Thuốc trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cực phí nếu bạn bỏ qua

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh phổ biến trên thế giới có tỷ lệ mắc cao và xu hướng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, bệnh có thể dự phòng và điều trị được. Khi được điều trị đúng phác đồ không những bệnh ổn định mà còn nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân.

Dấu hiệu và nguyên nhân gây bệnh

Biểu hiện ở phổi của bệnh được đặc trưng bởi tình trạng giảm lưu lượng khí thở hồi phục không hoàn toàn. Giảm lưu lượng khí thở thường tiến triển từ từ và liên quan đến phản ứng viêm bất thường ở phổi do các hạt bụi hoặc khí độc hại. Nguyên nhân chính của bệnh là do hút thuốc lá, do tiếp xúc với bụi khói tại nơi làm việc hoặc môi trường sống đã tác động trực tiếp tới phế quản - phổi của những cơ địa nhạy cảm với độc tính của khói thuốc lá.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một bệnh tiến triển nặng dần không hồi phục, trên nền bệnh ổn định thì xen kẽ có những đợt bùng phát. Trung bình mỗi năm, một bệnh nhân bị từ 1-3 đợt bùng phát. Các đợt bùng phát của bệnh phổi tắc nghẹn mạn tính là nguyên nhân làm cho bệnh nhân phải nhập viện, tăng chi phí điều trị, thúc đẩy nhanh bệnh tiến triển tới giai đoạn nặng và tăng tỷ lệ tử vong

Mặc dù chưa có định nghĩa về đợt bùng phát của bệnh phổi tắc nghẹn mạn tính được tất cả các tác giả chấp  nhận, nhưng người ta coi bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bị đợt bùng phát khi bị nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới làm khó thở nặng lên. Biểu hiện của đợt bùng phát là: khó thở, số lượng đờm tăng và đờm nhày mủ.

Một điều đáng quan tâm là đợt bùng phát thường xuất hiện vào mùa đông xuân và lúc chuyển mùa, sở dĩ như vậy là do thời kỳ này ô nhiễm không khí tăng, do nhiễm lạnh cúm và độ ẩm cao kích thích. Đặc biệt ở mùa đông xuân, bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính dễ mắc cúm và các nhiễm virut đường hô hấp khác, kế tiếp sau là bội nhiễm vi khuẩn khiến bệnh nhân bị ho khạc đờm tăng, số lượng đờm nhiều, đờm mủ, có thể có biểu hiện của nhiễm trùng (sốt), khó thở tăng.

Nếu tính nguyên nhân do nhiễm trùng chiếm 80%, thì căn nguyên do vi khuẩn 40 - 50%, virut 30%, vi khuẩn không điển hình chiếm  5 - 10%.

Các vi khuẩn thường gặp là: H. influenzae, M. catarrhalis, S. pneumoniae.

Còn các virut hay gặp là: Rhinovirus, Influenza, Parainfluenza, Coronavirus, Adenovirus, Respiratory syncytial virus

Ít gặp hơn cả là các vi khuẩn không điển hình: Chlamydia pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae, Legionella.

Dự phòng và điều trị đợt bùng phát của bệnh

- Cần bỏ hút thuốc lá được coi là một biện pháp điều trị đơn giản và có hiệu quả nhất, giảm được nguy cơ mắc bệnh cũng như làm bệnh giảm tiến triển. Bác sĩ cần khuyên bệnh nhân COPD bỏ hút thuốc lá và có thể dùng các biện pháp hỗ trợ bỏ thuốc lá như liệu pháp tâm lý, dùng cao dán nicotin...

- Chế độ dinh dưỡng cân đối, dùng thêm  các vitamin chống ôxy hóa như vitamin C vitamin E vitamin A

- Cải thiện môi trường sống, tránh bụi -  khói, bảo hộ lao động tốt khi làm việc trong môi trường bụi - khói.

- Dùng vaccin cúm phế cầu khuẩn tốt nhất hằng năm dùng vào mùa thu.

- Ôxy liệu pháp dài ngày tại nhà: dùng cho những bệnh nhân nặng bị suy hô hấp mạn tính.

- Tập luyện phục hồi chức năng: thể dục dưỡng sinh đi bộ, tập thở cơ hoành tốt nhất bằng bài tập khí công làm nhiều lần trong ngày.

Khi đã bị đợt bùng phát, cần điều trị như sau:

- Kháng sinh: Dùng dạng uống hoặc tiêm tùy mức độ nặng của bệnh, tốt nhất dựa theo kết quả kháng sinh đồ, thường dùng kháng sinh nhóm cephalosporin kết hợp với gentamyxin một đợt kéo dài từ 10-14 ngày.

- thuốc giãn nở phế quản: dùng thuốc kháng cholinergic (atrovent, spiriva), dạng kết hợp với thuốc chủ vận β2, có thể dùng thuốc nhóm chủ vận β2 (salbutamol, terbutalin...) và nhóm corticosteroid dạng khí dung uống hoặc đường tiêm tùy theo mức độ bệnh. Thường dùng dạng phối hợp, tác dụng tại chỗ (berodual, combivent): tốt, nhanh, ít tác dụng phụ và tiện hơn (berodual khí dung 2ml/lần khí dung 2-3 lần trong ngày hoặc dạng xịt họng 2 nhát/lần dùng 3- 4 lần trong ngày).



Có thể dùng dạng thuốc phối hợp  khác dạng hít như symbicort, seretide ngày 2 lần mỗi lần xịt họng 2 nhát.

- Thuốc điều biến nhày, kháng ôxy hóa: dùng fluimucil, mucomyst, mucosolvant, acetylcystein dạng uống.

- Thở ôxy tại nhà khi có suy hô hấp mạn tính.

Bệnh nhân cần đến bệnh viện khám và điều trị nội trú khi khó thở nặng. Trong khi điều trị nội trú cần cho bệnh nhân thở  máy hỗ trợ khi có biểu hiện suy hô hấp cấp nhiễm toan hô hấp nặng, bệnh nhân có rối loạn ý thức.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật