Phòng tai biến nguy hiểm của rau bong non bằng cách nào?

Rau bong non là một cấp cứu sản khoa thường xảy ra ở 3 tháng cuối của thai kỳ với diễn biến đột ngột, nhanh chóng có thể đe dọa tính mạng của mẹ và thai nhi do tình trạng choáng mất máu, biến chứng rối loạn đông máu hay vô niệu. Cần phải chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời mới có thể cứu sống mẹ và thai.

Nguyên nhân gây bong rau non

Nguyên nhân chính xác gây rau bong non chưa được biết rõ, tuy nhiên người ta nhận thấy bệnh hay gặp trong những trường hợp sau: ở những người đẻ con rạ lớn tuổi (80%); tăng huyết áp nhiễm độc thai nghén (khi có thai mới bị tăng huyết áp trước đó chưa bao giờ bị); do sang chấn gây ra như: chấn thương trực tiếp vào bụng (do tai nạn giao thông bị ngã xe, hoặc do tai nạn sinh hoạt...); do kim đâm vào lá rau khi chọc dò ối không đúng chỗ gây chảy máu tạo thành khối máu tụ sau rau làm rau bong; do thủ thuật ngoại xoay thai không đúng kỹ thuật làm kéo dây rốn gây rau bong non...

Ngoài ra, những thai phụ không được khám thai định kỳ để phát hiện sớm nguy cơ nhiễm độc thai nghén những người có chế độ ăn uống kém, sống ở nơi có điều kiện thấp thì khả năng bị càng cao.

Triệu chứng nhận biết

Triệu chứng cơ năng

Đau: Đau vùng bụng dưới xuất hiện một cách đột ngột, bắt đầu từ tử cung đau xiên ra sau lưng và lan xuống đùi, sau đó lan khắp cả bụng. Cơn đau có tính chất liên tục kéo dài. Khi tử cung cứng như gỗ, bệnh nhân đau lăn lộn, vật vã, hốt hoảng, có dấu hiệu choáng ngày càng nặng, mạch nhanh, huyết áp tụt, nặng hơn nữa có thể kèm theo hội chứng tiền sản giật

Xuất huyết: Xuất huyết âm đạo có thể có hoặc không có do máu đọng lại trong tử cung mà không chảy ra ngoài. Tính chất máu chảy ra là máu đỏ sậm loãng không đông.

Triệu chứng toàn thân: Tình trạng vật vã kích thích do thiếu máu người mệt lả ngất xỉu; choáng xảy ra nhanh chóng mặc dù có thể thấy máu ra âm đạo ít. Có thể có hội chứng tiền sản giật đi kèm, lúc đầu huyết áp hơi tăng về sau giảm, mạch chậm, chân tay lạnh vã mồ hôi da niêm mạc nhợt nhạt... Bệnh nhân choáng không đi đôi với số lượng máu mất ra ngoài âm đạo.

Triệu chứng thực thể: Tử cung co cứng là triệu chứng quan trọng nhất tử cung co cứng một cách bất thường trương lực cơ của tử cung cũng cao hơn bình thường, trong những thể nặng tử cung cứng như gỗ; bề cao tử cung ngày càng tăng, khối máu tụ càng lớn làm tử cung càng tăng lên; sờ nắn phần thai qua thành bụng khó khăn do tử cung co cứng; nghe tim thai thay đổi nhanh chóng hoặc không nghe được trong những thể nặng. Những thể nhẹ cũng có thể nghe được nhưng khó khăn, thường diễn tiến đến suy thai rất nhanh chóng; Khám âm đạo cổ tử cung siết cứng như vòng nhẫn, ối căng phồng, bấm ối thấy nước ối lẫn máu đỏ.

Tiến triển nhanh và nguy hiểm

Thông thường sau khi rau bong chuyển dạ sẽ bắt đầu khởi phát chuyển dạ thường diễn ra rất nhanh. Ở thể nhẹ bấm ối thể tích giảm làm tử cung co bóp được, cổ tử cung mở nhanh thai xổ ra ngay, rau và máu cục ra theo, nhưng tử cung có thể đờ và máu chảy nhiều; có thể chuyển từ thể nhẹ sang thể nặng trong chốc lát. Nếu không xử lý kịp thời sẽ đưa đến những biến chứng sau:

Choáng mất máu: Vừa là triệu chứng vừa là chẩn đoán. Choáng xảy ra nhanh nhất là sau khi thai và rau ra. Điều cần lưu ý là lượng máu ứ lại trong lòng tử cung có thể rất nhiều so với lượng máu chảy ra ngoài âm đạo.

Rối loạn đông máu: Do thiếu sinh sợi huyết, phát hiện sau khi xổ rau thấy máu loãng vẫn tiếp tục chảy ra ngoài âm đạo. Biến chứng này càng nặng nếu diễn biến rau bong non càng kéo dài, vì vậy cần phải phát hiện sớm để có ngay hướng xử trí.

Vô niệu: Cần theo dõi những giờ đầu và những ngày tiếp theo sau để phát hiện những biến chứng này. Biểu hiện bệnh nhân tiểu ít đau vùng hông, urê huyết tăng cao nhưng urê niệu giảm vô niệu phần lớn là do tình trạng choáng tụt huyết áp chảy máu nhiều. Một số khác do hoại tử không hồi phục của lớp vỏ thận tiên lượng nặng có thể dẫn đến tử vong

Ngoài ra rau bong non có thể để lại các di chứng khác hết sức nguy hiểm như: suy gan thận cấp suy tuyến thượng thận tăng huyết áp...

Lời khuyên của thầy thuốc

Để tránh xảy ra hiện tượng rau bong non gây nguy hiểm cho cả mẹ và con, người phụ nữ khi mang thai cần chú ý khoảng cách giữa 2 lần sinh không nên kéo dài quá 7 năm; khi có thai phải được chăm sóc và nghỉ ngơi hợp lý; nên đăng ký khám thai định kỳ tại một cơ sở y tế uy tín ngay sau khi có thai để được bác sĩ tư vấn và quản lý thời kỳ thai nghén; bổ sung axit folic trước và ngay sau khi mang thai Khi phát hiện các yếu tố nguy cơ cao như: xuất huyết đau bụng dưới... cần kịp thời đến bệnh viện chuyên khoa sản để được khám chữa và xử trí kịp thời.  

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật