Đau bụng cấp - Một dấu hiệu thường gặp củ nhiều loại bệnh

Đau bụng cấp tính là những cơn đau dữ dội và xuất hiện đột ngột. Đây là một phản ứng của cơ thể trước sự tấn công của tác nhân gây bệnh. Đau bụng cấp do nhiều nguyên nhân gây ra. Vì vậy rất cần xác định nguyên nhân để điều trị kịp thời và có hiệu quả.

Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp, được chia theo vị trí đau trên bụng.

Đau bụng vùng trên rốn

Thủng dạ dày: Đau đột ngột, dữ dội như dao đâm vùng trên rốn, mặt hốt hoảng, vã mồ hôi mạch nhanh, kèm theo nôn, bí trung đại tiện. Thành bụng cứng như gỗ. Thường có tiền sử đau dạ dày Thủng dạ dày thường xảy ra sau bữa ăn có uống nhiều rượu Gõ bụng thấy trong vùng trước gan Chụp Xquang bụng có dấu hiệu liềm hơi. Cần phải phẫu thuật ngay.

Viêm tụy tạng cấp thể chảy máu: Đau vùng trên rốn, lan ra sau lưng. Thường xuất hiện đột ngột sau một bữa ăn thịnh soạn. Người bệnh trong tình trạng sốc nặng: mạch nhanh huyết áp tụt. Xét nghiệm men aminaza trong máu tăng rất cao.

Cơn đau do viêm loét dạ dày – tá tràng: Đau trên rốn, kèm theo ợ hơi ợ chua. Thường đau vào lúc no hoặc đói, đau sau khi uống rượu, ăn thức ăn chua. Tiền sử có những cơn đau theo chu kỳ, theo mùa trong năm.

Áp-xe gan: Đau ở vùng hạ sườn phải, lan lên ngực làm người bệnh không dám thở mạnh. Sốt cao, môi khô, lưỡi bẩn. Áp-xe gan có thể vỡ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc Có thể vỡ lên màng phổi. Nếu có biến chứng phải can thiệp bằng ngoại khoa.

Sỏi đường mật (ống mật, túi mật): Có những cơn đau quặn vùng hạ sườn phải dữ dội, đột ngột. Sau đau thì xuất hiện sốt vàng da Thường đau tái phát nhiều lần. Mật bị tắc túi mật căng giãn, có thể vỡ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc. Cần phải mổ ngay.

Giun chui ống mật: Đau đột ngột, dữ dội vùng trên rốn và vùng hạ sườn phải. Bệnh nhân thường phải nằm tư thế chổng mông hoặc dựng ngược hai chân lên tường. Bệnh hay gặp ở trẻ em ở người có nôn hoặc đại tiện ra giun. Điều trị nội khoa. Khi đường mật bị tắc hẳn thì phải mổ.

Đau vùng dưới rốn

Sỏi bàng quang: Đau dữ dội ở bụng dưới, có thể tái phát nhiều lần. Thường xảy ra sau khi lao động hoặc đi lại đường xóc, kèm theo đái rắt, đái buốt, đái ra máu, có khi đang đái bị tắc lại. Người bệnh phải đi khám cấp cứu.

Chửa ngoài dạ con bị vỡ: Đau bụng dữ dội, đột ngột ở phụ nữ chậm kinh từ hai tuần đến hai tháng. Có xuất huyết ở đường sinh dục, hoa mắt chóng mặt mạch nhanh huyết áp hạ. Bệnh nhân trong tình trạng choáng do mất máu.

Động thai, sảy thai: Người đang có thai bị ngã hay va chạm, đau bụng vùng dưới rốn, đau liên tục hay từng cơn, có cảm giác mỏi sau lưng. Âm đạo có máu tươi hoặc máu đen, cần đi khám cấp cứu.

Đau bụng vùng hố chậu phải hoặc trái

Viêm ruột thừa: Đau đột ngột, lâm râm hay dữ dội vùng hố chậu phải, kèm theo sốt nôn mửa mạch nhanh, bí trung, đại tiện. Bạch cầu đa nhân trung tính trong máu tăng cao. Có thể xác định bằng siêu âm. Nên nhớ viêm ruột thừa đôi khi lại đau ở vùng thượng vị, dưới gan, vùng sau thắt lưng phải.

U nang buồng trứng bị xoắn: Đau dữ dội, đột ngột ở hố chậu phải hoặc trái. Để muộn có thể dẫn đến tình trạng choáng. Bệnh thường gặp ở những phụ nữu nang buồng trứng từ trước.

Sỏi niệu quản: Sỏi san hô di chuyển tại chỗ hẹp của niệu quản giữa, dưới. Thường đau dữ dội ở bên hố chậu có sỏi. Đau lan xuống đùi, bộ phận sinh dục, có thể tái phát nhiều lần, đau sau khi vận động mạnh, kèm theo nước tiểu có màu đỏ hoặc bí đái.

Sỏi thận đau ở vùng thắt lưng, tính chất cơn đau như sỏi niệu quản

Viêm đại tràng cấp do amíp: Thường đau ở hố chậu phải hoặc trái. Sau cơn đau quặn là mót rặn, đi ngoài ra máu và mũi nhày.

Đau vùng hố chậu là một cấp cứu, cần được khám khẩn trương. Bác sĩ cần có quyết định nhanh chóng và xử trí kịp thời.

Đau bụng không có vị trí cố định

Tắc ruột: Do nhiều nguyên nhân như viêm màng bụng, lao màng bụng, mổ cũ làm dính ruột do nút thức ăn, búi giun ung thư mạc treo tắc ruột do thoát vị bị nghẽn là do ruột chui qua các lỗ ở cung đùi, xuống bìu những lần đau trước ruột tự lên ổ bụng, nay bị tắc lại. Triệu chứng các bệnh tắc ruột là đau bụng dữ dội, kèm theo nôn, bí trung đại tiện.

Lồng ruột: Dấu hiệu đau và nôn như tắc ruột. Có thể thấy đoạn ruột bị lồng nổi lên và di chuyển. Có thể sờ thấy búi ruột lồng, khám hậu môn có máu theo tay lồng ruột thường gặp ở trẻ em.

Thủng ruột: Thường là biến chứng của thương hàn lao ruột hoặc vật nhọn đâm vào ruột. Bụng đau dữ dội như dao đâm, có dấu hiệu nhiễm khuẩn choáng, sờ bụng chỗ nào cũng đau, thành bụng co cứng. Nếu nghi tắc ruột, lồng ruột, cần phải xử trí cấp cứu.

Đau bụng do giun: Chưa đến mức tắc ruột, nhưng đau lâm râm, có khi đau quặn quanh rốn buồn nôn và nôn. Tiền sử đi ngoài phân có giun.

Viêm ruột cấp do ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn: Thường hay gặp vào mùa hè, trong dịp lễ tết, tiệc cưới, đám ma, có khi gây thành dịch tiêu chảy cấp. Chủ yếu do không kiểm soát được khâu an toàn vệ sinh thực phẩm Triệu chứng là đau bụng đi ngoài nhiều lần, nôn mửa, có thể có sốt. Nếu do vi khuẩn tả thì có dấu hiệu đặc trưng là miệng nôn trôn tháo liên tục, phân toàn nước, đục như nước rửa thịt. Nhanh chóng dẫn đến tình trạng mất nước mất muối nghiêm trọng, trụy mạch và đưa đến tử vong

Ngộ độc: Do ăn phải nấm độc sắn, dứa, quả độc thuốc độc, các hóa chất dùng để bảo quản thức ăn... Bệnh nhân không sốt, đau bụng, đi ngoài nhiều lần, phân toàn nước, sau là nôn. Dấu hiệu mất nước, nhiễm độc như mặt tím tái khó thở rồi hôn mê suy hô hấp suy tuần hoàn để muộn sẽ tử vong.

Ngoài ra một số bệnh như viêm phổi nhiễm độc chì dị ứng bị lạnh... cũng gây đau bụng.

Tóm lại, trước một trường hợp có đau bụng cấp cần phải xem vị trí đau, diễn biến của bệnh và các dấu hiệu khác kèm theo. Cần có các xét nghiệm cận lâm sàng. Việc tìm nguyên nhân đích thực gây đau bụng là cần thiết, nhưng đôi khi không phải dễ dàng, đòi hỏi sự khám xét, suy đoán của thầy thuốc có kinh nghiệm. Không được lạm dụng các thuốc giảm đau làm mất đi các dấu hiệu ngoại khoa, gây khó khăn cho việc chẩn đoán. Đau bụng ngoại khoa cần được mổ sớm, đau bụng nội khoa cũng cần được điều trị làm giảm bớt đau đớn cho bệnh nhân.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật