Những sự thật về viêm gan B có thể bạn chưa biết đến

Viêm gan B (còn gọi là viêm gan vi rút B hay viêm gan siêu vi B) là tình trạng sưng tấy hoặc hoại tử tế bào gan cấp hoặc mạn tính, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng như xơ gan hoặc ung thư gan.

Viêm gan B có mặt trên toàn cầu

- Dù đã có vắc xin dự phòng hiệu quả từ năm 1982, mỗi năm vẫn có  khoảng 600,000 ca tử vong trên thế giới do viêm gan B.

- Có khoảng 360 triệu người trên thế giới đang mắc viêm gan B mạn, con số này cao gấp 7 lần số người nhiễm HIV/AIDS. Đa số người mắc viêm gan B không có triệu chứng rõ ràng.

- Nếu không được theo dõi và khám định kỳ, 1/4 số người mắc viêm gan B mạn sẽ tử vong do ung thư gan hoặc suy gan



80% người mắc viêm gan B mạn trên thế giới sống tại khu vực Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á.

Viêm gan B tại Việt nam

- Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ mắc viêm gan B rất cao. Cứ khoảng 8 người sẽ có 1 người mắc viêm gan B mạn.

- ung thư gan là một trong các loại ung thư thường gặp và gây tử vong vong cao nhất Việt nam. Năm 2013, có khoảng 31.000 ca tử vong do ung thư gan tại Việt nam. Khoảng 40% các trường hợp tử vong do ung thư gan tại Việt Nam có liên quan đến viêm gan B.

- Tại Việt nam ung thư gan là ung thư thường gặp nhất ở nam giới và  thường gặp thứ 3 ở nữ giới.

- Người mắc viêm gan B mạn tại Việt nam chủ yếu do lây truyền từ mẹ sang con.

Độ tuổi bắt đầu mắc viêm gan B

Bất kỳ ai chưa có miễn dịch bảo vệ đều có thể mắc viêm gan B. Tuy nhiên, độ tuổi khi nhiễm vi rút viêm gan B là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc bệnh có chuyển thành viêm gan mạn hay không.

trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mắc vi rút viêm gan B có nguy cơ tiến triển thành mắc viêm gan B mạn cao nhất. Nếu không được tiêm phòng và điều trị dự phòng, trên 90% trẻ sinh từ mẹ nhiễm viêm gan B sẽ mắc viêm gan B mạn. Vì vậy, cần tiêm phòng vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh ngay trong 24 giờ đầu sau sinh. Trẻ mắc vi rút viêm gan B thường không có triệu chứng hoặc rất mờ nhạt. Trái lại, 30-50% người lớn mắc vi rút viêm gan B có triệu chứng viêm gan cấp như mệt mỏi chán ăn vàng da; và khoảng 6-10% sẽ tiến triển thành viêm gan B mạn.

Các con đường lây truyền viêm gan B

Vi rút viêm gan B tồn tại trong máu và dịch thể, có thể lây theo 3 đường: Từ mẹ sang con khi sinh, qua đường máu, và qua quan hệ tình dục không bảo vệ. Vi rút viêm gan B có thể tồn tại ngoài cơ thể đến 7 ngày, trong khi vi rút HIV chỉ tồn tại vài giờ ngoài cơ thể. Viêm gan B lây nhiễm cao gấp 50–100 lần so với HIV.

Lây từ mẹ sang con: Viêm gan B có thể lây từ mẹ sang con trong lúc sinh. Đây là đường lây truyền phổ biến nhất tại Việt nam và là nguyên nhân gây viêm gan B thường gặp nhất. Nhiều phụ nữ mang thai không biết mình bị viêm gan B do không có triệu chứng và không được xét nghiệm.

Lây qua đường máu: Viêm gan B có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp với máu nhiễm vi rút. Ví dụ:

- Tiếp xúc trực tiếp giữa các vết thương.

- Dùng chung dao cạo hoặc bằng chải đánh răng đã có nhiễm máu.

- Tái sử dụng bơm kim tiêm hoặc dụng cụ y tế.

- Truyền máu không an toàn.

Lây qua quan hệ tình dục: Viêm gan B có thể lây qua quan hệ tình dục không dùng bao cao su Mặc dù dùng bao cao su có thể giảm nguy cơ truyền viêm gan B, cách tốt nhất để phòng bệnh viêm gan B vẫn là tiêm phòng.

Viêm gan B không lây qua ăn uống chung: Hiện nay vẫn có một số hiểu nhầm về đường lây truyền viêm gan B. Nhiều người vẫn nghĩ rằng viêm gan B có thể lây qua đường ăn uống giống như viêm gan A Thực tế, vi rút viêm gan B KHÔNG lây truyền qua:

- Ăn uống chung, dùng chung cốc, chén, bát đũa

- Làm việc chung cùng cơ quan, văn phòng

- Ôm, hôn



- ho hoặc hắt hơi

- Bắt tay

- Muỗi đốt

- Cho con bú sữa mẹ

Viêm gan B có thể dự phòng được bằng vắc xin: Tiêm vắc xin phòng viêm gan B đầy đủ có thể tạo miễn dịch lâu dài, từ đó ngăn ngừa được nguyên nhân gây ung thư gan phổ biến nhất.

- Vắc xin viêm gan B được gọi là “vắc xin phòng ung thư” đầu tiên trên thế giới nhờ hiệu quả ngăn ngừa viêm gan vi rút B.

- Kiến thức và thực hành của nhân viên y tế có thể góp phần loại trừ viêm gan B tại Việt nam.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật