Bệnh sởi ở người lớn - Hiện tượng bất thường cần phải cảnh giác

Tại Hà Nội, đã xuất hiện hàng trăm ca bệnh sốt phát ban ở người lớn trong đó có gần 200 trường hợp dương tính với sởi.

Tại Hà Nội, đã xuất hiện hàng trăm ca bệnh sốt phát ban ở người lớn trong đó có gần 200 trường hợp dương tính với sởi. Đáng lo ngại là đã có những bệnh nhân bị biến chứng nặng, nguy hiểm đến tính mạng khiến cộng đồng không khỏi lo ngại. Vậy hiện tượng này có phải là bất thường và người dân cần có những biện pháp gì để phòng bệnh hiệu quả?

Sởi - bệnh của riêng trẻ em?

Rất nhiều bệnh nhân sốt phát ban nhập viện đều bất ngờ khi biết mình mắc sởi. Bệnh nhân Phí Thị Thanh Hoa (28 tuổi, ở Thanh Xuân - Hà Nội) là một trong số 10 trường hợp sốt phát ban nghi sởi đang điều trị tại Khoa truyền nhiễm - bệnh viện Bạch Mai cho biết, ban đầu chị thấy người sốt ho nhức đầu 2 hôm sau thì người nổi ban đỏ, các ban xuất hiện nhiều, nhanh khiến chị rất lo lắng và phải đến bệnh viện điều trị. Kết luận bị mắc sởi khiến chị bất ngờ, bởi từ trước đến nay chị nghĩ rằng đây là bệnh của riêng trẻ em.

Theo TS. Trịnh Thị Ngọc, Trưởng khoa Truyền nhiễm - bệnh viện Bạch Mai, tác nhân gây bệnh sởi là virut thuộc giống Morbillivirus của họ paramyxoviridae bệnh sởi là tình trạng nhiễm virut cấp tính, với sự lây truyền cao. Sau khi virut xâm nhập vào cơ thể, biểu hiện khởi đầu là sốt viêm kết mạc chảy nước mũi ho và có nốt koplik ở niêm mạc miệng Ban đỏ xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Ban bắt đầu mọc ở mặt, sau lan ra toàn thân và kéo dài từ 4-7 ngày. Sau khi sởi bay để lại nốt vằn (gọi vằn da hổ) do tình trạng tróc vảy. Trong thời gian mang bệnh xét nghiệm máu sẽ thấy lượng bạch cầu giảm. Sự lây nhiễm của bệnh sởi do virut từ những giọt nước bọt li ti của người bệnh bắn ra khi nói và người lành hít phải khi tiếp xúc, do vậy bệnh rất dễ lây thành dịch. Tất cả mọi người chưa mắc bệnh hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ đều có nguy cơ bị nhiễm bệnh Chẩn đoán bệnh thường căn cứ vào triệu chứng lâm sàng và dịch tễ học. Tuy nhiên cách xét nghiệm mẫu bệnh phẩm trong phòng thí nghiệm (xét nghiệm huyết thanh học) là đặc biệt cần thiết để phân biệt với các bệnh sốt phát ban khác như rubella

Biến chứng nặng ở người lớn thường do chủ quan

TS. Trịnh Thị Ngọc cho biết, sự nguy hiểm của bệnh sởi chính là những biến chứng của bệnh, đó là do sự nhân lên của virut hoặc do bội nhiễm vi khuẩn gây ra các bệnh viêm tai giữa viêm phổi tiêu chảy viêm thanh quản phế quản khí quản và viêm não (ít gặp nhưng thường nặng nề). Hầu hết tử vong khi bệnh sởi xuất hiện thường không do virut sởi gây ra mà do những biến chứng. Tử vong chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi với nguyên nhân chủ yếu là viêm phổi đôi khi là viêm não. Bệnh rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ và trẻ suy dinh dưỡng ở những trẻ này có thể kèm theo ban xuất huyết ruột không hấp thụ được protein viêm tai giữa mất nước tiêu chảy nhiễm khuẩn nặng ngoài da. Tuy nhiên hiện nay hầu hết trẻ em không còn mắc phải bệnh này do được tiêm vaccin từ 9 tháng tuổi.

Theo TS. Trịnh Thị Ngọc thì biểu hiện lâm sàng của sởi ở trẻ em và người lớn là như nhau, tuy nhiên do quan niệm bệnh sởi chỉ có ở trẻ em làm người lớn thường chủ quan khi mắc bệnh, không có những biện pháp cách ly, không có chế độ chăm sóc dinh dưỡng vệ sinh tốt khi mắc bệnh nên dễ làm lây lan trong cộng đồng và có thể dẫn đến những biến chứng nặng. Tuy nhiên đối với phụ nữ mang thai thì bệnh sởi không được đề cập nhiều về mức độ nguy hiểm đến thai nhi như bệnh rubella hay cúm.

Dịch sởi hiện nay có phải là bất thường?

PGS.TS. Phạm Ngọc Đính- nguyên Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng miền Bắc cho rằng, hiện tượng hàng loạt các ca bệnh sốt phát ban trong đó có nhiều ca dương tính với sởi đang xảy ra trên địa bàn Hà Nội là sự bất thường. Tuy nhiên, xét trên phạm vi quốc gia để tiến đến mục tiêu loại trừ sởi thì đây lại là hiện tượng phải trải qua. Việt Nam đặt mục tiêu loại trừ bệnh sởi vào năm 2010, trước khu vực Tây Thái Bình Dương 2 năm, vì thế phải trải qua giai đoạn kiểm soát bệnh trước khi bệnh được loại trừ. Thời gian kiểm soát này dài hay ngắn tuỳ thuộc vào mức độ miễn dịch với bệnh trong cộng đồng và khả năng đầu tư cho y tế. Khoảng thời gian đó sẽ có xuất hiện những vụ dịch nhỏ, lẻ tẻ xảy ra ở địa phương này, địa phương kia. Đây là một quy luật xảy ra ở bất kỳ quốc gia nào muốn đi đến mục tiêu loại trừ bệnh sởi.

Theo PGS. Phạm Ngọc Đính, mặc dù sởi không đến mức nguy hiểm như dịch SARS, cúm A H5N1 hay bệnh dại nhưng những biến chứng nặng nề vẫn có thể xảy ra nếu người dân chủ quan. Tất cả người lớn đều có thể mắc nếu chưa từng mắc hoặc chưa được tiêm vaccin phòng sởi (tức chưa có được miễn dịch). Vì thế khi phát hiện bệnh nhân sởi cần cách ly người bệnh; khu vực dân cư có ca dương tính với bệnh sởi qua xét nghiệm huyết thanh học có thể tiến hành tiêm vaccin đồng loạt cho cả người lớn. Những ca bệnh nhẹ nên tự cách ly tại gia đình có chế độ chăm sóc dinh dưỡng và vệ sinh cá nhân tốt. PGS. Đính nhấn mạnh, biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm vaccin sởi đơn tính hoặc tiêm vaccin phối hợp sởi-quai bị-rubella. Hiện nay các vaccin này đều có tại các trung tâm y tế.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật