Bật mí cách chặn biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu

Thời gian gần đây, bệnh bạch hầu xuất hiện tại Bình Phước với 47 ca nghi nhiễm, trong đó có 3 ca tử vong. Ngày 13/7, Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế đã ra công điện khẩn chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch bạch hầu. Thông tin về bệnh bạch hầu, những nguy hiểm, biến chứng của bệnh và vắc- xin phòng bệnh được đăng tải trong bài viết này.

Đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh bạch hầu đã dần ổn định. Tuy nhiên, đây là căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nên dễ lây lan và rất nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao.

Nhiều biến chứng nguy hiểm

ThS.BS. Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết: Tổn thương đầu tiên ở hầu họng thanh quản mũi là màng giả; cũng có thể thấy màng giả ở mắt, da, bộ phận sinh dục. Bệnh cảnh lâm sàng thường gặp là bạch hầu thể thường, bạch hầu thanh quản và bạch hầu ác tính. Trong đó, thể bạch hầu ác tính là thể bệnh trầm trọng nhất, người bệnh nhanh chóng bị nhiễm độc nặng với biểu hiện: sốt cao 39-40oC, mạch nhanh huyết áp tụt, da xanh tái, nôn, nuốt đau màng giả lan nhanh 2 bên amiđan qua vòm hầu lên vùng sau mũi, đến tận hai lỗ mũi. Hơi thở hôi, hạch cổ sưng to phù nề cổ bạnh ra. Bệnh nhân bị chảy máu miệng, mũi, da. Bệnh nhân rất dễ bị tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Các  biến chứng nặng thường gặp là gây tắc nghẽn đường hô hấp viêm cơ tim thoái hóa thận hoại tử ống thận… Biến chứng viêm dây thần kinh ngoại biên có thể gây liệt các dây thần kinh sọ, gây liệt màn khẩu cái, liệt cơ mắt, liệt mềm các chi, liên cơ hoành cơ liên sườn gây suy hô hấp

Bệnh bạch hầu dễ biến chứng và dễ tử vong nên phải được theo dõi, chăm sóc và điều trị tại bệnh viện truyền nhiễm hoặc khoa truyền nhiễm để có điều kiện cách ly và hồi sức cấp cứu

Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh bạch hầu tại tỉnh Bình Phước, ngày 13/7, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có Công điện số 858/CÐ-DP gửi Sở Y tế tỉnh Bình Phước để khẩn trương triển khai các biện pháp tăng cường công tác phòng chống dịch bạch hầu. Cục Y tế dự phòng yêu cầu Sở Y tế tỉnh Bình Phước nhanh chóng rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều phòng bệnh bạch hầu để triển khai tiêm phòng. Cũng trong ngày, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế chuyển 10.000 liều vắc-xin uốn ván - bạch hầu đến tỉnh Bình Phước để tiêm phòng cho người dân tại 2 xã có dịch ở huyện Ðồng Phú.

Ai có thể mắc bạch hầu?

Theo BS. Nguyễn Hồng Hà, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp do hít phải những giọt nước bọt nhỏ li ti từ trẻ ốm khi chúng khóc ho hắt hơi hoặc do dùng chung khăn mặt, quần áo, sách vở, đồ chơi, thức ăn... của trẻ ốm hoặc trẻ lành mang khuẩn. Cũng có thể do hít phải những hạt bụi có chứa vi khuẩn bạch hầu lơ lửng trong không khí, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi giới tính đều có thể mắc bệnh bạch hầu, tỷ lệ mắc cao ở trẻ em từ 1-7 tuổi nếu không tiêm phòng đủ hoặc đã tiêm nhưng không sinh miễn dịch đều có thể mắc bạch hầu.

Cần tiêm vắc- xin để phòng bệnh

Hiện bệnh chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch do chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh

Vì vậy, để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Đưa trẻ đi tiêm chủng vắc-xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.



3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

5. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc-xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Lịch tiêm chủng vắc- xin DTP hoặc Quinvaxem trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:

Mũi thứ 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng; Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng; Mũi thứ 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật