Vắt và trữ sữa non trước khi sinh: chớ lạm dụng nó các mẹ bầu nhé!

Hiện nay nhiều bà mẹ đang truyền tai nhau về cách vắt sữa non trước khi sinh. Bởi nhiều bà mẹ lo lắng phải sinh mổ, hoặc phải khâu tầng sinh môn và dùng thuốc kháng sinh sẽ không tốt cho con khi bú sữa non của mình. Chính vì thế, để con có những giọt sữa non quý giá từ lúc mới chào đời, các mẹ đã bày cho nhau cách vắt sữa trước sinh (khi ở tuần thứ 34, 35) dự trữ trong tủ lạnh để cho con bú. Vậy, việc làm này có thật sự tốt cho trẻ và mẹ?

Đua nhau vắt sữa non

Phong trào vắt sữa non bắt đầu sau khi một số trang mạng xã hội đăng tải những bài viết khuyên phụ nữ mang thai từ tuần thứ 34 nên vắt sữa non trữ cho trẻ uống ngay sau sinh, phòng trường hợp mẹ phải tiêm kháng sinh do sinh mổ hoặc vì lý do nào đó không thể cho con bú, trẻ phải cách ly mẹ.

Trong đó, khuyên mẹ bầu nên thu hoạch sữa non từ tuần thứ 35, dùng tay nhẹ nhàng vắt sữa, mỗi ngày 3-5 lần, mỗi lần 3-5 phút, dùng ống tiêm tiệt trùng (5ml - không kim) để thu từng giọt sữa non. Sau đó ghi ngày dán ngoài túi đựng ống tiêm rồi trữ lạnh.

Khi sinh, bố mẹ bé mang sữa này trong hộp kín và túi trữ lạnh rồi gửi vào ngăn đông ở tủ lạnh của bệnh viện lúc cần dùng sẽ ngâm cả ống tiêm vào nước ấm, hay máy hâm sữa và đút cho bé ăn. Vắt sữa có thể gây co thắt tử cung nhẹ nhưng an toàn và không kích ứng chuyển dạ

Theo những thông tin này, việc trữ sữa non giúp trẻ mới sinh luôn có sẵn sữa non của mẹ để việc “lập trình đầu đời” của niêm mạc ruột được hoàn hảo...Thành quả sữa non vắt được do một mẹ bầu 37 tuần tuổi thai chia sẻ trên diễn đàn cho các mẹ khác. (Hình chụp từ một trang diễn đàn trên internet).

Chị Lộc Lan Hằng ở quận Thanh Xuân Hà Nội cho biết, chị bắt đầu vắt sữa từ khoảng tuần thứ 35. Ba ngày đầu sữa đặc sánh, chỉ được vài giọt. Vài ngày sau, vất vả cũng đã được đền đáp, mỗi lần vắt được 1-2ml. Tới tuần thứ 37, chị vắt được 10 xi-lanh, mỗi xi-lanh 5ml sữa chứa trong ngăn đá với hy vọng để dành nguồn sữa non quý giá này nếu lỡ sinh mổ chưa có sữa thì con uống được ngay khi vừa chào đời, không cần phải “tráng ruột” bằng sữa công thức

Cũng như chị Hằng, chị Ánh Thanh, 30 tuổi ở quận Đống Đa đã thực hiện việc vắt sữa non khi bắt đầu bước sang tuần thứ 35 của thai kỳ Mỗi ngày, chị cố gắng nặn 2 lần vào sáng và tối, được đầy xi-lanh 5ml sữa. Chị Thanh chia sẻ: “Lần sinh đầu không vắt sữa non, do em bé nhiễm khuẩn nước ối của mẹ, phải nằm phòng cách ly.

Nghe nói không gì tốt cho bé bằng sữa non của mẹ nên lần mang thai này mình áp dụng ngay cách vắt sữa non”. Chị Đào Thanh Hòa (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cũng nghe các chị em truyền kinh nghiệm nên tích trữ sữa non khi mang thai lần 2 được 37 tuần. Tuy vậy, chỉ sau vài lần vắt sữa, chị Hòa đành phải từ bỏ ý định do xuất hiện những cơn co bất thường. Đây cũng là nguyên nhân khiến chị Hòa phải nằm viện 2 tuần để theo dõi.

Vắt sữa non trước khi sinh sẽ tăng nguy cơ sinh non

PGS.TS. Vũ Bá Quyết, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, việc các bà mẹ truyền tai nhau vắt sữa non trước khi sinh để dành cho trẻ bú là việc tuyệt đối không nên làm vì gây nguy hiểm cho cả mẹ và con. Bởi vắt sữa non là động tác kích thích đầu vú nên sẽ gây tăng tiết oxytocin nội sinh và có nguy cơ gây chuyển dạ sinh non điều này hoàn toàn không tốt.

Đặc biệt với những trường hợp sản phụ có nhau tiền đạo, nếu có cơn co tử cung sẽ dễ gây xuất huyết âm đạo ồ ạt. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp mẹ không nên trực tiếp cho con bú ngay sau sinh như mẹ bị mắc các bệnh truyền nhiễm (HIV viêm gan b, suy tim ). Những trường hợp này cần phải có sự hướng dẫn của bác sĩ về cách chăm sóc trẻ và tuyệt đối mẹ không nên tự ý vắt sữa non sớm.

Cũng theo PGS.TS. Quyết, hiện có nhiều sản phụ cho rằng, nếu sinh mổ và phải dùng kháng sinh thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn sữa khi cho con bú. Đó là một suy nghĩ rất sai lầm. Kháng sinh dùng cho sản phụ để chống khả năng nhiễm trùng sau mổ sẽ không có tác động xấu tới cơ thể trẻ. Ngược lại, hiện nay, các bác sĩ luôn khuyến khích cho trẻ bú mẹ trực tiếp ngay sau khi sinh, thậm chí cho trẻ bú mẹ ngay khi trẻ mới được đưa ra khỏi tử cung, vẫn còn nguyên cuống nhau thai Sữa non là nguồn dinh dưỡng vô cùng tốt đối với trẻ.

Theo BS. Đặng Thị Thu Hiền bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cơ thể mẹ bắt đầu sản xuất sữa non từ khoảng tuần thứ 30 của thai kỳ. Tuy nhiên, không phải cơ thể người mẹ nào cũng có sữa non sớm. Nhiều sản phụ sau khi sinh sữa non mới xuất hiện.

Vì vậy, việc vắt sữa non trước khi sinh sẽ gây đau đớn và rất khó khăn, thậm chí còn có thể gây nên áp-xe vú do các tuyến sữa không được kích thích đều đặn. Trong khi đó, sau khi sinh, phản xạ tiết sữa rất mạnh, kết hợp với động tác bú mút của trẻ sơ sinh sẽ giúp sữa ra nhiều hơn, đủ đáp ứng cho nhu cầu của trẻ ngay.

Sữa non chứa nhiều kháng thể rất tốt cho trẻ. Tuy nhiên, việc bảo quản sữa non trong ngăn đá tủ lạnh dài ngày rồi sau đó cho trẻ sơ sinh uống sẽ không đảm bảo chất lượng chưa kể bảo quản không tốt còn bị nhiễm khuẩn, trẻ bú có thể bị tiêu chảy viêm ruột hoại tử

Một lần nữa PGS. Quyết cảnh báo các bà mẹ, dù trong bất cứ trường hợp nào cũng không nên vắt sữa non trước khi sinh, điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu tới cả mẹ và con.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật