Bắt trẻ học quá nhiều, cha mẹ Việt đang "cấy" bệnh tiểu đường cho con

Theo Thạc sĩ Phan Hướng Dương – Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, thói quen cho trẻ học quá nhiều, không có thời gian luyện tập đang tạo ra gánh nặng bệnh tật cho con.

Tiểu đường khi 11 tuổi

Bác sĩ Dương cho biết, hiện Bệnh viện Nội tiết Trung ương đang điều trị cho 6, 7 cháu bé bị tiểu đường tuyp 2 ở dưới tuổi 15 và có một số cháu đã bị tiểu đường từ 11, 12 tuổi đến nay đã ở tuổi trưởng thành.



Trong đó có bệnh nhân nhỏ tuổi nhất, nhà ở Khâm Thiên, đang phải sử dụng thuốc điều trị tiểu đường Bác sĩ Dương cho biết, nếu không điều trị tốt thì bệnh tiểu đường tuyp 2 sẽ gây bệnh suy thận mãn tính cho trẻ chỉ sau 5- 10 năm, gây ra đủ các biến chứng tim mạch, suy thận…

Đây thực sự là lời cảnh báo cho các bậc cha mẹ đang cố gắng nhồi nhét tri thức cho con mà quên đi sức khoẻ của con mới quan trọng.

Một thực tiễn đang xảy ra, bác sĩ Dương cho biết, hầu hết các cháu hiện nay không có thời gian cho luyện tập. Các cháu phải đi học quá nhiều, ban ngày học ở lớp, tối học thêm, về nhà lại làm bài tập.  Vì thời gian học quá nhiều, các cháu cũng có thói quen gặp gì ăn đó. Từ bánh mì nước ngọt xôi chả, xúc xích… đến đồ ăn nhanh. Đây đều là những thực phẩm giàu năng lượng cộng với việc các cháu ngồi nhiều, không tập luyện dẫn đến dư thừa năng lượng. Năng lượng không đốt cháy nên hay mắc các bệnh về chuyển hoá, trong đó béo phì tiểu đường tuýp 2

Thạc sĩ Dương nhấn mạnh, đã đến lúc các bậc cha mẹ phải quan tâm hơn sức khoẻ của con. Nếu một đứa trẻ bị đái tháo đường mà không biết rất dễ xảy ra biến chứng của bệnh, từ biến chứng thần kinh cho đến biến chứng suy thận  

Khi phát hiện được bệnh tiểu đường nếu trẻ được khám và kiểm soát đường huyết tốt thì sẽ tránh được các biến chứng, một số trẻ vẫn phát triển bình thường và đã không phải sử dụng thuốc hạ đường huyết

Gia tăng trẻ béo phì

Thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế trong các cuộc điều tra dinh dưỡng cho thấy tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi và thể nhẹ cân ở trẻ em và học sinh giảm đáng kể so với thời gian trước. Tuy nhiên, tỉ lệ thừa cân béo phì lại gia tăng rất nhanh. 

Tại TP. Hồ Chí Minh, theo điều tra, chỉ trong vòng 7 năm (từ 2002-2009), tỉ lệ thừa cân béo phì của học sinh Tiểu học đã tăng gấp 3-4 lần. 

Tại Hà Nội nghiên cứu năm 2011 trên hơn 3.000 học sinh Tiểu học nội thành cho thấy gánh nặng kép về vấn đề dinh dưỡng đã nghiêng hẳn về phía thừa dinh dưỡng với 23,4% học sinh bị thừa cân và 17,3% học sinh bị béo phì so với 2,4% học sinh bị thấp còi và 2% học sinh bị gầy còm.

Theo kết quả điều tra năm 2013 trên 2375 trẻ ở độ tuổi từ 4-9 tại một số trường mẫu giáo và trường tiểu học thuộc Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội về tình trạng thừa cân béo phì cho thấy tỷ lệ thừa cân béo phì của trẻ là 39,9% (tỷ lệ thừa cân là 21,9% và tỷ lệ béo phì là 18,0%).

Tỷ lệ thừa cân béo phì tăng dần theo lứa tuổi và học sinh nam có tỷ lệ cao hơn học sinh nữ. 

Nghiên cứu cũng đánh giá tình trạng rối loạn lipid máu chế độ ăn và hoạt động thể lực trên 150 trẻ thừa cân, béo phì: tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì có tăng cholesterol là 15,3%; tăng triglyceride là 30,7%; tăng LDL-cholesterol là 12,6% và giảm HDL-cholesterol là 5,3%. 

Tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì có hoạt động tĩnh tại trên 120 phút/ngày là 82,7% và tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì có năng lượng khẩu phần vượt trên mức nhu cầu khuyến nghị là 18,7%. 



Thừa cân béo phì làm tăng nguy cơ xơ vữa và thuyên tắc mạch vành nhồi máu cơ tim bệnh tăng huyết áp Ngoài ra, thừa cân béo phì gây các biến chứng thuộc về chuyển hóa nội tiết như kết quả nghiên cứu nêu trên. 

Thừa cân béo phì xảy ra cùng với hội chứng chuyển hóa là yếu tố nguy cơ của đái tháo đường týp 2, đi kèm các rối loạn lipid máu như tăng triglycerid máu, tăng LDL và giảm HDL, do đó làm tăng nguy cơ tim mạch. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe chất lượng cuộc sống khả năng học tập và lao động của các em.  

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật