Tự uống thuốc cao huyết áp - Nguy cơ mất mạng như chơi

Bệnh nhân cao huyết áp tự ý dùng lại các đơn thuốc cũ hoặc tự uống thuốc khi huyết áp tăng có nguy cơ bị suy hô hấp, ngạt thở, tăng nhịp tim... dễ tử vong.

Thói quen xin đơn thuốc

Hội tim Mạch học Việt Nam đang triển khai chương trình tầm soát tăng huyết áp tại hơn 20 BV trên cả nước, mới nhất BV Đa khoa Hoè Nhai (Hà Nội) khám cho hơn 200 bệnh nhân từ khắp Hà Nội

TS.BS Nguyễn Đức Long, Giám đốc BV Hoè Nhai cho biết, tăng huyết ápbệnh phổ biến nhất hiện nay. Đối với người bị huyết áp cao nguy cơ bị đột quỵ (tai biến mạch não) tăng gấp 4 lần, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim tăng gấp 2 lần so với người bình thường. Do là bệnh mạn tính bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc suốt đời. Song người Việt có thói quen mách nhau rồi tự ý mua, uống thuốc tại nhà, hoặc chỉ đi khám một lần rồi dùng đơn thuốc đó mãi mãi.

Đưa mẹ đến khám, chị Thanh Loan (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, mẹ chị năm nay 74 tuổi huyết áp thường xuyên cao 170/90 mmHg. Cạnh phòng cũng có người bị tăng huyết áp dùng thuốc propranolol thấy ổn nên chị cũng tìm mua cho mẹ dùng, khi nào huyết áp lên vừa uống 2 viên, nặng thì uống 4 viên.

Tuy nhiên TS Long nhấn mạnh, người bệnh cao huyết áp tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc Về nguyên tắc, BS sẽ phải khám, điều trị theo dõi, giai đoạn đầu chưa ổn định 1 tuần gặp BS tái khám 1 lần, rồi 2 tuần, 1 tháng. Sau đó cứ mỗi 3 tháng định kỳ khám lại hoặc gặp BS ngay khi huyết áp tăng đột biến.

Bệnh nhân huyết áp cao khi tuân thủ uống thuốc đều đặn, điều chỉnh lối sống sẽ ổn định. Khi đó BS có thể điều chỉnh thuốc

“Mỗi đơn thuốc chỉ có giá trị trong một đợt trị liệu. Liều lượng có thể tăng hoặc giảm cho phù hợp với tình trạng bệnh. Do vậy bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc hoặc dùng tăng/giảm thuốc. Điều này cực kỳ nguy hiểm”, BS Long khuyến cáo.

Hiện tại, để điều trị tăng huyết áp có 4 nhóm thuốc. Tuỳ từng bệnh nhân, BS sẽ kê đơn cụ thể và điều chỉnh trong suốt quá trình điều trị.

Với thuốc propranolol (thuộc nhóm chẹn beta) là thuốc điều trị cao huyết áp qua cơ chế làm giảm số lượng nhịp tim dẫn đến giảm huyết áp. Do đó nếu không được khám, những người nhịp tim thấp uống vào có nguy cơ ngất hoặc gây co thắt phế quản khiến bệnh nhân suy hô hấp ngạt thở chậm cấp cứu có thể tử vong

Gần 6 triệu người không biết mình bị bệnh

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 11 triệu bệnh nhân tăng huyết áp tuy nhiên hơn nửa số này không biết mình bị bệnh, duy chỉ có khoảng 1,2 triệu người được điều trị thường xuyên.

Hầu hết bệnh nhân phát hiện bệnh khi tình cờ đi khám bệnh khác hoặc tham gia các chương trình tầm soát.

Đáng lưu ý, tăng huyết áp đang có xu hướng trẻ hoá và gia tăng không ngừng. Năm 2016, theo điều tra của Viện tim mạch VN, tỉ lệ tăng huyết áp ở người lớn từ 18 tuổi trở lên tới 47,5%.

Nếu tăng huyết áp kéo dài không điều trị, một tỉ lệ lớn bệnh nhân sẽ gặp các biến chứng nhồi máu cơ tim suy tim tai biến mạch máu não thiếu máu não suy thận xuất huyết mắt tổn thương đáy mắt gây mù loà...

TS Long cho biết, những biểu hiện hay gặp nhất của tăng huyết áp gồm: Đau đầu, giật hai bên thái dương choáng váng chóng mặt nóng bừng mặt mất ngủ đái đêm chảy máu mũi, giảm thị lực, cảm giác ruồi bay, hồi hộp trống ngực...



Tuy nhiên đa số không có biểu hiện gì. Rất nhiều bệnh nhân bỗng một ngày bị đột quỵ nhồi máu cơ tim tai biến mạch máu não, khi đến viện mới phát hiện huyết áp cao. Do đó cách duy nhất để phát hiện bệnh là đo huyết áp.

“Đặc biệt với những gia đình có tiền sử cao huyết áp, con cái cũng cần kiểm tra huyết áp từ sớm theo định kỳ. Kể cả khi bạn thấy bình thường nhất cũng nên đo để phát hiện nguy cơ tăng huyết áp”, TS Long lưu ý.

Để phòng bệnh, TS Long khuyên người dân nên thay đổi lối sống, có chế độ ăn uống hợp lý, giảm muối, ăn nhiều rau quả, hạn chế bia rượu không hút thuốc lá, vận động thường xuyên.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật