Khi trẻ nhỏ bị bệnh đường hô hấp, khi nào cần đưa đi khám?

Rất nhiều trường hợp tự sử dụng thuốc cho con và gây tai biến, làm cho việc chữa trị sẽ khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều

Dường như thói quen người lớn tự ý dùng thuốc chữa các bệnh đường hô hấp trên cho trẻ nhỏ đã trở thành phổ biến. Và nhiều khi các bậc cha mẹ không lường được hết hậu quả từ việc làm tưởng chừng đơn giản này...

Hệ lụy từ việc tự ý dùng thuốc

Cháu Trần Nhật Linh, 13 tháng tuổi ở Bắc Giang có biểu hiện ho sốt, người mệt mỏi và quấy khóc nhiều. Mẹ cháu vội chạy ra nhà thuốc mua kháng sinh về cho uống. Uống thuốc được ba ngày, bệnh chẳng thấy đỡ mà bé Linh cứ khó thở dần, người đờ đẫn. Thấy vậy gia đình ngay lập tức đưa cháu đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang. Tại đây sau khi xem xét và làm một số xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ cho biết, cháu Linh bị áp xe phổi suy hô hấp thể nặng. Rất may là sau điều trị vài ngày cháu đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch, song vẫn phải điều trị tích cực.

Bé Lê Kiều Nam, 3 tuổi ở Đà Nẵng, bị sổ mũi mẹ mua thuốc nhỏ mũi về dùng. Thấy con vẫn còn chảy nước mũi nên mẹ cứ nhỏ cả tháng trời mà không thấy cháu khỏi. Đến khi đem con đi khám ở phòng khám tai mũi họng, các bác sĩ kết luận cháu bị viêm mũi do thuốc, mẹ cháu mới giật mình vì sự lạm dụng thuốc của mình. Do thuốc nhỏ mũi mà mẹ Nam nhỏ cho cháu có chứa thành phần naphazolin, nên sau 1 tháng nhỏ mũi niêm mạc mũi không những không khỏi mà bị 'phản ứng dội ngược' gây viêm mũi do thuốc. Trường hợp như cháu Nam cũng không phải là hiếm.

Đây là hai trong rất nhiều trường hợp tự sử dụng thuốc cho con và gây tai biến, làm cho việc chữa trị sẽ khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều trẻ em mắc bệnh đường hô hấp thường hay bị tái đi tái lại nhiều lần. Do tâm lý ngại đưa con đi khám hoặc coi đó là những bệnh thông thường nên không ít người chăm sóc trẻ đã 'tự xử' bệnh cho con em mình và đã gây ra những hậu quả đáng tiếc. Nhẹ thì trẻ bị rối loạn tiêu hóa dị ứng ngoài da như mẩn đỏ, ngứa... Nặng dẫn đến suy hô hấp trụy tim mạch sốc phản vệ thậm chí tử vong Đây là những phản ứng mình thấy được. Ngoài ra, việc dùng thuốc bừa bãi còn làm suy yếu hệ miễn dịch ở trẻ (làm cho trẻ dễ mắc bệnh), ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ sau này.

Vậy khi nào cần đến bác sĩ?

ThS. BS. Nguyễn Hoàng Nam – Phụ trách Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nếu trẻ chỉ hơi sốt, vẫn sinh hoạt ăn uống bình thường, cha mẹ cần theo dõi nhiệt độ cho bé. Nếu trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên, cần cho cháu dùng thuốc hạ nhiệt theo cân nặng và hướng dẫn của nhà sản xuất. Nếu trẻ chỉ bị ho nhẹ cha mẹ cần dùng các loại thuốc ho thảo dược hoặc dùng mật ong hấp với chanh, quất lá hẹ lá hồng bạch... Khi trẻ bị sổ mũi nhẹ, nước mũi trong, cha mẹ chỉ cần dùng nước muối sinh lý nhỏ nhiều lần cho trẻ và theo dõi. Trong thời gian này các bậc cha mẹ cần tăng cường cho trẻ uống thêm nước. Nếu sau 2 ngày áp dụng các biện pháp nêu trên mà không thấy trẻ đỡ cần đưa trẻ đi khám ngay.

Đối với các bệnhđường hô hấp cần theo dõi nhịp thở của trẻ. Cách đơn giản nhất là theo dõi nhịp thở của trẻ trong trạng thái nằm yên. Nếu trẻ dưới 2 tháng tuổi nhịp thở nhanh trên 60 lần/phút; từ 2– 12 tháng tuổi nhịp thở nhanh trên 50 lần/phút; trên 1 tuổi nhịp thở nhanh trên 40 lần/phút... cần đưa ngay trẻ đến khám và điều trị bởi các bác sĩ nhi khoa.

Trẻ dưới 2 tháng tuổi, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào khác thường như trẻ tự nhiên bỏ bú, quấy khóc, sốt, ho, chảy nước mũi... cần đưa đi khám ngay. Tuyệt đối không để trẻ ở nhà tự chữa bệnh cho con, rất nguy hiểm vì trẻ dưới 2 tháng tuổi vẫn còn kháng thể của mẹ truyền cho nên trong thời gian này trẻ rất ít khi ốm. Nếu trẻ ốm tức là có bất thường cha mẹ cần kịp thời đưa trẻ đến khám bác sĩ nhi khoa ngay để tìm nguyên nhân và chữa trị.

Trong các bệnh lý đường hô hấp ở trẻ em, ho là một triệu chứng rất hay gặp và các bậc cha mẹ cũng thường tự ý mua thuốc giảm ho cho con uống. Tuy nhiên, ThS. DS. Lê Quốc Thịnh - Trưởng khoa Dược Bệnh viện 71 Trung ương lưu ý các bậc cha mẹ dùng thuốc giảm ho, long đờm cho trẻ em cần hết sức thận trọng. Phản xạ ho nhiều lúc rất cần thiết để làm sạch đường thở, nhất là khi ho có nhiều đờm dãi. Chỉ dùng thuốc giảm ho trong trường hợp ho khan ho do kích ứng dị ứng Đối với trường hợp ho có nhiều đờm dãi ở trẻ em, điều quan trọng là phải làm sạch đường thở cho trẻ bằng các biện pháp không dùng thuốc như giúp trẻ xì mũi hút đờm dãi đúng cách... Nếu cần dùng thuốc phải chọn đúng loại phù hợp để làm loãng đờm, tiêu đờm,  làm cho đờm dễ dàng thoát ra ngoài thông qua phản xạ ho.

 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật