Tiêu chảy cấp do nhiễm khuẩn, những thông tin cần biết bạn nên biết

Mùa hè, ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, sức khỏe giảm sút khiến cho nhiều người, nhất là trẻ em mắc bệnh tiêu chảy. Bệnh gây mất nước nặng, có thể làm bệnh nhân tử vong chỉ trong vài giờ. Mặc dù cơ thể có sự đề kháng với vi khuẩn, nhưng bệnh tiêu chảy vẫn cứ xảy ra. Vì sao cơ thể đề kháng được bệnh, và lý do gì bệnh vẫn xảy ra? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn đọc giải đáp câu hỏi đó và những hiểu biết để phòng chống bệnh.

Tìm hiểu về vi khuẩn gây bệnh

Các loại vi khuẩn gây được bệnh tiêu chảy do các yếu tố: số lượng vi khuẩn, sự bám dính của vi khuẩn vào niêm mạc ruột, khả năng sản xuất độc tố...



- Số lượng vi khuẩn là bao nhiêu sẽ gây được bệnh? Tùy theo từng loại vi khuẩn mà số lượng đủ để gây bệnh có khác nhau: các loại Shigella, E.coli gây xuất huyết đường ruột, Giardia lamblia,  Entamoeba, chỉ cần 10 - 100 vi khuẩn hay nang kén là có thể gây bệnh; trong khi đó vi khuẩn tả Vibrio cholerae phải có tới 105-108 vi khuẩn mới gây được bệnh tả

- Sự bám dính: Nhiều vi khuẩn phải bám dính vào niêm mạc đường ruột trong quá trình gây bệnh. Vì thế chúng phải cạnh tranh với vi khuẩn thường trú ở ruột để chiếm lấy niêm mạc mới gây bệnh. Các vi khuẩn gây bệnh có thể sản xuất ra một protein bám dính.

- Sản xuất độc tố gây bệnh: Vi khuẩn sản xuất ra một hay nhiều ngoại độc tố là yếu tố rất quan trọng gây bệnh. Chẳng hạn độc tố enterotoxin gây  tiêu chảy do tác động trực tiếp lên cơ chế bài tiết của niêm mạc ruột;  độc tố cytotoxin phá hủy tế bào niêm mạc và tiêu chảy; neurotoxin tác động trực tiếp lên hệ thống thần kinh trung ương hay ngoại biên. Vi khuẩn Shigella dysenteriae týp 1 sản xuất ra ngoại độc tố có cả hoạt tính của độc tố đường ruột lẫn độc tố tế bào.  Độc tố tế bào của vi khuẩn phá hủy các tế bào niêm mạc đường ruột và gây hội chứng lỵ, đi tiêu lẫn máu chứa các tế bào viêm (nhầy và máu).

Neurotoxin do một số vi khuẩn Staphylococus và Bacillus cereus tạo ra ở ngoài vật chủ, nên chúng gây triệu chứng ngay sau khi vào đường tiêu hóa của người. Các độc tố này tác động lên hệ thần kinh trung ương gây nôn mửa

Cơ thể đề kháng như thế nào? 

Hằng ngày, một lượng lớn vi khuẩn xâm nhập vào đường ruột qua thức ăn, nhưng chúng không thể gây bệnh được do cơ thể có hàng rào bảo vệ. Các yếu tố tạo nên sự đề kháng của cơ thể gồm: vi khuẩn chí, tính acid của dịch dạ dày nhu động ruột, tính miễn dịch.

- Vi khuẩn chí là những vi khuẩn với số lượng lớn, cư trú ở đường ruột, có tác dụng như là một hệ thống bảo vệ cơ thể bằng cách ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh tạo khuẩn lạc ở đường ruột. Do đó những người có số lượng vi khuẩn chí ít như trẻ sơ sinh hay bệnh nhân đang điều trị kháng sinh sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn đường ruột. Điều này nhắc nhở mọi người không nên tự ý mua và uống kháng sinh bừa bãi, vì sẽ làm rối loạn vi khuẩn chí ở ruột, dẫn đến dễ mắc bệnh tiêu chảy  

- Tính acid của dịch dạ dày (pH acid) của dạ dày có tác dụng kìm hãm vi khuẩn gây bệnh. Trái lại ở bệnh nhân phẫu thuật dạ dày hay bệnh nhân không có acid chlohydric dạ dày dễ nhiễm khuẩn Salmonella, G.lamblia và dễ mắc bệnh giun sán hơn.

- Nhu động ruột: Các nghiên cứu cho thấy nhu động bình thường của ruột có tác dụng làm sạch vi khuẩn gây bệnh ở đoạn đầu ruột non Nếu nhu động ruột bị giảm do: dùng thuốc phiện hay các thuốc làm giảm nhu động khác, bệnh nhân có túi thừa, lỗ rò, hay bị xoắn ruột sau phẫu thuật, bệnh nhân bị bệnh tiểu đường xơ cứng bì, thì dễ nhiễm khuẩn đường ruột và tiêu chảy.

- Tính miễn dịch: Khả năng đáp ứng miễn dịch tế bào và tạo kháng thể đều có vai trò quan trọng bảo vệ cơ thể chống nhiễm khuẩn đường ruột Bệnh nhân suy giảm miễn dịch (AIDS) dễ bị nhiễm khuẩn đường ruột

Biểu hiện lâm sàng 

Triệu chứng đa dạng của tiêu chảy cấp phù hợp với nhiều tác nhân gây nhiễm khuẩn, như virut, vi khuẩn và ký sinh trùng Các vi khuẩn không gây viêm ruột do độc tố thường gây bệnh ở đoạn đầu ruột non với các triệu chứng: tiêu chảy phân nhiều nước, đi cầu ngày 1-2 lần, trường hợp nặng thì đi nhiều hơn 2 lần/ngày, không sốt đau bụng ít hoặc nhiều, mệt lả hoặc không mệt, xét nghiệm phân không có bạch cầu Những vi khuẩn gây viêm ruột do tạo độc tố tế bào, gây bệnh ở đoạn cuối ruột non hay ruột già Biểu hiện bệnh là đi lỵ, phân nhầy nhớt lẫn máu đau quặn mót rặn,  hoặc tiêu chảy có viêm, đi cầu nhiều lần trong ngày, sốt trên 37,8oC, nôn, xét nghiệm phân có nhiều bạch cầu đa nhân. Vi khuẩn thương hàn gây tổn thương thành ruột, hay gặp ở đoạn cuối ruột non; bệnh nhân có sốt thương hàn, mạch và nhiệt phân ly đau bụng xét nghiệm phân có nhiều bạch cầu đơn nhân.

Điều trị và phòng bệnh

Điều trị tiêu chảy cấp tính nhiều khi việc chẩn đoán xác định không cần thiết, vẫn có thể điều trị căn cứ các thông tin qua hỏi bệnh sử, xét nghiệm phân và đánh giá mức độ nặng nhẹ của tình trạng mất nước Điểm quan trọng trong điều trị là bồi phụ đủ nước. Việc sử dụng oresol uống rất quan trọng để cứu chữa cho bệnh nhân, chẳng hạn làm

giảm tỷ lệ tử vong do bệnh tả xuống từ trên 50% (không được điều trị) xuống còn dưới 1%. Bệnh nhân mất nước nặng hay những bệnh nhân nôn nhiều, không uống được phải truyền tĩnh mạch dung dịch lactat ringer. Cần thiết phải dùng thuốc kháng sinh để diệt vi khuẩn gây bệnh, nhiều trường hợp có thể rút ngắn thời gian bị bệnh từ 3-4 ngày xuống còn 24-36 giờ.

Các phương pháp phòng bệnh bao gồm: thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống sau khi đi vệ sinh hoặc lao động; bảo quản tốt thực phẩm đã chế biến, chống ruồi, dán, bụi bặm.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật