Rối loạn mỡ máu ở bệnh nhân tiểu đường nguy hiểm như thế nào?

Thay đổi lối sống bao gồm 3 việc: ngừng thuốc lá và hạn chế bia rượu; thay đổi thói quen ăn uống; tăng cường hoạt động thể lực.

Cơ chế gây xơ vữa động mạch ở người đái tháo đường (ĐTĐ)

Tăng đường huyết và RLMM đều dẫn đến hậu quả sau cùng là xơ vữa động mạch và tắc mạch. Vì cơ quan nào cũng chứa nhiều mạch máu vì vậy tổn thương mạch máu sẽ làm tổn hại cơ quan.

Xơ vữa động mạch ở bệnh nhân ĐTĐ thường gây ra do các cơ chế: tăng đường huyết sẽ tạo điều kiện cho hiện tượng viêm mạch máu xảy ra. Đường huyết tăng cao nếu không được kiểm soát tốt sẽ làm tổn thương và viêm thành mạch, tạo tiền đề cho sự hình thành mảng xơ vữa và xơ cứng thành mạch.

RLMM dẫn đến tăng sự lắng đọng mỡ vào thành mạch. Các loại mỡ xấu như cholesterol toàn phần, TG, LDL-c là thủ phạm gây xơ vữa mạch máu. Khi lượng mỡ xấu tăng cao, nhất là LDL-c, tạo điều kiện cho sự lắng đọng mỡ trong các thành mạch, nội mạc mạch máu bị tổn thương, lâu dần tiến triển thành mảng xơ vữa khiến mạch máu trở nên xơ cứng và lòng mạch máu hẹp dần lại.

Tuần hoàn máu qua chỗ hẹp bị cản trở, nếu mảng xơ vữa lớn có thể gây tắc nghẽn lòng mạch. Nếu động mạch cung cấp máu cho tim bị tắc nghẽn sẽ xuất hiện cơn đau ngực nhồi máu cơ tim thậm chí đột tử; nếu động mạch cung cấp máu cho não bị tắc sẽ dẫn đến đột quỵ hôn mê liệt nửa người; nếu động mạch cung cấp máu ở chi bị tổn thương thì sẽ dẫn đến viêm tắc động mạch chi và có thể gây hoại tử chi…

Kiểm soát RLMM ở bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2

Theo kết quả các nghiên cứu ở người ĐTĐ tuýp 2 cho thấy, có đến 40% người bệnh không đạt được mục tiêu kiểm soát đường huyết và hơn 70% bệnh nhân không đạt mục tiêu kiểm soát lượng mỡ máu.

Bằng chứng lâm sàng cho thấy, cứ giảm được 1mmol/L (40mg/dL) LDL-c trong quá trình điều trị có ý nghĩa to lớn trong việc giảm đáng kể đến 10% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, 20% nguy cơ tử vong do bệnh mạch vành 24% nguy cơ biến cố tim mạch quan trọng và 15% nguy cơ đột quỵ Vì vậy, LDL-c là mục tiêu hàng đầu cần phải kiểm soát ở người ĐTĐ, bên cạnh đó còn phải để ý đến HDL-c và TG.

Những trường hợp RLMM nhẹ có thể ổn định được bằng cách thay đổi lối sống, sau 3 tháng kiểm tra lại nếu thấy chưa đạt mục tiêu thì có thể phối hợp thêm thuốc hạ mỡ máu.

Tuy nhiên, cần điều trị ngay bằng thuốc nhóm statin kết hợp với thay đổi lối sống ở những bệnh nhân ĐTĐ sau đây (bất kể trị số mỡ máu ban đầu là bao nhiêu): có bệnh tim mạch, không có bệnh tim mạch nhưng lớn hơn 40 tuổi và có nhiều hơn một yếu tố nguy cơ tim mạch khác.

Ở bệnh nhân không có các yếu tố vừa kể, nên xem xét điều trị thuốc nhóm statin kết hợp với thay đổi lối sống nếu nồng độ LDL-c vẫn còn > 100 mg/dL (2,6 mmol/L) hay có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch. Ở bệnh nhân không có bệnh tim mạch mục tiêu chính là LDL-c < 100 mg/dL (2,6 mmol/L). Nếu có bệnh tim mạch, mục tiêu LDL-c < 70 mg/dL (1,8 mmol/L), có thể xem xét dùng thuốc nhóm statin liều cao.

Các mục tiêu mỡ máu khác bao gồm nồng độ TG < 150 mg/dL (1,7 mmol/L), HDL-c > 40 mg/dL (1,0 mmol/L) ở nam giới và > 50 mg/dL (1,3 mmol/L) ở nữ giới. Cần chú ý ưu tiên mục tiêu điều trị LDL-c với thuốc nhóm statin trước.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật