Thủy đậu không đáng sợ nếu phòng ngừa theo những cách này

Ai cũng có thể mắc thuỷ đậu, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, theo thống kê của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh có đến 90% các trường hợp mắc thuỷ đậu là trẻ nhỏ từ 2-7 tuổi, tuy nhiên thủy đậu cũng không loại trừ đối tượng người lớn...

Vì sao thuỷ đậu thường “tấn công” trẻ em?

Theo các chuyên gia, thủy đậu hay còn gọi là trái rạ là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi rút Varicella - Zoster gây ra. Bệnh này xuất hiện rải rác trong năm và thường tập trung cao điểm từ tháng 4 đến tháng 6. Bệnh có thể xuất hiện với cả trẻ và người lớn.

Theo thống kê của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, 90% số bệnh nhân bị nhiễm thủy đậu là trẻ em trong khoảng từ 2 đến 7 tuổi. Sở dĩ trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị bệnh thủy đậu nhất vì hệ miễn dịch yếu hoặc chưa hoàn thiện, dẫn đến sức đề kháng kém. Ngoài ra, do đây là bệnh dễ lây nhiễm nên những trẻ đi học, thường xuyên tiếp xúc với những môi trường đông người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Thủy đậu vốn là một bệnh lành tính nhưng nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

PGS.TS Cao Hữu Nghĩa (Trưởng Khoa xét nghiệm sinh phẩm lâm sàng, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh) cho biết thêm mụn nước do thủy đậu có thể gây viêm da để lại các vết sẹo lõm trên da về sau. Biến chứng thứ hai có thể gặp phải là viêm phổi với triệu chứng như đau ngực khó thở tím tái ho ra máu Nguy hiểm hơn, bệnh có thể dẫn đến viêm não rối loạn tâm thần co giật hôn mê…, thậm chí tử vong

90% trường hợp ngừa được thuỷ đậu nhờ tiêm vắc-xin

Thuỷ đậu gây ra không ít nỗi “ám ảnh” cho các ông bố, bà mẹ. Do đó, để giúp con “đối phó” với căn bệnh nguy hiểm này, nhiều mẹ tìm cách cách ly trẻ khỏi nguồn bệnh hoặc tránh để trẻ tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm. Nhận xét về kinh nghiệm bảo vệ con khỏi dịch thuỷ đậu của các bà mẹ, PGS.TS Cao Hữu Nghĩa cho biết: “Các biện pháp như cách ly khỏi nguồn bệnh, vệ sinh thân thể chỉ bảo vệ trẻ ở mức tương đối. Nguyên nhân là do ngay cả trong thời gian ủ bệnh - khi các mụn nước chưa xuất hiện, người bệnh không hề hay biết mình đã mắc bệnh thủy đậu nhưng vẫn có khả năng lây nhiễm cho người khác”.

Do đó, bác sĩ khuyên các bà mẹ, thay vì phòng bệnh cho con một cách tương đối và “kiêng khem” như thế, các bà mẹ nên đưa con đi tiêm vắc xin ngừa bệnh thủy đậu Vắc xin ngừa thủy đậu hiện nay có khả năng phòng bệnh hiệu quả đến 90% (10% còn lại là có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ và ít biến chứng). Đây được xem là cách phòng bệnh thủy đậu đơn giản và hiệu quả nhất.

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:

- Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.

- Những trường hợp mắc bệnh Thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý

-. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.

-Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi: Đối với trẻ từ 1 đến 12 tuổi, chỉ cần một liều vắc xin là đủ giúp trẻ ngăn ngừa bệnh thủy đậu.



Từ 13 tuổi trở lên, mỗi người cần được tiêm 2 liều cách nhau ít nhất 6 tuần để cho hiệu quả phòng bệnh tốt nhất. Riêng phụ nữ khi có kế hoạch sinh con nên tiêm vắc xin ngừa thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng để phòng bệnh hiệu quả và tránh lây truyền từ mẹ sang con

Do vi rút Varicella - Zoster gây bệnh thủy đậu có khả năng lây lan trong không khí nên thủy đậu rất dễ bùng phát thành dịch. Người lành có thể bị nhiễm vi rút thủy đậu nếu tiếp xúc với dịch từ bóng nước bị vỡ của người nhiễm bệnh hoặc hít phải những giọt nước bọt khi bệnh nhân ho hắt hơi

Bệnh thủy đậu có thể gây viêm da để lại sẹo lõm suốt đời, thậm chí nhiễm trùng máu viêm phổi viêm não... nếu không được phòng ngừa, chữa trị kịp thời. Do đó, để bảo vệ trẻ trước nguy cơ mắc thuỷ đậu, mẹ cần có những giải pháp phòng ngừa chủ động ngay từ bây giờ.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật