Ðột phá mới trong điều trị bệnh tiểu đường không thể bỏ qua

Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là loại bệnh về nội tiết do rối loạn chuyển hóa đường trong máu khiến cho lượng đường trong máu luôn ở mức cao; là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý về tim mạch, huyết áp, suy thận...

Do đó, việc điều trị bệnh tiểu đường luôn được các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu để mang đến phương pháp tốt nhất, hiệu quả nhất.

Sử dụng tế bào gốc từ máu dây rốn trẻ sơ sinh

Các nhà khoa học Anh và Mỹ cho biết, họ có thể sử dụng tế bào gốc lấy từ máu của dây rốn trẻ sơ sinh để giúp bệnh nhân mắc tiểu đường loại 1 khôi phục khả năng sản xuất insulin trong cơ thể.

Các nhà khoa học phát triển một lượng lớn tế bào gốc từ máu dây rốn và sử dụng chúng để thay thế những tế bào sản xuất insulin bị hư hại ở tuyến tụy của bệnh nhân tiểu đường

Trưởng nhóm nghiên cứu, GS. Larry Denner, chuyên gia về nội khoa - nội tiết của Trường đại học Texas cho biết: “Những tế bào gốc từ dây rốn có khả năng sản xuất một hợp chất có tên là C-peptide - một chất protein tiền thân của insulin và chỉ hiện diện khi tế bào sản xuất ra insulin. Do đó, sự hiện diện của C-peptide chứng minh rằng ít nhất đã có một lượng insulin nhất định được sản xuất bởi tế bào gốc được dùng thay thế cho tế bào tụy tạng đã hư hại hoặc bị phá hủy”. Nghiên cứu này được xem là bước đột phá quan trọng trong việc ứng dụng tế bào gốc và cũng mở ra hy vọng cho những bệnh nhân mắc tiểu đường týp 1.

Sử dụng tế bào gốc máu từ dây rốn trẻ sơ sinh.

Sử dụng tế bào gốc máu từ dây rốn trẻ sơ sinh.

Cụm tế bào beta tự sản xuất insulin giúp kiểm soát lượng đường trong máu

Các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã thành công trong việc dùng tế bào gốc để tạo ra các tế bào beta có khả năng sản xuất insulin và tiến hành thử nghiệm thành công trên chuột khi bệnh tiểu đường ở chuột biến mất sau 6 tháng. Thông thường trong tuyến tụy của người khỏe mạnh, các cụm tế bào beta sẽ tự sản xuất insulin để giúp cơ thể kiểm soát lượng đường trong máu. Trong khi đó, tuyến tụy của bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường sẽ không thể làm được điều này nên đường trong máu sẽ bị tích tụ thay vì chuyển hóa thành năng lượng khiến hệ miễn dịch sẽ tự động tấn công và tiêu diệt tế bào sản xuất insulin. Các nhà khoa học từ MIT đã tìm ra phương pháp giúp các tế bào beta tránh được sự theo dõi của hệ miễn dịch bằng cách bọc những tế bào beta vào một hợp chất có tên triazole-thiomorpholine dioxide (TMTD). Hợp chất này giúp tế bào beta cấy ghép có thể vượt qua hệ miễn dịch và tiến hành công việc sản xuất insulin của mình. Chỉ sau gần 6 tháng, lượng đường trong máu của chuột đã giảm đáng kể về mức bình thường.

Hợp chất trong thuốc huyết áp giúp điều trị bệnh tiểu đường

Thuốc methyldopa được sử dụng để điều trị bệnh tăng huyết áp ở phụ  nữ có thai và trẻ em trong hơn 50 năm qua. Đây cũng là một loại thuốc nằm trong danh mục những loại thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới. Methyldopa được cho là có tác dụng ngăn chặn một phân tử có tên là DQ8 - nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 1. Do đó, việc ngăn chặn được phân tử này đồng nghĩa với việc có thể ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh đái tháo đường Theo PGS. Aaron Michels - tác giả nghiên cứu từ Đại học Colorado, Mỹ: “Đây là loại thuốc đầu tiên có thể được dùng để phòng ngừa bệnh đái tháo đường týp 1. Với loại thuốc này, chúng ta có thể ngăn ngừa đến 60% nguy cơ bệnh đái tháo đường týp 1”.

Thiết bị cấy ghép insulin

Thiết bị này được tạo ra bởi các nhà khoa học Anh, nó hoạt động như một tuyến tụy nhân tạo bằng cách giải phóng insulin vào máu. Thiết bị được cấy vào bụng - nơi có thể sản sinh ra một lượng chính xác insulin cho cơ thể nên việc tiêm insulin không cần thiết nữa. Thiết bị bao gồm một đầu chứa insulin được lưu giữ trong ngăn bởi hàng rào làm bằng gel. Khi lượng đường trong cơ thể tăng lên, các chất gel hóa lỏng và giải phóng insulin vào cơ thể. Insulin tiết ra làm giảm hàm lượng glucose, lúc này chất gel phản ứng lại bằng cách hóa cứng một lần nữa và bảo quản insulin  như ban đầu. Điều này giúp bệnh nhân tiểu đường không phải tiêm insulin bốn lần mỗi ngày.

Kính áp tròng thông minh theo dõi lượng đường trong máu

Các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Ulsan tại Hàn Quốc đã chế tạo thành công kính áp tròng thông minh có tính năng mềm, dẻo giúp phát hiện mức độ đường trong nước mắt và cho biết kết quả thông qua màn hình kính. Thông báo này sẽ báo cho người sử dụng biết nếu lượng đường quá cao bằng cách tắt một đèn LED nhỏ được tích hợp trong kính. Trưởng nhóm, TS. Jihun Park cho biết: “Thiết bị này có chi phí hợp lý, không cản trở tầm nhìn hay gây hại cho mắt của người dùng và hiệu quả trong việc theo dõi lượng đường trong máu của người mắc bệnh đái tháo đường hàng ngày”.

Loài cá mù trong hang động Mexico giúp chữa bệnh tiểu đường.

Loài cá mù trong hang động Mexico giúp chữa bệnh tiểu đường.

Loài cá mù trong hang động giúp chữa bệnh tiểu đường

Mới đây, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Harvard, Mỹ đã phát hiện những con cá mù sống trong các hang động ở Mexico có tên khoa học là Astyanax mexicanus, có một chi đặc biệt và có cùng đột biến di truyền như những người mắc dạng tiểu đường bẩm sinh nặng. Những con cá này cũng có những dấu hiệu gia tăng lượng đường trong máu sau bữa ăn và chúng cũng bị kháng insulin nhưng chúng hoàn toàn khỏe mạnh. Các nhà khoa học đã rất ngạc nhiên trước khả năng này của loài cá mù vì rối loạn điều tiết glucose thường gây ra một số vấn đề nhưng loài cá này thì không.

Các nhà khoa học tin rằng cá mù sống trong hang động ở Mexico có các đột biến gene bổ sung để bảo vệ cơ thể khỏi những ảnh hưởng của việc điều tiết glucose kém. Nếu những đột biến gene này được phát hiện, việc nghiên cứu chúng cho phép các nhà khoa học tìm ra phương pháp mới giúp điều trị ở những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật