Hậu quả của mất ngủ kéo dài - cách trị mất ngủ hiệu quả

Giấc ngủ đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với chúng ta. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các chức năng của cơ thể đều giảm đi trong giấc ngủ sâu, nhờ đó mà cơ thể có điều kiện điều hòa lại quá trình chuyển hóa. Nếu con người không được ngủ trong một thời gian dài có thể dẫn đến rối loạn định hướng, ảo giác và hoang tưởng, nguy hiểm hơn có thể bị các rối loạn nhận thức nặng nề và cuối cùng dẫn đến tử vong.

Biểu hiện của tình trạng mất ngủ

Mất ngủ được chẩn đoán khi người bệnh than phiền không ngủ được, khó vào giấc ngủ hoặc khó giữ giấc ngủ, các triệu chứng này kéo dài ít nhất 3 tháng. Mất ngủ được đặc trưng bởi các dấu hiệu:

Người bệnh có thể mất ngủ đầu giấc, nằm mãi mà không ngủ được. Các bệnh nhân này thường cho biết phải đến 1 - 2 giờ sáng họ mới có thể vào được giấc ngủ. Tuy nhiên, giấc ngủ của họ không sâu và dễ thức giấc. Mất ngủ đầu giấc hay gặp ở người trẻ tuổi.

Có thể mất ngủ giữa giấc, biểu hiện bằng việc hơi khó vào giấc ngủ. Người bệnh ngủ được đến 2 - 3 giờ sáng thì thức giấc. Sau đó, phải mất đến 1 - 2 giờ sau mới ngủ tiếp được. Mất ngủ giữa giấc hay gặp ở người trung niên.

Người cao tuổi thường than phiền mất ngủ cuối giấc. Họ vào giấc ngủ không quá khó nhưng giấc ngủ không kéo dài, đến khoảng 1 - 2 giờ sáng thì thức giấc và không sao ngủ lại được.

Mất ngủ hoàn toàn hiếm gặp: Người bệnh không hề ngủ được trong 24 giờ. Do mất ngủ nên họ hay cáu gắt và tỏ ra rất lo lắng cho giấc ngủ của mình. Các trường hợp này thường có biểu hiện hơi hưng phấn vào buổi tối. Họ quan tâm đến việc làm sao để được ngủ đầy đủ, vì thế thường cố gắng tìm mọi cách để ngủ như loại bỏ các yếu tố gây khó ngủ nhưng không thành công.

Mất ngủ do tâm lý: Người bệnh thường than phiền khó vào giấc ngủ họ có thể bị mất ngủ kéo dài nhiều năm trước khi đến khám ở chuyên khoa tâm thần. Họ không nhận thấy có các stress rõ ràng trong cuộc sống nhưng họ thừa nhận có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ như phòng ngủ, giường ngủ. Vì thế, đôi khi mất ngủ do tâm lý được coi là mất ngủ có điều kiện.

Hậu quả của mất ngủ kéo dài

Ảnh hưởng đến tâm lý, dễ cáu gắt, bực bội trí nhớ giảm, tập trung chú ý giảm mệt mỏi năng suất chất lượng công việc học tập giảm sút; mất thăng bằng, dễ té ngã, lái xe không an toàn; mất ngủ kéo dài gây rối loạn nhịp tim tăng huyết áp nguy cơ nhồi máu cơ tim cao; nguy cơ béo phì đái tháo đường; nguy cơ bị viêm nhiễm cao; tăng nguy cơ bị ung thư; ảnh hưởng xấu đến làn da mái tóc; giảm thích ứng trong cuộc sống; có thể bị đột quỵ não; có nguy cơ bị đột tử trong đêm...

Điều trị thế nào?

Điều trị mất ngủ kéo dài tương đối khó so với điều trị các rối loạn giấc ngủ khác. Người bệnh được yêu cầu gạt bỏ tất cả các vấn đề trước khi đi ngủ. Nếu sau 5 phút lên giường nằm mà vẫn không ngủ thì nên ngồi dậy, ra khỏi giường và làm một việc gì đó. Đôi khi, cần thay đổi giường ngủ hay phòng ngủ. Nếu cảm thấy căng cơ thì cần phải làm các biện pháp thư giãn. Liệu pháp tâm lý ít kết quả cho mất ngủ. Thỏa mãn tình dục có thể có hiệu quả gây ngủ với nam giới nhưng ít hiệu quả với nữ giới.

Một số thức ăn giàu melatonin và L-tryptophan có tác dụng tốt cho bệnh mất ngủ. Melatonin là hormon tuyến tùng có tác dụng điều hòa giấc ngủ. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị mất ngủ bằng thức ăn giàu melatonin và L-tryptophan vẫn chưa rõ ràng.

Liệu pháp ánh sáng cho kết quả tốt ở một số trường hợp.

Các thuốc bình thần (benzodiazepin) và thuốc ngủ (bacbituric) cho kết quả hạn chế do các thuốc này nhanh chóng bị “nhờn” thuốc và mất tác dụng sau một vài tuần điều trị.

Một số thuốc chống trầm cảmthuốc an thần mới được sử dụng và có hiệu quả tốt trong điều trị mất ngủ. Các thuốc này có ưu điểm là không gây phụ thuộc, không độc với gan thận cơ quan tạo máu... nên có thể sử dụng được lâu dài.

Lời khuyên của thầy thuốc

Lối sống không điều độ là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra mất ngủ. Theo Hội Tâm thần học Mỹ, vệ sinh giấc ngủ không tốt có thể dẫn đến mất ngủ. Nhiều hành vi như hưng phấn quá trước khi ngủ hoặc thay đổi giờ giấc ngủ hằng ngày có thể dẫn đến mất ngủ. Do đó người bệnh cần lưu ý điều chỉnh hoặc thay đổi lối sống để có thể có giấc ngủ tốt như: thức giấc cùng một giờ hằng ngày, không dùng các chất kích thích thần kinh trung ương (cà phê thuốc lá rượu), tránh ngủ ban ngày tập thể dục vào buổi sáng sớm, tránh các sự kiện gây kích thích, có thể nghe đài, xem tivi hoặc đọc sách, tắm nước ấm khoảng 20 phút trước khi đi ngủ, ăn vào một giờ nhất định trong ngày, không ăn nhiều trước khi đi ngủ, tham khảo và tập các bài tập thư giãn đầu óc và cơ bắp vào các buổi tối...

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật