Người bị nhịp tim chậm cần nhớ điều này để bệnh tật không ghé thăm

Triệu chứng thường gặp nhất của rối loạn nhịp tim chậm là người bệnh thấy mệt mỏi, mệt kéo dài. Nặng hơn, bệnh nhân choáng váng, mặt mũi tối sầm vì máu lên não không đủ, ngất xỉu.

Từ nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị H (60 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) thường cảm thấy mệt mỏi kéo dài. Thỉnh thoảng bà thấy hoa mắt chóng mặt đặc biệt là khi đi lại, lên xuống cầu thang, bà cảm thấy trời đất chao đảo, bước đi hẫng hụt.

Bệnh một đằng, khám một nẻo

Bà H cho rằng mình gặp vấn đề về thần kinh, nên mới đi khám ở phòng khám tư gần nhà và uống thuốc thần kinh theo đơn đã kê. Tuy nhiên, tốn bao nhiêu tiền thuốc nhưng tình trạng hoa mắt, chóng mặt không cải thiện. “Thỉnh thoảng tôi còn có cảm giác mất ý thức thoáng qua, không nhớ vừa rồi làm gì, mất vài giây lại trở về bình thường!” – bà H chia sẻ.

Bị vậy nhưng bà H vẫn chủ quan. Đến khi mệt mỏi kéo dài, lại thêm một lần bà ngất xỉu con trai bà vội vàng đưa đi khám tim mạch thì phát hiện chính xác bà bị nhịp tim chậm mãn tính. Nếu không điều trị sớm, nguy cơ suy tim rất có thể xảy ra với bà H.

Theo BS Nguyễn Duy Toàn, khoa tim mạch – Bệnh viện Quân y 103, hiểu đơn giản, bệnh nhịp tim chậm là tình trạng tim đập quá chậm. Với một trái tim khỏe mạnh, nút xoang là nút chủ nhịp của tim, nó phát ra nhịp tim từ 60-100 lần/phút và điều hòa nhịp tim theo nhu cầu cơ thể. 

“Khi nhịp tim chậm, tim không thể bơm đủ lượng máu cần thiết để cung cấp oxy cho hoạt động bình thường của cơ thể hoặc tập thể dục Kết quả là, người bệnh có thể thấy hoa mắt, mệt mỏi kéo dài, thở gấp hoặc choáng” – BS Toàn cho biết.

Theo BS Toàn, nếu nhịp tim đo được dưới 60 lần/phút, có nghĩa là đã bị nhịp tim chậm. Mọi đối tượng có thể bị bệnh nhịp tim chậm nhưng hay gặp ở người cao tuổi và thanh niên hay chơi thể dục thể thao. Tuy nhiên, với những người hay chơi thể thao, nếu có nhịp tim từ 50-55 lần/phút và không có triệu chứng đi kèm thì không đáng ngại.

“Triệu chứng thường gặp nhất là người bệnh thấy mệt mỏi, mệt kéo dài. Nặng hơn, bệnh nhân choáng váng mặt mũi tối sầm vì máu lên não không đủ, ngất xỉu. Nguy hiểm hơn, việc ngất xỉu, nhất là đối với người cao tuổi thường có chấn thương đi kèm vì ngất gây ngã, chấn thương, thậm chí là chấn thương sọ não Bệnh cũng có thể gây đột tử” – BS Toàn nói.

Bệnh khó nhận biết, dễ nhầm lẫn thành bệnh do thần kinh

Tuy nhiên, do những triệu chứng trên đây nên bản thân và thầy thuốc không phải ai cũng chẩn đoán ra bệnh ngay.

“Nhiều bệnh nhân vào đây là do mệt mỏi, choáng váng khó thở nghĩ bệnh thần kinh nên đi khám chuyên khoa thần kinh. Họ uống thuốc mãi không khỏi, đến khi không may bị ngất mới đi cấp cứu ở khoa Tim mạch mới phát hiện nhịp tim chậm”- BS Toàn chia sẻ.

Về nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ tim mạch cho biết nhịp tim chậm có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, thường gặp nhất là do hội chứng nút xoang bệnh lý và blốc nhĩ thất cấp 2-3. Với nguyên nhân đầu tiên, khi nút xoang có bệnh (suy yếu) sẽ làm cho tim có những lúc không thể tự phát nhịp được, nhịp tim quá chậm (có khi chỉ 30-40 lần/phút) hoặc nhịp tim lúc nhanh, lúc chậm, không thể theo nhu cầu của cơ thể. Tỷ lệ tử vong do nguyên nhân này khoảng từ 5-10%.

Với nguyên nhân do blốc nhĩ thất cấp 3, khi nhịp tim chỉ khoảng 40 lần/phút, tiên lượng điều trị bảo tồn thường không tốt, nhất là người cao tuổi và có các bệnh lý tim mạch khác kèm theo. Tỷ lệ sống sót được thống kê rất đáng quan ngại: Sau 1 năm là 60% và sau 5 năm là 30%. 1/3 các trường hợp mắc nguyên nhân này đột tử

Điều trị nhịp tim chậm bằng cách nào?

BS Toàn cho hay, việc điều trị nhịp tim chậm phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Thường bác sĩ sẽ lựa chọn điều trị bằng thuốc hoặc chỉ định cấy máy tạo nhịp tim. Điều kiện để cấy máy này là với những trường hợp rối loạn nhịp tim chậm, điều trị bằng thuốc không hiệu quả, hoặc nhịp tim quá chậm do rối loạn điện sinh lý tim (suy nút xoang, blốc nhĩ thất cấp 2, cấp 3…).

Máy tạo nhịp tim, hiểu đơn giản là một hệ thống bao gồm máy điều hòa nhịp tim và dây dẫn, có đường kính bằng quả bóng bàn. Sau khi được cấy, máy tạo nhịp chỉ hoạt động khi nhịp tim quá thấp (dưới 50 lần/phút).

Thủ thuật cấy máy tạo nhịp tim thường rất an toàn, đơn giản và không cần phẫu thuật mở tim, chỉ cần rạch da một đường nhỏ khoảng 5-10 cm ở ngay dưới xương đòn bệnh nhân và dẫn dây, đặt máy. Đây là thủ thuật ít đau đa số chỉ cần gây tê tại chỗ, không cần gây mê nên bệnh nhân vẫn tỉnh táo khi thực hiện thủ thuật (khoảng 30-45 phút).

Điều quan trọng là bệnh nhân có thể ra viện chỉ 3-5 ngày sau khi cấy máy tạo nhịp và trở về cuộc sống bình thường với những lời hướng dẫn của chuyên gia tim mạch.

Chia sẻ với PV sau khi cấy máy tạo nhịp tim 2 buồng, bà H cho biết: Ban đầu, khi nghe bác sĩ tư vấn cấy máy, bà rất ngại và lưỡng lự vì “tự nhiên đeo cái máy trong người”. Nhưng nguy cơ suy tim đột tử nhỡn tiền, bà đã mạnh dạn cấy máy.

“Kết quả là, trước đây tôi ngủ thường không ngon giấc, ngủ dậy còn có cảm giác mệt mỏi, bác sĩ bảo do nhịp tim tôi quá chậm (30-40 lần/phút) nên bị thiếu oxi lên não. Sau khi cấy, tôi thấy ngủ ngon hơn, sâu hơn, đầu óc cũng “thông thoáng” hơn nhiều” – bà H chia sẻ.

BS Toàn thông tin, gần đây, số người bị nhịp tim chậm đến cấy máy tạo nhịp tim tăng lên do những hiệu quả mà máy mang lại. Chỉ trong 2 năm, đã có hơn 100 bệnh nhân đặt máy. Chi phí cho mỗi ca dao động từ 60-150 triệu đồng, được bảo hiểm y tế chi trả một phần.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật