Viêm ruột do phẩy khuẩn gây ra phải xử lý thế nào?

Là bệnh nhiễm khuẩn, do các vi khuẩn dạng campylobacter gây ra. Đây cũng là nguyên nhân gây tiêu chảy quan trọng nhất trên toàn thế giới và ở mọi lứa tuổi, nguyên nhân này chiếm từ 5-14% tổng số ca bệnh tiêu chảy trên toàn thế giới. Nhận biết để phòng và điều trị bệnh là một biện pháp cần thiết, nhất là trong điều kiện thời tiết lũ lụt có thể diễn ra ở nhiều địa phương hiện nay.

Viêm ruột do phẩy khuẩn rất dễ lây nhiễm

Vi khuẩn Campylobacter jejuni và thậm chí cả E.coli là nguyên nhân thường gặp gây tiêu chảy ở người do campylobacter. Đây là vi khuẩn rất đa dạng về các týp sinh học và các týp huyết thanh. Ổ chứa vi khuẩn là động vật, thường là ở gia súc và gia cầm.

Đó là chó con, mèo con, các vật nuôi làm cảnh khác, các động vật gậm nhấm và chim, lợn, cừu đều có thể là nguồn lây bệnh cho người. Hầu hết trong thịt sống của gia cầm đều chứa C.jejuni.

Thời kỳ lây truyền kéo dài suốt giai đoạn nhiễm khuẩn thường từ vài ngày đến vài tuần. Những người không được điều trị kháng sinh có thể đào thải vi khuẩn ra ngoài trong vòng từ 2-7 ngày. Tình trạng mang vi khuẩn tạm thời ít quan trọng về mặt dịch tễ học, trừ những trường hợp đại tiện thiếu tự chủ và trẻ em Gia cầm và các động vật khác nhiễm khuẩn mạn tính được coi là nguồn lây nhiễm chủ yếu.

Nguyên nhân các vụ dịch xảy ra phần lớn liên quan đến thức ăn và nhất là thịt gia cầm không được nấu chín sữa không được tiệt khuẩn và nước chưa được lọc sạch.

Các biểu hiện của bệnh đa dạng

Đây là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính với các đặc điểm điển hình như tiêu chảy đau bụng mệt mỏi sốt buồn nôn và nôn. Thời kỳ ủ bệnh có thể từ 2- 5 ngày, cũng có thể là từ 1-10 ngày tùy theo thể trạng từng người. Khi mắc bệnh, người bệnh đi ngoài phân lỏng, có nhiều máu hoặc không rõ, lẫn với chất nhầy và có bạch cầu Có thể có hội chứng giống thương hàn hoặc viêm khớp hoạt tính. Hiếm khi bệnh nhân có sốt cao co giật hội chứng Guillain- Barré hay viêm màng não

Một số bệnh nhân có biểu hiện giống viêm ruột thừa cấp tính, nhưng cũng có những trường hợp biểu hiện bệnh không rõ ràng. Ở các nước phát triển, trẻ dưới 5 tuổi và thiếu niên có tỷ lệ mắc cao nhất, còn ở các nước đang phát triển, đối tượng chủ yếu là trẻ dưới 2 tuổi, người ta cho rằng sự gần gũi của trẻ với các dạng vật nuôi và kháng thể chưa phát triển hoàn thiện là điều kiện khiến trẻ dễ bị nhiễm bệnh.

Bệnh lây truyền như thế nào?

Bệnh viêm ruột do phẩy khuẩn lây truyền do ăn phải thức ăn có chứa vi khuẩn như thịt gà thịt lợn nấu chưa chín, nước uống hoặc thức ăn bị nhiễm khuẩn sữa tươi chưa được tiệt trùng. Bệnh còn lây do tiếp xúc với vật nuôi làm cảnh có chứa vi khuẩn (đặc biệt là chó con và mèo con). Sữa tươi từ bò, dê, cừu bị nhiễm bệnh cũng dễ bị nhiễm khuẩn.

Nếu những cái thớt dùng để chặt thịt sống mà không được làm sạch sau đó lại dùng thái thịt chín cũng rất dễ bị nhiễm khuẩn khi ăn vào. Đây là điều thường thấy ở những quán ăn vỉa hè không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm Ít khi có sự lây truyền C.jejuni từ người sang người.

Điều trị và phòng bệnh

Là bệnh do nhiễm khuẩn vì vậy sử dụng kháng sinh là biện pháp quan trọng để điều trị. Những trường hợp tiêu chảy nhiều sẽ có chỉ định bù nước và điện giải.

Để phòng bệnh mọi người cần ăn chín uống nước đã đun sôi, nấu chín kỹ các thức ăn có nguồn gốc từ gia cầm, chỉ uống sữa đã tiệt khuẩn, tránh để thức ăn bị nhiễm bẩn lại sau khi đã nấu chín.

Nếu gia cầm, gia súc nuôi mắc bệnh cần phải được điều trị kháng sinh, người tiếp xúc nên mặc quần áo bảo hộ, đi ủng vào chuồng trại. Khi vật nuôi bị ốm vì bất cứ nguyên nhân gì cũng không nên cho trẻ ôm ấp, gần gũi chúng. Nên thực hiện nghiêm chỉnh yêu cầu bàn tay sạch, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh bằng xà phòng tiệt khuẩn.

Các chất thải của người và gia cầm, gia súc, vật nuôi phải được tập trung ở những khu cách ly với nơi sinh sống, không chỉ để tránh phát tán các vi khuẩn gây viêm ruột mà còn nhiều bệnh truyền nhiễm khác. Nếu có người bị nhiễm bệnh cần đưa đến các cơ sở y tế để được khám, tránh tự ý dùng kháng sinh vì dễ gây ra kháng thuốc và khó khăn cho điều trị khi bệnh tái phát hoặc mắc phải bệnh nhiễm khuẩn khác co chỉ định dùng kháng sinh.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật