Môt số biện pháp phòng ngừa bội nhiễm do sốt rét ác tính gây ra

Khi bệnh nhân bị sốt rét ác tính, do thời gian điều trị khá dài nên dễ dàng bị nhiễm khuẩn bội nhiễm như viêm phế quản - phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, loét các điểm tỳ, nhiễm trùng huyết loại vi khuẩn gram (-), tăng bạch cầu ngoại vi... Vì vậy, các cơ sở y tế, kể cả người nhà bệnh nhân, cần chú ý đến vấn đề này để phòng ngừa.

Viêm phế quản - phổi là tình trạng nhiễm khuẩn bội nhiễm phổ biến nhất và thường xảy ra ở những bệnh nhân bị hôn mê sâu, có tiếng thở khò khè do sự ùn tắc đường hô hấp trên vì cuống lưỡi bị tụt, mất phản xạ nuốt. Ngoài ra cũng có thể xảy ra do kỹ thuật hút đờm không bảo đảm vô trùng, bệnh nhân nằm lâu ngày ở tư thế ngửa, lên cơn co giật đe dọa ngừng thở, thực hiện thủ thuật đặt nội khí quản hoặc mở khí quản...  

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu do việc dẫn lưu nước tiểu của người bệnh không bảo đảm kỹ thuật vô trùng cũng gây nên sự bội nhiễm.

Người bệnh có thể bị loét các điểm tỳ ở vùng xương cùng, gót chân, cùi chỏ... do bị hôn mê sâu, nằm dài ngày, không có đệm lót chống loét, không thực hiện việc vệ sinh sạch sẽ các điểm tỳ hàng ngày.

Tình trạng nhiễm trùng huyết do bội nhiễm loại vi khuẩn gram (-) như Escherichia coli, Pseudomonas aerunosa... có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu phế quản - phế viêm các ổ loét nhiễm trùng và đặc biệt là từ các dây tiêm truyền hay dây luồn vào tĩnh mạch lưu lại nhiều ngày để truyền dịch hoặc đo áp lực tĩnh mạch trung tâm.  

Nhà khoa học Warrel và các cộng sự nghiên cứu trên 175 bệnh nhân sốt rét ác tính thể não đã ghi nhận có 10 trường hợp bị nhiễm trùng huyết loại vi khuẩn gram (-), chiếm tỷ lệ 5,7%; trong đó phân lập từ mẫu máu phát hiện 3 trường hợp nhiễm Escherichia coli và 1 trường hợp bị nhiễm Pseudomonas aerunosa. Khảo sát, xem xét kỹ cũng ghi nhận 4 trường hợp người bệnh đang được dẫn lưu nước tiểu có nhiễm khuẩn đường tiết niệu, 1 trường hợp bệnh nhân đang bị phế quản - phế viêm.  

Trong nghiên cứu cũng cho thấy, đa số trường hợp bệnh nhân sốt rét ác tính thể não bị nhiễm khuẩn bội nhiễm là do nhiễm khuẩn bệnh viện bắt nguồn từ các thủ thuật, kỹ thuật, dụng cụ dùng để thăm dò chẩn đoán và điều trị. Mầm bệnh bị nhiễm phổ biến là loại vi khuẩn gram (-) đã kháng lại với nhiều loại kháng sinh nên tiên lượng bệnh nhân sốt rét ác tính càng nặng và xấu đi; người bệnh thường bị sốc nhiễm trùng do nội độc tố với tỷ lệ tử vong có thể chiếm đến khoảng 50% trường hợp bị nhiễm trùng huyết loại vi khuẩn gram (-).

Tình trạng tăng bạch cầu ngoại vi thường kèm theo trường hợp có nhiễm khuẩn bội nhiễm và có hướng chuyển trái. Theo quy ước, thường người ta xếp bạch cầu từ trái qua phải theo độ biệt hóa của nó từ bạch cầu non đến bạch cầu trưởng thành. Khi nói bạch cầu chuyển trái có nghĩa là đã xuất hiện bạch cầu non trong máu ngoại biên, gợi ý đến bệnh lý tạo máu tại tủy xương Đây là một chỉ số để giám sát sự xuất hiện của nhiễm khuẩn bội nhiễm. Một số trường hợp bị nhiễm khuẩn loại gram (-) nhưng không có hiện tượng tăng bạch cầu nên dễ bị bỏ sót. Ngược lại, một số trường hợp sốt rét ác tính có bạch cầu tăng rất cao, chuyển trái mạnh nhưng không có bội nhiễm; đây là trường hợp được gọi là những phản ứng giả bạch cầu. 

Để đề phòng nhiễm khuẩn bội nhiễm do sốt rét ác tính, các cơ sở y tế, kể cả người nhà bệnh nhân cần chú ý đến vấn đề chăm sóc, nuôi dưỡng như để người bệnh nằm nơi sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát; tránh gió lùa, xoay trở bệnh nhân từ 2-3 giờ một lần để tránh bị loét tư thế, nên cho bệnh nhân nằm trên tấm đệm chống loét. Ngoài ra, cần phải theo dõi chặt chẽ người bệnh để ghi nhận các chỉ số lâm sàng về nhiệt độ, mạch huyết áp nhịp thở 4 giờ một lần, lượng nước tiểu trong 24 giờ. Vấn đề dinh dưỡng cho người bệnh cũng cần được chú ý như chế độ ăn bảo đảm đủ chất dinh dưỡng; nếu bệnh nhân hôn mê, cho ăn thức ăn lỏng qua ống thông dạ dày

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật