là do các tế bào cọng tóc ở chỗ phình của nang tóc bị tấn công, gây hậu quả mất tóc vĩnh viễn.

Các nguyên nhân khác: Có nhiều nguyên nhân khác như thường xuyên giựt tóc, chải tóc quá mạnh, cơ thể thiếu chất, hoặc quá căng thẳng

Giải pháp điều trị rụng tóc

Hiện tại đã có rất nhiều phương pháp điều trị khả quan cho bệnh nhân bị rụng tóc như: dùng thuốc cấy mô dưới da...

Dùng thuốc: Có thể dùng dầu gội chứa minoxilid để chữa rụng tóc, dùng hàng ngày sẽ giúp làm chậm quá trình rụng tóc và kích thích cho sự mọc tóc mới.

Phẫu thuật: Cấy chuyển các mảng da có tóc từ vùng tóc mọc tốt đến các vùng bị rụng tóc Các mảnh ghép đó có thể thực hiện và đem lại kết quả tốt, tuy nhiên khó thực hiện ở những người lớn tuổi.

Giãn mô: có thể điều trị tại khoa thẩm mỹ của các bệnh viện Khi điều trị bằng phương pháp này, các bác sĩ trước tiên đặt một túi dưới vùng da có tóc, trong vòng 2 tháng các bác sĩ bơm nước muối sinh lý vào túi này thành nhiều đợt, mỗi đợt từ 80-100cc. Khi phần da giãn ra đủ sử dụng, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật để lấy phần da giãn che phủ phần không mọc tóc. Phương pháp này được áp dụng rộng rãi cho những bệnh nhân bị hói đầu hoặc không có tóc do chấn thương, bỏng...

Ngoài ra cũng cần tránh những tác động hoá học lên tóc quá nhiều như uốn, duỗi nhuộm tóc sẽ  làm ảnh hưởng đến thành phần cấu tạo tóc. Gội đầu và dưỡng tóc một cách khoa học, không để dầu gội dính vào da đầu, do vậy phải rửa sạch sau khi gội đầu, bởi bụi bẩn hoặc dầu gội còn sót lại sẽ làm tắc lỗ chân lông giảm sự tuần hoàn nuôi dưỡng tóc.

Chải tóc nhẹ nhàng sẽ giúp thúc đẩy tuần hoàn nuôi dưỡng da, kích thích tóc mọc. Cũng cần chú ý đến yếu tố tâm lý và dinh dưỡng cần ăn uống đủ chất và điều độ, tránh những lo âu căng thẳng để giúp mái tóc khoẻ hơn.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật