Gãy xương chậu - Một số vấn đề mà bạn đọc cần lưu ý

Gãy xương chậu chiếm tỷ lệ 1 - 2% trong tổng số gãy xương, là xương xốp nên khi gãy gây chảy máu nhiều. Gãy xương chậu chia ra 3 loại: Gãy thành xương cánh chậu: Di lệch ít, điều trị dễ; gãy ổ cối: Điều trị khó, dễ biến chứng, ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của khớp hông sau này; gãy khung chậu: chảy nhiều máu, dễ sốc, hay kèm tổn thương cơ quan nội tạng trong khung chậu gây nguy hiểm đến tính mạng. Dưới đây là nguyên nhân, những tổn thương và cách xử lý khi gãy xương chậu.

Nguyên nhân gãy xương chậu là gì?

Thường gặp gãy xương chậu do ngã: ngã ngồi gây gãy ụ ngồi, gãy ngành cánh chậu (gãy kiểu Duverney); do chấn thương: xương chậu bị ép lại trong trường hợp xe đè qua hay bị vật nặng đè ép, rơi từ độ cao lớn, do sập hầm, vùi lấp, tai nạn giao thông; vận cơ quá mức thường gặp ở người chơi thể thao, luyện tập võ thuật, động tác đột ngột trong lao động: gãy gai chậu trước trên do cơ căng cân đùi và cơ may kéo mạnh, gãy gai chậu trước dưới do cơ thẳng trước kéo, gãy cánh chậu do cơ mông nhỡ kéo.

Gãy xương chậu do nhiều nguyên nhân như do ngã, chấn thương

Gãy xương chậu do nhiều nguyên nhân như do ngã, chấn thương

Đặc điểm giải phẫu khung chậu

Khung chậu có hình như một cái chậu thắt ở giữa, được cấu tạo bởi 2 xương chậu, xương cùng và xương cụt. Xương chậu gồm 3 xương hợp lại là xương chậu, xương ngồi, xương mu, tiếp giáp 3 xương là ổ cối, phía trước là khớp mu, phía sau khớp với xương cùng của cột sống gọi là khớp cùng chậu.

Những tổn thương gãy thường gặp

Gãy khung chậu: Sau chấn thương bệnh nhân thấy sưng nề tụ máu vùng gãy xương; không nâng được chân lên khỏi mặt giường; ép giữa khung chậu thấy đau chói Triệu chứng tổn thương các cơ quan trong khung chậu và trong ổ bụng: rách đứt niệu quản, vỡ bàng quang đứt niệu đạo tổn thương âm đạo tử cung vòi buồng trứng mạch máu thần kinh, vỡ thận gan lách, thủng ruột non ruột già Chụp Xquang thẳng nghiêng thấy hình ảnh gãy xương: gãy cung trước, cung sau, trật khớp mu, trật khớp cùng - chậu.

Gãy thành chậu, rìa chậu: Bệnh nhân không co gấp đùi vào bụng được, bất lực vận động, đau nhiều ở vùng gãy nếu sưng nề lớn; ấn đau tại chỗ: ụ ngồi, gai chậu trước trên, gai chậu trước dưới, xương cùng, xương cụt; ép khung chậu đau; nếu  gãy xương cùng, ngành mu chậu thì thăm âm đạo trực tràng đau. Chụp Xquang xác định thể gãy thành chậu: gãy gai chậu trước trên và trước dưới; gãy dọc cánh chậu; gãy ngang cánh chậu kiểu Duverney; gãy ngang xương cùng; gãy ngành mu - chậu; gãy ụ ngồi; gãy ngành ngồi - chậu; gãy ngang xương cụt.

Gãy khung chậu là một tổn thương gãy thường gặp

Gãy khung chậu là một tổn thương gãy thường gặp

Gãy ổ cối: Bệnh nhân đau nhiều trong khớp háng; không đứng, không cử động được khớp háng; nếu làm cử động khớp háng bệnh nhân sẽ rất đau; vị trí mấu chuyển lớn có thể bị di lệch khi trật khớp háng trung tâm. Chụp Xquang phát hiện gãy rìa trên, rìa dưới ổ cối; gãy rìa ổ cối mảnh lớn gây bán trật khớp háng nhẹ; gãy đáy ổ cối có chỏm xương đùi lọt qua gây trật khớp háng trung tâm.

Chẩn đoán phân biệt: Gãy xương chậu cần phân biệt với các trường hợp: đụng giập phần mềm khung chậu; trật khớp háng; gãy cổ xương đùi.

Biến chứng: gãy xương chậu có thể có các biến chứng như sốc do bệnh nhân bị mất máu nhiều; viêm phổi do bệnh nhân phải nằm lâu ngày viêm đường tiết niệu; bán trật khớp háng; trật khớp háng trung tâm; tổn thương các cơ quan trong khung chậu; viêm phúc mạc giả do máu tụ sau phúc mạc; can lệch trong các trường hợp gãy ổ cối, gãy khung chậu di lệch lớn; thoái hoá khớp háng; hoại tử chỏm xương đùi.

Cách xử lý khi gãy xương chậu

Sơ cứu: Nếu gãy thành chậu có thể dùng thuốc giảm đau tại chỗ và toàn thân; vận chuyển nhẹ nhàng trên võng đến bệnh viện Trường hợp gãy khung chậu chỉ dùng thuốc giảm đau tại chỗ, không dùng thuốc giảm đau toàn thân khi chưa rõ tổn thương kết hợp; vận chuyển bệnh nhân nhẹ nhàng trên ván cứng về cơ sở điều trị.

Điều trị: Nếu bệnh nhân bị sốc phải chống sốc tích cực. Đồng thời  phải điều trị các tổn thương kết hợp.

+ Gãy thành chậu: thường điều trị bảo tồn, bệnh nhân phải nằm bất động trên giường từ 2 - 4 tuần. Đối với gãy Duverney, do di lệch lớn nên phải nắn chỉnh, băng dính tại chỗ và bất động trên giường 4-6 tuần. Nếu gãy xương cụt: nắn chỉnh qua trực tràng hoặc phẫu thuật. Gãy gai chậu trước trên, gai chậu trước dưới cần phẫu thuật khâu dính lại, kết hợp xương bằng vít. Gãy ổ cối kết hợp xương bằng đinh Kirschner qua lồi cầu xương đùi kéo liên tục với trọng lượng 8 - 10kg trong 10 - 14 tuần.

Nếu gãy thành chậu có thể dùng thuốc giảm đau tại chỗ và toàn thân

Nếu gãy thành chậu có thể dùng thuốc giảm đau tại chỗ và toàn thân

+ Gãy khung chậu: Điều trị bảo tồn nếu gãy một cung trước hoặc sau ít di lệch, cho bệnh nhân nằm bất động 5 - 6 tuần. Gãy hai cung, gãy kiểu Malgaigne ít di lệch, cho bệnh nhân nằm bất động trên giường, gác chân trên giá Braun 4 - 8 tuần. Gãy khung chậu di lệch: Nắn chỉnh bằng xuyên đinh Kirschner qua lồi cầu xương đùi kéo liên tục, chân đặt trên giá Braun kéo trọng lượng bằng 1/7 trọng lượng cơ thể liên tục trong 10 - 14 tuần. Có thể để người bệnh để mông trên võng vải bắt chéo giúp cho diện  gãy ép vào nhau. Bệnh nhân cần tập vận động khi liền xương.

+ Dùng phương pháp phẫu thuật đối với các trường hợp: gãy cung trước di lệch nhiều như ngành mu - chậu, kết hợp xương bằng nẹp vít, đinh chữ U; gãy toác khớp mu: kết hợp xương bằng buộc vòng dây thép, nẹp vít cố định khung chậu bằng khung cố định ngoài; gãy  thành sau hoặc gãy toác dọc cánh chậu: kết hợp xương bằng nẹp vít.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật