Cần hết sức đề phòng tăng mỡ máu do sử dụng các loại thuốc

Trong điều trị, một số thuốc có tác dụng phụ làm tăng cholesterol trong máu (mỡ máu). Vậy đó là những thuốc nào, khi dùng phải chú ý gì?

Ảnh hưởng về mỡ máu do thuốc này có thể bao gồm tăng mức cholesterol toàn phần và LDL-cholesterol (mỡ xấu) hoặc hạ thấp HDL-cholesterol (mỡ tốt) dẫn đến tăng thành phần mỡ xấu tạo nguy cơ cho bệnh tim mạch. Ngoài ra, nếu đang dùng thuốc để giảm cholesterol máu, việc điều trị có thể cần phải được điều chỉnh để đạt mục tiêu giảm nồng độ cholesterol như mong muốn.

Một số thuốc dưới đây có khả năng ảnh hưởng đến nồng độ cholesterol máu bạn cần quan tâm và thông báo cho bác sĩ điều trị để có những điều chỉnh hợp lý.

Thuốc tim mạch

Thuốc chẹn beta: Là những thuốc thường được kê toa để điều trị tăng huyết áp Mặc dù có lợi thế đáng kể, góp nhiều lợi ích trong điều trị một số bệnh tim nhưng thuốc chẹn beta cũng đã được ghi nhận làm giảm nồng độ HDL-cholesterol và nâng cao nồng độ triglyceride Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, những thay đổi lipid máu là rất ít. Điều quan trọng cần lưu ý rằng không phải tất cả các thuốc chẹn beta đều có tác dụng này. Các thuốc chẹn beta sau đây đã được ghi nhận làm thay đổi nồng độ lipid bao gồm: atenolol, bisoprolol, metoprolol, nadolol, propanolol. Vì vậy, trong quá trình điều trị cần theo dõi mức cholesterol máu.

Amiodaron:thuốc dùng để điều trị một loạt các rối loạn nhịp tim Một trong những tác dụng phụ của thuốc là tăng cholesterol tăng mức độ LDL-cholesterol, nhưng không ảnh hưởng đến nồng độ HDL-cholesterol hoặc triglyceride. Vì vậy, khi dùng amiodaron cần theo dõi mức cholesterol máu thường xuyên để có điều chỉnh kịp thời, tránh những biến cố tim mạch có thể xảy ra do dùng amiodaron.

Thuốc lợi tiểu: Là một trong những thuốc được sử dụng cho người bệnh tăng huyết áp Có hai loại thuốc lợi tiểu làm tăng nồng độ cholesterol: thuốc lợi tiểu thiazide (bao gồm hydrochlorothiazide, chlorothiazide, metolazone) và thuốc lợi tiểu quai (bao gồm furosemide torsemide bumetanid). Thuốc lợi tiểu thiazid gây ra một sự gia tăng tạm thời nồng độ cholesterol toàn phần, triglycerid và LDL-cholesterol. Nồng độ HDL-cholesterol thường không bị ảnh hưởng. Hiện nay, indapamide là thuốc lợi tiểu thiazide duy nhất không ảnh hưởng đến nồng độ cholesterol máu. Thuốc lợi tiểu quai tác dụng tương tự như thuốc lợi tiểu thiazide, tuy nhiên, một số thuốc cho thấy chỉ làm giảm nhẹ HDL-cholesterol. Cùng với việc dùng thuốc bệnh nhân cũng nên có một chế độ ăn uống ít chất béo khi đang dùng các thuốc lợi tiểu này.

Các nội tiết tố

Estrogen: Là một hormon giới tính nữ có mặt trong thuốc ngừa thai nội tiết tố và các hình thức khác của liệu pháp thay thế hormon dùng cho nữ giới. Trong nhiều năm estrogen đã được coi là yếu tố “bảo vệ tim mạch”, do khả năng nâng cao mức HDL-cholesterol, từ đó thúc đẩy một trái tim khỏe mạnh. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng estrogen cũng có thể làm tăng nồng độ triglyceride và có thể làm ảnh hưởng xấu đến vai trò “bảo vệ tim mạch” như từng được biết. Vì vậy, khi dùng thuốc cần theo dõi mức cholesterol máu để có hướng xử trí thích hợp.

Progestin: progestin là một hình thức của progesterone một hormon giới tính nữ được sử dụng trong thuốc tránh thai và liệu pháp thay thế hormon đơn độc hoặc kết hợp với estrogen Dùng progestin có liên quan tới làm giảm nồng độ HDL-cholesterol. Khi kết hợp với estrogen, progestin có thể hủy bỏ tác động lành mạnh của estrogen trong việc nâng cao mức HDL-cholesterol, do đó làm thay đổi mức cholesterol theo hướng bất lợi.

Steroid đồng hóa: Bao gồm testosteron, các hormon sinh dục nam được sử dụng để điều trị dậy thì chậm ở bé trai và một số dạng bất lực ở nam giới steroid đồng hóa cũng được sử dụng trái phép để xây dựng khối lượng cơ bắp ở các vận động viên thể thao. Steroid đồng hóa làm tăng nồng độ LDL và hạ thấp HDL. Các tác động có hại của steroid đồng hóa đối với mức cholesterol đáng chú ý hơn trong thuốc uống so với các loại thuốc tiêm.

Thuốc chống viêm corticoid

Prednisone là một glucocorticoid được sử dụng để làm giảm viêm và sưng nề. Mặc dù có tác dụng chống viêm tốt nhưng có thể làm tăng triglyceride, LDL- cholesterol và HDL-cholesterol máu. Một số nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân có nồng độ cholesterol cao trong vòng hai tuần điều trị với prednisone Vì vậy, bạn không nên dùng glucocorticoid dài ngày, nếu phải dùng dài ngày cần theo dõi mỡ máu định kỳ bằng cách xét nghiệm máu

Thuốc ức chế miễn dịch

Cyclosporine là một loại thuốc dùng để ức chế hệ thống miễn dịch Nó thường được sử dụng sau khi cấy ghép nội tạng để ngăn chặn từ chối mảnh ghép. Tuy nhiên cyclosporine cũng có thể được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp và bệnh vảy nến. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cyclosporin làm tăng nồng độ LDL-cholesterol, vì vậy khi dùng cần cảnh giác với tác dụng không mong muốn này của thuốc.

Thuốc điều trị HIV

Các chất ức chế protease được sử dụng để điều trị HIV Mặc dù cơ chế của các thuốc này làm tăng nồng độ cholesterol là không được biết, nhưng các chất ức chế protease đặc biệt làm tăng nồng độ triglyceride và hạ thấp HDL-cholesterol. Các thuốc fibrate và statin đôi khi được dùng để giảm triglyceride và làm tăng nồng độ HDL ở những người dùng các chất ức chế protease. Người bệnh cũng cần biết tác dụng phụ này để phối hợp với bác sĩ theo dõi trong quá trình điều trị.

Nếu bạn có mức cholesterol máu cao và đang dùng một loại thuốc có khả năng làm tăng nồng độ cholesterol máu nên theo dõi kiểm tra máu định kỳ. Trong một số trường hợp, ảnh hưởng xấu đến cholesterol máu chỉ là tạm thời bạn vẫn có thể tiếp tục dùng thuốc. Khi ngừng thuốc, mức cholesterol máu sẽ trở về mức bình thường. Tuy nhiên, nếu nồng độ cholesterol vẫn ở mức cao kéo dài kể từ sau khi bắt đầu điều trị, bác sĩ có thể quyết định thay đổi thuốc điều trị hoặc cho thêm thuốc hạ cholesterol máu

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật